| Hotline: 0983.970.780

Tiếp sức ngư dân

Thứ Ba 16/04/2013 , 09:51 (GMT+7)

Sự phối hợp giữa Agribank huyện Gio Linh với bà con ngư dân vùng biển Cửa Việt đã làm cho đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng mạnh mẽ...

Sự phối hợp giữa Agribank huyện Gio Linh với bà con ngư dân vùng biển Cửa Việt đã làm cho đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng mạnh mẽ, có mặt khắp các ngư trường vừa khai thác được nhiều tôm cá, vừa bảo vệ biên cương hải đảo Tổ quốc.

Ai cũng muốn ra khơi

Huyện Gio Linh nổi tiếng với thế mạnh kinh tế khai thác biển, mà đáng chú ý nhất là đội tàu đánh cá xa bờ. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ được huyện triển khai thực hiện có hiệu quả đã giúp ngư dân vươn ra khơi xa, mở rộng ngư trường khai thác hải sản với nghề lưới rê cá mó, lưới rê hỗn hợp, lưới rê cá chim...

Chị Lê Thị Bốn ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt kể nhiều chuyến đi biển trúng đậm cá chim trắng thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ trang bị được tàu đánh cá hiện đại nên không riêng gia đình chị Bốn mà ngư dân vùng biển Gio Linh mỗi chuyến ra khơi thu về trăm triệu là chuyện không hiếm. Lần này chị Bốn quyết định đóng mới tàu cá gần 3 tỷ đồng, trong đó vay vốn từ ngân hàng NN-PTNT (Agribank) huyện Gio Linh, Chi nhánh Bắc Cửa Việt 1,2 tỷ đồng. Khoảng 3 tháng nữa con tàu mới cửa chị Bốn sẽ được hoàn thành để ra khơi.

Bây giờ là thời điểm vào mùa đánh cá của ngư dân Quảng Trị. Ngư dân Lê Văn Thuấn ở Xuân Lộc cho biết tàu của anh trang bị lưới vây rút chì. Mới sau hai chuyến ra vùng biển ở đảo Cồn Cỏ khai thác cá anh thu về được 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu.


Đội tàu xa bờ Cửa Việt trong ngày ra quân đánh bắt cá đầu năm 2013

Ngư dân ven biển huyện Gio Linh giàu lên nhờ làm ăn rất hiệu quả của mô hình phối hợp giữa Agribank Gio Linh và các chủ tàu. Ông Bùi Chí Thành, ngư dân ở Cửa Việt cho biết muốn làm ăn lớn phải có vốn dày, nhưng một mình chủ tàu thì khó mà làm được. Nhờ Agribank Gio Linh cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu và trang bị thêm ngư cụ đánh bắt cá biển khơi, đã giúp thêm sức mạnh cho bà con có sức vươn xa các ngư trường. Hơn 1 năm trước, ông Thành vay của Agribank Chi nhánh Bắc Cửa Việt 600 triệu đồng mua thêm lưới đánh cá. Sau thời gian làm ăn khấm khá ông đã trả cho ngân hàng gần hết số tiền vốn, hiện chỉ còn nợ gần 80 triệu.

Ở thị trấn cửa biển Cửa Việt ai cũng biết tiếng anh em ông Thành chịu khó và có kế hoạch làm ăn hợp lý. Sau 7 năm chú tâm với mô hình đánh bắt cá xa bờ, ông Thành phát triển thêm được 4 tàu lớn nâng đội tàu của đại gia đình lên 5 chiếc, giải quyết lao động cho 50 người, riêng lao động trên biển 30 người.

Không được hùng hậu như gia đình ông Thành, nhưng ngư dân Võ Công Trứ ở khu phố 7, thị trấn Cửa Việt có 2 tàu xa bờ. Ông Trứ cho biết vào năm 2010 Agribank Chi nhánh Bắc Cửa Việt cho ông vay 1,2 tỷ đồng trang bị phương tiện cho tàu đánh cá xa bờ. Nhờ có tàu tốt, công suất lớn đi được nhiều ngư trường, ông làm ăn có lãi cao nên đã trả nợ gần hết cho ngân hàng.

Tổ hợp tác tăng sức mạnh

Khi đề cập đến chuyện đồng vốn vay từ Agribank trang bị cho nghề cá xa bờ, ông Bùi Đình Sành, tổ trưởng tổ tự quản đánh bắt cá xa bờ của Cửa Việt mừng hẳn lên. Ông Sành nói nhờ đồng vốn của ngân hàng đã tiếp sức cho ngư dân thực hiện được ước mơ của mình là làm kinh tế lớn và bảo vệ biển đảo.

Ông Sành cho biết không có sự giúp sức của Agribank ngư dân có muốn làm ăn lớn cũng không được. Vì vốn ít đóng tàu nhỏ không thể ra xa vùng vẫy trước biển đông. Chỉ có tàu lớn, sức mạnh mới tập hợp được lực lượng hùng hậu vừa đánh cá, vừa bảo vệ lãnh thổ của đất nước.

Theo ông Sành đội tàu đánh bắt cá xa bờ Cửa Việt hiện có 45 chiếc với công suất từ 150 - 500 CV. Trong năm 2013 này sẽ có thêm 10 tàu xa bờ nữa được xuất xưởng, ra khơi.

Ông Đỗ Văn Mão, GĐ Chi nhánh Agribank Bắc Cửa Việt cho biết qua kênh ngân hàng này, bà con ngư dân Cửa Việt vay vốn đầu tư phát triển nghề cá hơn 70 tỷ đồng, trong đó có 45 dự án vay phục vụ đánh bắt xa bờ. Từ khi có tàu tốt bà con ngư dân làm ăn có lãi nên chỉ còn lại 29 dự án còn dư nợ gần 11 tỷ đồng.

Theo ông Mão, trung bình để đầu tư hoàn chỉnh một chiếc tàu đánh bắt xa bờ gần 3 tỷ đồng, gồm phần vỏ và ngư cụ, nếu chủ tàu có nhu cầu thì ngân hàng xem xét, tạo điều kiện cho vay 40% tổng số vốn đầu tư đó.

Ông Bùi Đình Sành cho biết trung bình mỗi năm ngư dân đi biển 10 tháng. Trừ chi phí rồi mỗi lao động trên tàu xa bờ có thu nhập 80 triệu đồng/năm, như vậy là cũng cao lắm rồi. Còn chủ tàu phần lãi thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Làm phép tính kinh tế ông Sành quả quyết lao động nghề biển tuy nặng nhọc nhưng thành quả không kém các ngành kinh tế khác.

Chiến lược phát triển này phù hợp với chủ trương của tỉnh Quảng Trị tiếp tục trang bị các thiết bị máy móc hiện đại và nghề mới để giúp ngư dân tiếp cận phương pháp đánh bắt chủ động, nhằm thúc đẩy nghề cá và tiềm năng khai thác kinh tế biển, xem đó là thế mạnh kinh tế không chỉ huyện Gio Linh, mà còn là của tỉnh.

So với nhu cầu thực tế thì còn rất nhiều ngư dân muốn vay vốn trang bị tàu xa bờ để làm ăn lớn song có một trở ngại là do năng lực kinh tế còn hạn hẹp, họ không có tài sản lớn thế chấp để vay được nhiều vốn. Ông Sành mong muốn các ban, ngành tháo gỡ giúp ngư dân vấn đề này.

Chúng tôi đem mong muốn của ông Sành ra trao đổi và được ông Trương Hữu Toán, GĐ Agribank huyện Gio Linh cho biết nhu cầu vốn của ngư dân để đầu tư đóng mới tàu công suất lớn rất cao trong khi đó vốn tự có ít. Hướng phát triển bền vững theo ông Toán bà con sớm thành lập tổ hợp tác, tạo năng lực tài chính mạnh hơn để được tăng vốn tự có, đủ điều kiện thế chấp ngân hàng.

Cụ thể là ba, bốn ngư dân thành một tổ sẽ đủ điều kiện vay vốn lớn để đóng tàu xa bờ. Ông Toán khẳng định ngân hàng luôn đồng hành và ủng hộ bà con ngư dân đầu tư thêm tàu thuyền khai thác biển xa, đây là hướng phát triển kinh tế vừa giúp ngư dân mau làm giàu lại vừa góp phần bảo vệ biên cương hải đảo Tổ quốc.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm