| Hotline: 0983.970.780

Tiếp sức ngư dân

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:21 (GMT+7)

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa chính thức thông qua đề án Quỹ hỗ trợ ngư dân. Quỹ này ra đời được xem là “bệ đỡ” khá vững chắc cho ngư dân vươn ra khơi xa và bám biển dài ngày...

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa chính thức thông qua đề án Quỹ hỗ trợ ngư dân. Quỹ này ra đời được xem là “bệ đỡ” khá vững chắc cho ngư dân vươn ra khơi xa và bám biển dài ngày...

>> Giữ ngư trường cho con cháu
>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

 

Lắm khó khăn

Quảng Nam có bờ biển dài 125 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn với hơn 40 nghìn km2, vì vậy đã hình thành nên nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú để phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản. Với lợi thế ấy, những năm qua ngành thủy sản Quảng Nam không ngừng phát triển và lớn mạnh, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm (giai đoạn 2005-2011) là 18,84%. Đặc biệt, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh này đạt khoảng 30 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Giỏi – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu vươn khơi khai thác với các nghề như câu mực khơi, lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng... bước đầu đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao. Theo ông Giỏi, hiện nay toàn tỉnh có 4.220 chiếc tàu gắn máy với tổng công suất 156.447 CV, bình quân công suất mỗi tàu đạt hơn 37,31 CV, tăng 18,3 CV so với năm 2005. Trong đó, số lượng tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 286 chiếc với tổng công suất 85.194 CV. Năm 2011, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 60.891 tấn, tăng 13.500 tấn so với năm 2005, trong đó sản lượng có khả năng xuất khẩu chiếm hơn 30%, nhờ vậy đã góp phần tích cực trong việc ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu thủy sản.


Được tiếp cận vốn, ngư dân sẽ có điều kiện đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền

Tuy nhiên, nhìn chung, nghề cá Quảng Nam có quy mô còn nhỏ, do đó nhu cầu của ngư dân về đóng mới tàu xa bờ là rất lớn. Từ năm 2009 đến nay bình quân mỗi năm ngư dân đóng mới, cải hoán khoảng 30 tàu cá với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng còn rất hạn chế. Nguyên nhân khiến đại bộ phận ngư dân khó tiếp cận với các kênh vốn ưu đãi là do tài sản cố định của họ (nhà cửa, đất đai...) có thể đảm bảo cầm cố, thế chấp có giá trị thấp, trong khi tàu cá là phương tiện sản xuất có hệ số rủi ro cao nên ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay ở mức thấp. Rồi hình thức cho vay mà trong đó tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay ít khi được các ngân hàng thương mại áp dụng. Điều này càng làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của ngư dân.

Hơn nữa, thời gian vay vốn thường là trung hạn (12-36 tháng), một số ít trường hợp là ngắn hạn (6-12 tháng), phân kỳ thu hồi vốn gốc thường là 6 tháng. Với thời gian vay quá ngắn đó, các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn khi trả lãi gốc. Thực tế cho thấy, không ít chủ tàu cá phải vay nóng bên ngoài để làm thủ tục đáo hạn vay. Cần nói thêm, thông thường, số tiền cho vay của các ngân hàng thương mại chỉ chiếm 25-35% giá trị tài sản. Với số vốn tự có không nhiều, số tiền vay của ngân hàng còn thấp, các ngư dân đóng mới tàu cá phải huy động thêm vốn với lãi suất cao. Vì thế đã làm giảm hiệu quả kinh tế các tàu cá.

Hiện nay, lao động hoạt động nghề cá của tỉnh Quảng Nam có khoảng 25 nghìn người. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia sản xuất trên biển, họ luôn phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn có thể gây thiệt hại về tính mạng, tài sản: như bão lụt, gió lốc, tai nạn, đâm va, sự cố mất an toàn. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam là rất nặng nề. Đơn cử như, cơn bão Chanchu năm 2006 làm chết 157 người, 1 tàu cá mất tích. Đợt lũ ngày 11/11/2007 làm trôi, chìm, mất tích 51 tàu cá, ước thiệt hại gần 13 tỷ đồng. Rồi cơn bão số 9 năm 2009 làm chìm và hư hỏng 230 tàu cá, tổng thiệt hại 8,7 tỷ đồng. Ngoài ra, khi hoạt động trên các vùng biển khơi, các vùng biển chồng lấn, tranh chấp, ngư dân còn phải đối mặt với sự uy hiếp của nhiều tàu lạ, có thể bị bắt giữ, đâm chìm...

Tạo “bệ đỡ” cho ngư dân

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm hỗ trợ ngư dân khắc phục một phần khó khăn về vốn để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, đồng thời có thể thực hiện các hoạt động có tính chất xã hội nhằm động viên, khuyến khích ngư dân ổn định sản xuất, tăng cường bám biển, duy trì sự hiện diện dân sự trên các vùng biển thân yêu của Tổ quốc, Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu UBND tỉnh này thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân.

Theo đề án do ngành nông nghiệp Quảng Nam xây dựng vừa được HĐND tỉnh chính thức thông qua thì mục tiêu của Quỹ trên là tiếp nhận nguồn vốn ngân sách, tổ chức quản lý và thực hiện hỗ trợ tăng thêm nguồn lực tài chính phát triển năng lực tàu cá đánh bắt tại vùng biển xa. Đồng thời, huy động sự đóng góp tài chính, vật chất một cách hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ, động viên kịp thời ngư dân trên địa bàn tỉnh khi gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn… Hoạt động của Quỹ không vì mục đích lợi nhuận mà vì lợi ích cộng đồng.

Theo dự kiến, vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ ngư dân là 15 tỷ đồng, do ngân sách Nhà nước cấp. Từ năm 2013 trở đi, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí bổ sung tối thiểu 3 tỷ đồng. Việc điều chỉnh, thay đổi mức vốn bổ sung hằng năm của Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khi thấy thật sự cần thiết. Từ năm 2015 trở đi, trong kỳ ổn định ngân sách 5 năm, mức kinh phí bổ sung được thay đổi tùy tình hình thực tế do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định.

Đối tượng được hỗ trợ gồm các ngư dân, gia đình ngư dân là thuyền viên làm việc trên tàu cá tỉnh Quảng Nam (không kể công suất máy tàu) bị thiệt hại do tai nạn, thiên tai hoặc bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, phương tiện khi hoạt động hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển hợp pháp khác. Các nông - ngư dân hoạt động thủy sản khác được hỗ trợ theo các chương trình, dự án mà Quỹ thực hiện theo sự ủy thác của những tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước. Các ngư dân có nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất máy từ 90 CV trở lên để hoạt động thủy sản tại những vùng biển xa với các nghề phù hợp theo quy định.

Ngoài số vốn ban đầu là 15 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền (có hoàn lại vốn gốc) thì khi thành lập Quỹ ngân sách tỉnh Quảng Nam cũng sẽ cấp thêm 1 tỷ đồng để triển khai các hoạt động huy động đóng góp từ những tổ chức, cá nhân và thực hiện việc thăm hỏi, cứu trợ ngư dân gặp nạn. Đây gọi là Quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội.

Theo đề án, mức hỗ trợ (có hoàn lại vốn gốc) tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng tối đa mỗi dự án không quá 500 triệu đồng. Thời hạn thu hồi vốn tùy đặc điểm từng dự án nhưng tối đa không quá 5 năm. Việc thu hồi vốn được thực hiện từ năm thứ 2 của dự án và phân kỳ theo từng năm. Để bù đắp chi phí, Quỹ hỗ trợ ngư dân được thu phí quản lý khi thực hiện hỗ trợ tài chính có hoàn lại vốn gốc. Mức thu phí quản lý bằng 2%/năm/số tiền hỗ trợ.

Trường hợp dự án được hỗ trợ tài chính có hoàn lại vốn gốc gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn) dẫn đến không hoàn trả được một phần hoặc toàn bộ vốn hỗ trợ thì được xem xét, xử lý rủi ro theo hình thức khoanh nợ. Việc khoanh nợ do Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, trình UBND tỉnh quyết định. Thời hạn khoanh nợ tối đa là 2 năm. Trong thời hạn khoanh nợ, ngư dân được hỗ trợ không phải trả phí quản lý phát sinh, nhưng có trách nhiệm hoàn trả số phí quản lý còn nợ (nếu có). Hết hạn khoanh nợ, ngư dân được hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả Quỹ đầy đủ số vốn gốc được khoanh nợ. Hết thời hạn trả nợ, khoanh nợ, nếu ngư dân được hỗ trợ có điều kiện trả nợ nhưng cố tình chây ỳ không trả nợ thì Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật, khởi kiện ra toà án để xử lý nợ theo quy định. Trong trường hợp nếu ngư dân được hỗ trợ thực sự không còn khả năng trả nợ thì Hội đồng quản lý Quỹ trình UBND tỉnh xem xét, xử lý xóa nợ theo quy định...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất