| Hotline: 0983.970.780

Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Tiếp tục làm rõ tội danh cố ý làm trái!

Chủ Nhật 25/05/2014 , 15:47 (GMT+7)

Ngày 24/5, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra.

Trong suốt buổi sáng, HĐXX tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên.

Ngân hàng ACB do Nguyễn Đức Kiên làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB giữ vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ACB khi đề ra chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng trái quy định của pháp luật gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến hành vi cố ý làm trái, Kiên đã trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chủ trương mua cổ phiếu ACB trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ACB số tiền gần 688 tỷ đồng. Liên quan đến hành vi cố ý làm trái của Kiên và đồng phạm trong việc ủy thác tiền gửi vào các tổ chức tín dụng và cổ phiếu trái quy định có Vietinbank, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) và Vietbank.

Trả lời một số câu hỏi của HĐXX liên quan đến việc bị án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có cơ hội chiếm đoạt tiền gửi nhiều tỷ đồng của ACB bằng các hợp đồng tín dụng, tiết kiệm, đại diện Vietinbank cho rằng, đây là hành vi thuộc vụ án khác, hoặc đã được cơ quan điều tra thu thập chứng cứ.

Theo đại diện Vietinbank, với tư cách là Trưởng phòng Giao dịch, Huyền Như được ký hạn mức đã được phê duyệt tối đa 50 tỷ đồng. Giải thích trước HĐXX về việc Vietinbank không phát hiện ra hành vi gian dối của Huyền Như, đại diện Vietinbank cho rằng, đó là do các bên thỏa thuận ngầm với nhau khi tự thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Hơn nữa người huy động vốn là Huyền Như, việc ký hợp đồng theo quan hệ phân cấp là Giám đốc và Phó Giám đốc Chi nhánh của Vietinbank.

Chưa hài lòng với trả lời của đại diện Vietinbank, luật sư Vũ Xuân Nam bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên tiếp tục hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước một số câu hỏi như: Người dân đi gửi tiền có phải được Ngân hàng cấp giấy phép đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Khi người đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản thì có phải là hoạt động của ngân hàng không?...

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư Nam với lý do “Tôi là đại diện Ngân hàng Nhà nước tới tham dự phiên tòa này, nhưng câu hỏi của luật sư không thuộc lĩnh vực tôi quản lý. Và tôi cũng không thể nhớ hết được”.

Cũng trong sáng 24/5, HĐXX đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa ACB và Kienlongbank. Đại diện Kienlongbank cho biết, Kienlongbank và ACB là đối tác làm ăn nên việc cho vay tiền liên ngân hàng là bình thường. Năm 2010, từ việc phát hành cổ phiếu, các ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và một số người khác của ACB là cổ đông của Kienlongbank. Nguyễn Đức Kiên không là cổ đông của Kienlongbank.

Khi được HĐXX hỏi, đại diện Vietbank nêu quan điểm, việc giao dịch liên ngân hàng là bình thường. Vietbank cũng mua trái phiếu của Công ty Chứng khoán (ACBS). Tiền mua trái phiếu có từ nhiều nguồn vốn. ACB có tham gia góp vốn vào Vietbank. Để làm rõ hơn nội dung này, HĐXX đã công bố các lời khai thể hiện việc ACB có nguồn vốn góp trong tài sản của Vietbank và đề cập đến việc giải ngân tiền để mua cổ phiếu của Công ty ACBS.

Theo tài liệu công bố của HĐXX, năm 2009, nhận thấy giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, Thường trực HĐQT ACB chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư của ACB do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch để mua cổ phiếu. Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu ACB và một số mã chứng khoán khác.

Biết rõ pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu ACB vì Công ty ACBS là Công ty Chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ nên Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với một số công ty của Kiên để mua cổ phiếu ACB.

Để Công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, Kiên chỉ đạo ACB cho Kienlongbank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho Vietbank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng với lãi thấp để Kienlongbank và Vietbank cho Công ty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng với lãi suất cao. Hậu quả của sự việc này đã khiến ACB thiệt hại số tiền gần 60 tỷ 500 triệu đồng.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất