| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục sắp xếp đổi mới nông lâm trường

Thứ Ba 12/11/2013 , 09:35 (GMT+7)

Ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo hướng: Sắp xếp đổi mới nông lâm trường phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn...

I. 10 năm sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo nghị quyết số 28-NQ/TW

Ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo hướng: Sắp xếp đổi mới nông lâm trường phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, bảo đảm phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ công ích.

Đối với nông, lâm trường có chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chính thì chuyển hẳn sang hoạt động sản xuất kinh doanh và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước; nông lâm trường sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng thì nhà nước có chính sách hỗ trợ thích hợp; nông, lâm trường được giao nhiệm vụ công ích là chính thì hoạt động theo quy định về thực hiện nhiệm vụ công ích của Luật doanh nghiệp. Chuyển giao toàn bộ cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, các công trình công cộng…) không liên quan đến mục đích sản xuất kinh doanh cho địa phương quản lý.

Triển khai Nghị quyết nêu trên, các cấp từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp đã nghiêm túc quán triệt thực hiện, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Quyết định, các Bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn và xây dựng đề án sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đạt được những kết quả quan trọng là:


Nông trường chè Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thu hoạch chè để chế biến xuất khẩu

1. Hầu hết các nông lâm trường quốc doanh đã rà soát lại chức năng nhiệm vụ, tách chức năng xã hội và nhiệm vụ công ích với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Hoàn thành sắp xếp lại các nông trường theo hướng: nông lâm trường quốc doanh có đủ điều kiện thì tiếp tục duy trì, củng cố phát triển, chuyển thành công ty nông nghiệp và nay là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước; các lâm trường quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ; một số nông lâm trường có cơ sở chế biến thực hiện thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến; giải thể một số nông lâm trường trường thua lỗ kéo dài không có khả năng khắc phục hoặc khoán trắng nguồn thu chủ yếu là cho thuê đất. Đồng thời thực hiện thí điểm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên ở một số nông trường.

Đến nay, cả nước còn 286 công ty, trong đó: 138 công ty nông nghiệp, 148 công ty lâm nghiệp và 35 công ty cổ phần, thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có 284 công ty nông lâm nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên 100% vốn nhà nước; chuyển đổi và thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ từ 91 lâm trường quốc doanh quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; thí điểm thành lập 2 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên; giải thể 36 nông lâm trường trong đó: nông trường 22, lâm trường 14.

2. Các công ty đã rà soát đất đai, làm rõ hiện trạng sử dụng đất; nhiều công ty đã lập quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch 3 loại rừng; xác định rõ diện tích cần giữ lại để quản lý, sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất; diện tích không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp hoặc để giải quyết cho đồng bào không đất, thiếu đất thì bàn giao cho địa phương; tích cực xử lý giải quyết các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định. Đất đai công ty giữ lại đã quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả hơn và thực hiện các hình thức khoán có kết quả.

Diện tích các công ty nông nghiệp đang quản lý: 630,841 ngàn ha (tăng 17,5 ngàn ha ở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng); bình quân một công ty quản lý 3.966 ha. Diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 44,45%. Diện tích thuê đạt 40,4%; diện tích bàn giao về địa phương quản lý 60 ngàn ha, đạt 53% so với dự kiến.

Diện tích đất liên doanh, liên kết giảm 53%; đất tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn giảm 34%; đất cho thuê, mượn giảm 7,7%. Diện tích đất các công ty đã đưa vào tổ chức sản xuất là 88,9%, trong đó tự tổ chức sản xuất 67,14%; khoán 23,6%, liên doanh, liên kết 3,35%.

Diện tích đất các công ty lâm nghiệp đang quản lý: 2,15 triệu ha. Đã bàn giao về cho địa phương 404 ngàn ha (đạt 18,67%). Diện tích đất thực hiện giao khoán chiếm 30%, diện tích đất liên doanh, liên kết chiếm 1,1%, diện tích đất tự tổ chức sản xuất chiếm 66,5%.

3. Các công ty đã tiến hành rà soát, làm rõ tài sản, tình hình tài chính, các khoản phải thu, phải trả; chuyển giao các công trình kinh tế - xã hội không phục vụ trực tiếp sản xuất về cho địa phương quản lý. Giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động và dân trong vùng. 

4. Một số công ty nông lâm nghiệp sau khi sắp xếp đã tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch kinh tế xã hội và sử dụng đất của địa phương, tạo thành mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp liên kết giữa vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thị trường mở rộng dịch vụ đầu vào đầu ra hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân trong vùng, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên vẫn còn tồn tại khó khăn là:

a. Một số tỉnh đã tự điều chỉnh đề án được phê duyệt; một số nông trường trồng cây ngắn ngày (chủ yếu lúa) chưa thực sự chuyển đổi theo nội dung Nghị quyết. Đã xuất hiện một số mô hình mới hoặc thí điểm cổ phần hóa, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, trong công ty có Ban quản lý rừng nhưng chậm được tổng kết, điều chỉnh bổ sung kịp thời.

b. Đến nay, tuy đã hoàn thành việc sắp xếp lại theo đề án được phê duyệt, nhưng nhiều công ty vừa có rừng phòng hộ, đặc dụng, vừa có rừng trồng, rừng sản xuất và trong công ty có ban quản lý rừng phòng hộ, khó tách bạch giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công ích; nhiều công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất lúng túng về phương hướng sản xuất kinh doanh, rất khó khăn chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.

c. Phần lớn đất đai chưa được xác định ranh giới, cắm mốc; diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất thấp (còn 55,55% chưa được cấp giấy chứng nhận, 59,6% chưa thuê đất). Diện tích đất giao về địa phương chỉ đạt 55,66 % so với dự kiến; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng hoặc hoang hóa 27.229 ha (chiếm 4,3%). Nhiều công ty buông lỏng quản lý khoán dẫn đến khoán trắng “phát canh thu tô”, chưa quản lý được hợp đồng giao khoán, chuyển nhượng hợp đồng giao khoán không đúng quy định, mua bán trái phép.

d. Một số công ty vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng đất nhiều đơn vị vẫn còn thấp chưa tương xứng với nguồn lực đất đai được giao, doanh thu trên 1 ha canh tác 71 triệu đồng, nếu trừ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, thì doanh thu chỉ 25 triệu đồng (bằng 30% bình quân của cả nước). Năm 2011 vẫn còn 18 công ty thua lỗ chiếm 14,6%, bình quân lỗ 1,5 tỷ đồng/công ty.

 Nhiều công ty chưa có sự đổi mới căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp, công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, không chuyển sang hoạt động kinh doanh theo Luật doanh nghiệp được. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng đất thấp, bình quân doanh thu 1 ha đất canh tác 11,7 triệu đồng (bằng 80-90% bình quân cả nước). Năm 2011 còn 32 công ty lỗ (chiếm 22,2%), bình quân lỗ: 766 triệu đồng/công ty.

e. Tài sản, vốn của công ty nông lâm nghiệp vẫn còn nhỏ bé, tài chính còn nhiều khó khăn: bình quân vốn chủ sở hữu của công ty nông nghiệp nếu trừ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ 22,7 tỷ đồng/công ty; vốn điều lệ 21,4 tỷ đồng/công ty, nhiều công ty có vốn điều lệ nhỏ bé khoảng 1 tỷ đồng. Bình quân vốn tài sản 1 công ty lâm nghiệp 27 tỷ đồng, vốn điều lệ 9,3 tỷ đồng, một số công ty vốn chỉ dưới 1 tỷ đồng. Tài chính gặp nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng còn nhiều hạn chế.

f. Thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống của người lao động và dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của người lao động ở một số công ty nông nghiệp và nhiều công ty lâm nghiệp ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ chỉ: 1-2 triệu đồng người/tháng; nhất là ở vùng Tây Nguyên nhiều công ty lâm nghiệp không có nguồn thu, nên thu nhập từ lâm trường còn thấp hơn, thậm chí một số công ty lâm nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội của công nhân.  

(*): Tác giả hiện đang là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và Phát triển doanh nghiệp

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm