| Hotline: 0983.970.780

"Tiếp tục thanh tra, nhất là trong lĩnh vực đất đai"

Thứ Năm 30/06/2011 , 09:25 (GMT+7)

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 15 để đánh giá công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2011...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 15 để đánh giá công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2011 và thống nhất nội dung công tác Quý III.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác phòng chống tham nhũng đã bám sát và phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị của đất nước; tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xem xét, giải quyết tố cáo, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 4.447 trường hợp (trong đó có 90 đảng viên diện trung ương quản lý). Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 60 cuộc kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính sô tiền 1.4579,8 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, cơ quan tố tụng đã khởi tố 100 vụ án với 184 bị can về các tội danh tham nhũng (tăng 5% số vụ và 3% về số bị can so với cùng kỳ). Cơ quan tòa án đã xét xử sơ thẩm 97 vụ với 258 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nêu rõ những mặt còn hạn chế như: Nhìn chung 6 tháng đầu năm, công tác phát hiện và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có chiều hướng chậm lại. Nhiều vụ án tham nhũng có thời hạn điều tra kéo dài (có 2 vụ kéo dài trên 4 năm). Việc điều tra, truy tố, xét xử chưa triệt để, chưa nghiêm (vụ Trần Văn Khánh, vụ Công ty công nghiệp rừng Tây Nguyên). Hầu hết các vụ đều trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, có vụ trả lại hồ sơ nhiều lần...

Về vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Vinashin, Thiếu tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (ANĐT) cho biết, sau 10 tháng điều tra, đến nay, Cơ quan ANĐT đã khởi tố 10 bị can, trong đó, bắt tạm giam 8 bị can, ra lệnh truy nã quốc tế 2 bị can. Trong vụ án này cơ quan điều tra đã triệu tập, làm việc với hàng chục cá nhân có liên quan khác.

Từ kết quả điều tra, trưng cầu giám định liên ngành, Cơ quan ANĐT đã làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trên trong 4 nhóm vụ việc: Vụ mua tàu Hoa Sen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, gây thiệt hại khoảng 470 tỷ đồng của Nhà nước; vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, làm thiệt hại 28 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng của Công ty nhiệt điện Hoàng Anh gây thiệt hại 313 tỷ đồng và Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezen Cái Lân, gây thiệt hại 64 tỷ đồng của Nhà nước.

Thủ trưởng Cơ quan ANĐT cho biết, quá trình điều tra, các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Bộ Công an đang khẩn trương phối hợp với các quốc gia có liên quan để truy bắt đối tượng trong vụ án đồng thời sẽ khởi tố bổ sung một số bị can trong vụ án này vì các hành vi tham nhũng khi thu thập đủ chứng cứ.

Quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ngãi phối hợp điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý đối với những hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan. Ngoài ra, Bộ cũng đã tiếp nhận 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Tập đoàn Vinashin do Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ để tổ chức điều tra, làm rõ...

Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp và các bộ, ngành chức năng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng tồn đọng. Có ý kiến đề nghị cần kiểm tra, tổ chức kiểm điểm các cán bộ trực tiếp tiến hành tố tụng để làm rõ nguyên nhân chậm chễ tiến độ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng cần phải có lộ trình trong việc điều tra các vụ việc tham nhũng. Ông Hợp kiến nghị Cơ quan điều tra cần chủ động cung cấp thông tin sau mỗi biện pháp tố tụng cho các cơ quan báo chí để định hướng thông tin, tránh những thông tin trái chiều...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 6 tháng qua, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy hiệu quả, trong đó việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng tăng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Mặc dù chưa đạt được yêu cầu từng bước ngăn chặn, đầy lùi tệ nạn tham nhũng nhưng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua cũng đã góp phần ổn định chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Liên quan đến nội dung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng từ nay đến hết năm 2011, Thủ tướng yêu cầu các Ủy viên tham gia nghiên cứu, tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về phòng chống tham nhũng. Trong đó, làm rõ nguyên nhân, tồn tại và kết quả đạt được để xác định phương hướng, giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Gắn với đó, là việc xây dựng Chương trình phòng chống tham nhũng của các cấp, ngành tiến hành song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về thủ tục hành chính và thể chế; tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo chương trình để phát hiện, xử lý các sai phạm, không để kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Liên quan đến vụ án đã được khởi tố, điều tra tại Tập đoàn Vinashin, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng ngành cơ khí đóng tàu để từng bước phát triển kinh tế biển, làm chủ vùng biển Tổ quốc. Do nhiều lý do khách quan nhưng chủ yếu là chủ quan và cả hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo Tập đoàn đã dẫn đến những sai phạm trên.

Thủ tướng khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong tiến trình xử lý vụ việc này là kiên quyết khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, làm rõ các cá nhân vi phạm pháp luật theo tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Vụ việc tại Vinashin đã được làm với tinh thần kiên quyết, thận trọng, đúng người, đúng pháp luật. Chính phủ cũng đã tổ chức thanh tra toàn diện Tập đoàn này, chỉ rõ những sơ hở, bất cập về cơ chế chủ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước để có biện pháp khắc phục.

Thủ tướng cũng cho biết, song song với quá trình cơ quan Công an điều tra, làm rõ vụ việc, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các Ban cán sự đảng, các thành viên Chính phủ có liên quan. Nếu phát hiện các hành vi sai phạm sẽ kiên quyết kiểm điểm xử lý tùy theo mức độ.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.