| Hotline: 0983.970.780

Tiểu thương TP HCM lý giải việc tiêm thuốc an thần cho 4.000 con heo

Chủ Nhật 15/10/2017 , 20:18 (GMT+7)

Tiểu thương chợ đầu mối cho biết, chi phí thuê mặt bằng tại cơ sở giết mổ Xuyên Á cao buộc họ phải tiêm thuốc an thần cho heo mới có lời.  

Có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại huyện Hóc Môn chiều 15/10, bà Tôn Nữ Kiều Trang, đại diện thương nhân kinh doanh thịt heo chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, sau khi gần 4.000 con heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện và buộc phải tiêu hủy, cơ sở Xuyên Á đóng cửa. Các tiểu thương phải vận chuyển heo chạy khắp các lò mổ trong thành phố và các tỉnh lân cận để giết mổ rồi vận chuyển ngược về chợ đầu mối Hóc Môn để tiêu thụ.

Tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn lý giải việc tiêm thuốc an thần vào heo. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Bà này cho rằng, dù bị tiêu hủy heo gây thiệt hại nặng nhưng họ không thể ngừng kinh doanh do phải cung cấp thịt cho các công ty, xí nghiệp theo hợp đồng đã ký kết.

“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chi phí giết mổ, vận chuyển tăng lên gấp mấy lần trong khi thịt heo tại chợ rớt giá, sức mua giảm", bà Trang phân trần. 

Bà thay mặt tập thể tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn cho hay, một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương phải tiêm thuốc an thần vào heo, xuất phát từ việc các lò mổ truyền thống bị đóng cửa một cách vô cớ.

“Trước đây chúng tôi được quyền chọn lựa nơi giết mổ thích hợp nhưng kể từ khi các cơ sở giết mổ Bà Điểm, Trung tâm quận 12, Hóc Môn… đóng cửa, chỉ có lò Xuyên Á được hoạt động, nên họ độc quyền áp đặt giá thuê mướn tùy tiện", bà Trang nói và cho biết chi phí bất hợp lý là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc tiêm thuốc an thần, mà đáng lẽ không nên có, như vừa qua.

Bà Trang lý giải thêm, trước đây cơ sở Xuyên Á chỉ tiếp nhận 100 con heo mỗi đêm, với giá cho thuê chỗ giết mổ 5.000 đồng một con heo. Sau khi các lò khác bị ngưng hoạt động, cơ sở này tăng giá lên 48.000 đồng.

"Trung bình mỗi đêm chúng tôi phải gồng mình trả cho họ 240 triệu đồng tiền thuê mặt bằng", nữ tiểu thương than thở. 

Kiến nghị với tổ Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo sở ngành có mặt tại đây, tiểu thương chợ Hóc Môn đề nghị cho họ được đem heo đến các cơ sở giết mổ Bà Điểm, Hóc Môn, Trung tâm quận 12… để giải quyết nhu cầu cấp bách, không phải chạy lòng vòng khắp nơi như hiện nay.

“Không còn tình trạng độc quyền, giữa chúng tôi cùng người chăn nuôi và người tiêu dùng sẽ chia sẻ quyền lợi với nhau mà không bị áp lực từ phía trung gian giết mổ với sự góp sức của một số cán bộ thú y. Chúng tôi sẽ làm ăn chân chính như trước đây và cam kết không tiêm thuốc an thần vào heo, tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Trang cam kết.

Trả lời tiểu thương, ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho rằng, các cơ sở mà họ kiến nghị được đưa vào giết mổ trở lại không đảm bảo các điều kiện về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp, vấn đề heo bị tiêm thuốc an thần là điều rất đáng tiếc. Đến nay Sở đã kiểm điểm các cán bộ thuộc Chi cục Thú y và tạm đình chỉ cơ sở Xuyên Á 21 ngày để tổng vệ sinh, khử trùng. Cục cảnh sát môi trường Bộ Công an cũng đang lập hồ sơ xử lý nghiêm toàn bộ các sai phạm liên quan cơ sở Xuyên Á. Hiện, thành phố đã vận động các tỉnh lân cận gồm Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, giúp giết mổ 2.500 con mỗi ngày.

“Tuy nhiên, công suất không được bằng cơ sở Xuyên Á nên thành phố dự kiến đến 26/10 cho cơ sở này hoạt động trở lại và sẽ giám sát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thịt heo an toàn trước khi đưa ra thị trường”, ông Xô nói.

Phó giám đốc Sở cam kết và hứa gặp các tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn để khắc phục khó khăn cho họ.

Lắng nghe ý kiến của cử tri và lãnh đạo sở ngành, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phải báo cáo trước ngày 20/10 việc xử lý cán bộ thú ý sai phạm.

Ông cũng đề nghị rà soát cụ thể các cơ sở giết mổ. Chỗ nào đảm bảo điều kiện thì cho mở cửa trở lại để tiểu thương có sự lựa chọn, không để tình trạng độc quyền. 

“Phải có nhiều lò mổ để đảm bảo quyền cho bà con tiểu thương, tăng chất lượng, giảm chi phí cho họ”, ông Nhân lưu ý với ngành nông nghiệp.

(vnexpress.net)

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm