| Hotline: 0983.970.780

Tìm “đỏ” ngày đầu tháng

Thứ Năm 25/11/2010 , 12:00 (GMT+7)

Về đến thành phố Thái Bình lúc 7 giờ, muốn mời một ông bạn trong Hội VHNT tỉnh đi ăn sáng, tôi tạt vào bên đường và rút điện thoại...

Về đến thành phố Thái Bình lúc 7 giờ, muốn mời một ông bạn trong Hội VHNT tỉnh đi ăn sáng, tôi tạt vào bên đường và rút điện thoại. Đầu bên kia, tiếng ông bạn vốn nổi tiếng là người ham chén (nhậu) reo vang:

- Hay lắm. Đến ngay phố ND.

Rất nhiều thành phố, kể cả thủ đô Hà Nội, có đường ND, mà phần đông là phố lớn, đường to. Riêng thành phố Thái Bình quê tôi, phố ND chỉ độ vài ba trăm mét, đường rộng chừng hơn ba mét. Theo lời bạn, tôi tìm đến nơi. Trời ơi, sao mà đông thế.

Cái quán “Tiết canh ngan, bún ngan, miến ngan” này đã mấy lần tôi đi qua, thấy chỉ lèo tèo dăm ba người ăn, nhưng hôm nay, có đến một phần ba chiều dài của vỉa hè bên đối diện được nhà quán trưng dụng làm chỗ gửi xe, còn bên này, tức là bên có quán, thì trong cái quán chỉ độ 20 thước vuông, trừ chỗ đặt bếp và nơi làm bún làm miến mất chừng dăm mét, nay đã chen chân không lọt rồi, còn thêm cả chục cái bàn tràn ra vỉa hè nữa, bàn nào bàn nấy cũng đã kín người.

Tưởng hôm nay nhà hàng có đám, tôi đang ngần ngừ không dám vào thì từ một cái bàn ở vỉa hè, ông bạn đã nhìn thấy, rối rít vẫy tay:

- Gửi xe đi, vào đây, vào đây…

Mất đến mươi phút mới lách được xe mình vào cái bãi xe dầy đặc bên kia đường, tôi quay vào bàn, ông bạn tôi và 4 ông nữa đã có vẻ sốt ruột, trên bàn đã có sáu bát tiết canh đỏ tươi, trên mỗi bát rải hai miếng gan ngan màu vàng nhạt và mấy ngọn húng xanh ngát, rồi chai rượu, đĩa lạc, bát ớt, đĩa chanh, cái bánh đa vừng. Bạn tôi hạ chân khỏi cái ghế ông đang gác:

- Tôi phải gác chân thế này mới giữ được cái ghế cho ông. Hôm nay, ghế ở quán tiết canh còn đắt hơn ghế quan chức đấy. Ngồi đi, ngồi đi. Nghe tin ông về, tôi rủ thêm mấy anh em trong Hội đến chiêu đãi ông. Đây là nhà văn X. Đây là họa sỹ Y…

Phút làm quen chóng vánh. Nhà văn X. nhanh nhẩu rót rượu. Còn tôi, không bỏ lỡ dịp, thở ngay ra cái thắc mắc của mình:

- Sao hôm nay quán đông khiếp thế?

- Ông không biết hôm nay là ngày gì à?

- Nào tôi có để ý ngày tháng…

- Hôm nay mùng một. Mùng một âm lịch, ông hiểu chưa. Mùng một, nên người ta đi ăn tiết canh lấy “đỏ”. Những quán tiết canh, cả tháng chỉ trông vào ngày này đấy thôi. Một ngày bằng vài chục ngày khác. Nào, chúng ta cũng lấy “đỏ” đi.

Như mây bay gió cuốn, phút chốc năm ông bạn của tôi mỗi ông đã làm vợi đi một nửa bát tiết canh với vài chén rượu. Của đáng tội, thế là họ đã từ tốn lắm, bởi bát dùng đánh tiết canh là loại bát đựng nước chấm. Trong các bữa tiệc, mà lượng hàng trong đó chỉ chừng hai phần ba, người bạo ăn chỉ vét một thìa là nhẵn. Thấy ông bạn gọi tiếp, tôi can:

- Chén hết hãy gọi.

- Ông thật là thiếu kinh nghiệm. Quán đông, phải gọi sớm thế để hết bát này là có bát khác ngay. Chứ ăn xong mới gọi, thì có mà chờ mốc mép. Kìa sao ông không dùng?

- Tôi bị tiểu đường, phải kiêng, đang phân vân không biết thứ này có nằm trong danh mục kiêng không?

- Ôi dào, kiêng với chả khem. Không ăn, cả tháng mất mẹ nó cái “đỏ” mất.

Lên đền, xuống phủ ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng để xì xụp khấn vái. Xin lộc đầu xuân. Nháo nhào cướp cho được một miếng lụa đóng ấn ở đền Trần (Thái Bình), dù biết chắc ấn ấy là ấn rởm… rồi thì xơi chất đỏ ngày mùng một để lấy “đỏ”, và ngày mùng một mà “đỏ” thì cả tháng sẽ “đỏ”. Chà, cái lý luận này, sao nghe hệt như kiểu lý luận “ăn tim bổ tim, ăn cật bổ cật, tóm lại là… ăn gì bổ nấy” của mấy anh đồ tể, hay uống rượu ngâm dái dê, uống rượu ngâm chim chó thì cái “khoản kia” sẽ khỏe như dê, như… chó của những anh lang băm.

Rất nhiều người không bỏ bữa tiết canh sáng mùng một (âm) hàng tháng, cũng như rất nhiều người kiên quyết không trả nợ vào ngày mùng một hàng tháng, vì rằng ngày đầu tháng đã “tán tài” thì cả tháng ấy cũng “tán tài” theo. Càng ngày người ta càng tin vào nhiều thứ, với một niềm tin hết sức dung tục, ngây thơ, chả có lấy một ly cơ sở khoa học nào.

 Thảo nào mà mỗi ngày mùng một, một cái quán tiết canh nhỏ tý xíu trong cái góc phố nhỏ tý xíu này, người cũng đông như hội vậy. Nhìn xung quanh, thấy bàn nào bàn nấy cứ chén rào rào, tiếng gọi tiết cứ ơi ới như gọi đò phiên chợ Tết. Năm sáu cô nhận viên chạy bàn (ngày thường chỉ một cô) chân không bén đất, chỗ rửa bát, hai bà nạ dòng mứa tay không nghỉ, chồng bát chồng đĩa chưa kịp tráng, chưa kịp lau đã bị rinh đi.

 Chỗ chế biến, đánh tiết canh, ba ông múa tay còn dẻo gấp bội, ông băm nhân, ông lấy thìa xúc nhân đổ vào bát, ông pha tiết ngoáy tiết đổ vào bát nhân…Người vào người ra không lúc nào ngớt, có ông vào quán, phải đứng đến vài chục phút đằng sau một người ăn, chờ người đó đứng lên mới có ghế.

Những ông đến trước, để xe phía trong, giờ ăn xong không sao lấy được xe ra nữa vì lớp xe khác đã để tràn phía ngoài, cứ gắt ngậu xị lên, khiến mấy thanh niên coi xe vã mồ hôi vì phải dắt cái này dịch ra, cái kia lách vào, thế mà người và xe vẫn còn rồng rắn kéo đến.

Đi tìm “đỏ” ngày mùng một, hiển nhiên là có đủ hạng người: ông chủ doanh nghiệp hy vọng sau mấy bát “đỏ”, trong tháng sẽ kiếm được cái hợp đồng hay kiếm được một manh mối làm ăn; ông công chức hy vọng trong tháng, có thêm nhiều thằng dân đem đầu đến công sở hay đến nhà riêng nhờ cậy, qua đó có thể bóp nặn thêm được số tiền bằng dăm suất lương nữa; cô ca ve sau khi quẹt mỏ bằng vài bát tiết canh, hy vọng cả tháng sẽ “đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu”; đám cờ bạc từ quán tiết canh ra là đến thẳng nơi nhóm họp, mở bát vài cái hay làm mươi ván “phỏm”; dân mê đề xơi tiết canh xong, tạt ngay sang quán nước gần đó làm vài “con”…

Chả biết bao nhiêu người nhờ tiết canh mà trong tháng gặp vận đỏ thực sự, chỉ nhà hàng là vớ bẫm. Nhìn lượng người ăn, tôi đoán chỉ riêng mấy tiếng đồng hồ buổi sáng nay thôi, nhà hàng phải “xuất xưởng” ít nhất ngàn bát tiết, mỗi bát mười ngàn, kèm thêm không biết bao nhiêu là rượu, bún phở và cấc đồ nhắm khác. Mà… tiết đâu sao lắm thế nhỉ? Tôi nêu thắc mắc của mình với một ông ngồi cạnh, sau khi đã “lấy đỏ” xong, tạt sang quán nước cạnh đấy làm điếu thuốc lào. Chọn hai “con đề” xong, ông mới đáp:

- Có cầu là có cung, lo gì. Một phần là tiết những con ngan do quán tự mổ, một nguồn từ ngoài đến. Họ hợp đồng với những quầy giết mổ ngan, bán ngan làm sẵn ở các chợ, cứ đêm ba mươi hàng tháng thì hãm tiết lại, tảng sáng đem cho họ…

- Thế tiết ấy có được cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm kiểm tra không?

- Cái đó thì có mà…giời biết.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất