| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp khôi phục vườn điều

Thứ Tư 18/10/2017 , 08:14 (GMT+7)

Ngày 17/10, tại Bình Phước, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT hai tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng tổ chức diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp khôi phục và cải tạo vườn điều".

Tham gia diễn đàn có ông Trần Văn Khởi, Q. GĐ Trung tâm KNQG, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và đại điện Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, Trung tâm KN và hơn 100 nông dân trồng điều ở hai tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng.

14-17-40_h1
Nông dân được tư vấn các loại thuốc trị bệnh thán thư trên cây điều

Theo thống kê năm 2016, cả nước có 293.101ha điều, tăng 2.613ha so với năm 2015. Bước sang năm 2017, diện tích điều trong cả nước đã tăng lên 301.738ha, riêng vùng Đông Nam Bộ có 283.931,4ha chiếm 61% tổng diện tích. Như vậy, sau 8 năm liên tục (từ 2007 - 2015) diện tích điều giảm, đến nay nông dân đã tăng cường trồng mới trở lại.

Mặc dù diện tích có dấu hiệu tăng, song thiên tai, khí hậu cùng với dịch bệnh đã làm cho sản lượng điều liên tục giảm. Năm 2016 năng suất điều chỉ đạt 10,8 tạ/ha, giảm 16,6% so với năm 2015. Nguyên nhân chính do năm 2015 lượng mưa rất thấp, hạn hán kéo dài đúng vào lúc cây đâm chồi, ra hoa thiếu nước làm giảm năng suất. Vụ điều 2017, năng suất điều bình quân cả nước giảm chỉ còn 7,55 tạ/ha , giảm 31,36% so với năm 2016. Đông Nam Bộ là thủ phủ điều của cả nước lại là nơi năng suất thấp nhất, chỉ 7,4 tạ/ha.

Hiện các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nấm bệnh và các dịch bọ xít muối, thán thư đã gây thiệt hại nặng cho điều. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Phước, có 82.893ha bị ảnh hưởng, chiếm 61% tổng diện tích điều cả tỉnh. Số vườn điều bị hư hỏng phân bố chủ yếu ở các huyện Phú Riềng, Bù Đăng, Bình Long, Bù Gia Mập, Phước Long. Tỉnh Đồng Nai có 34.448,8ha điều bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trong đó có 19.646,7ha bị giảm 70% năng suất. Gần 12.400 ha bị giảm 31 - 70% năng suất. Còn lại là giảm từ 10 - 30% năng suất.

14-17-40_h2
Diễn đàn hy vọng tìm giải pháp cải tạo vườn điều ở Bình Phước

Riêng tỉnh Lâm Đồng, năm 2017 diện tích cũng biến đổi, bọ xít muỗi phát triển mạnh. Tính đến hết tháng 3/2017 toàn tỉnh có 29.245,4ha bị nhiễm bọ xít, nấm bệnh. Mức độ nấm, bệnh nặng nhất ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻn, Cát Tiên. Trong đó Đạ Tẻn là đơn vị có 100% tổng diện tích điều bị nhiễm bệnh. Ước tính sản lượng của điều niên vụ 2017 - 2018 sẽ giảm 90%. Như vậy, mặc dù diện tích tăng, tiềm năng lớn, song sản lượng điều đang có dấu hiệu giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nông dân.

Điều là một trong những cây trồng trọng điểm ở Bình Phước, Lâm Đồng nhưng hiện bà con chưa thể tự có giải pháp để SX một cách bền vững. Phần lớn cây điều ở đây đều trên 15 năm tuổi. Thời tiết thất thường khiến sản lượng điều sụt giảm nghiêm trọng. Giải pháp nào để tăng năng suất cho cây điều trong thời gian tới là vẫn đề được người nông dân quan tâm nhất hiện nay.

Chia sẻ diễn đàn tìm giải pháp khôi phục cải tạo vườn điều, ông Nguyễn Văn Sáu ở thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, gia đình ông có 3ha điều. Năm 2016 vườn điều của ông mất 40% sản lượng. Ông đã chuyển đổi 1ha điều non, nhưng thời tiết năm nay không thuận lợi, cả điều trưởng thành và điều non của ông đều bị héo lá, khô đọt. Đặc biệt cây điều non có dấu hiệu khô đọt, chết cây. Ông Sáu quan tâm đến giống điều, giải pháp tăng sản lượng điều. “Nếu cứ đà này, người nông dân sẽ không tha thiết với cây điều”, ông Sáu nhấn mạnh.

14-17-40_h3
Nông dân Bù Đăng trao đổi tại diễn đàn

Trả lời những thắc mắc, mong muốn của nông dân hai tỉnh, cán bộ khuyến nông đã khuyến cáo nông dân các biện pháp thâm canh, tái canh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh sẽ giúp cho năng suất điều tăng, hiệu quả sử dụng đất tăng 24 - 63%. Việc thâm canh cũng giúp cho vườn cây thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Trước mắt, người nông dân nên cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, dọn vệ sinh vườn và cây. Bón phân, phòng trừ sâu bệnh trước khi mùa mưa chấm dứt vào tháng 10 này. Phun phân bón vô rễ, đảm bảo cho bộ rễ khỏe mạnh cũng là việc cần làm ngay để rễ có thể cung cấp chất dinh dưỡng nuôi cây, đón trái...

Ông Trần Văn Khởi cho rằng, cán bộ khuyến nông cần tăng cường chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật thâm canh, tái canh, ghép và cải tạo hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh đến người trồng điều một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Bà con bón phân trong điều kiện đất ẩm là tốt nhất. Nếu các vườn chưa bón đủ lượng phân thì bón bổ sung đều công thức đạm, lân, kali...

Hy vọng sau quá trình tìm kiếm giải pháp, chống chọi với sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, nông dân sẽ đón một mùa điều khởi sắc hơn so với niên vụ 2016 - 2017.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.