| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt

Thứ Tư 20/02/2013 , 10:22 (GMT+7)

Để giải được bài toán tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt, chúng ta đã xây dựng nhiều đề án, giải pháp, tổ chức một số cuộc hội thảo, nhưng kết quả còn hạn chế, sự thiếu hụt ngô đã trở thành xu thế và ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong 5 năm gần đây, hằng năm chúng ta xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo, thu về cho đất nước 3,5-3,7 tỷ USD, góp phần đáng kể vào việc duy trì cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, hằng năm chúng ta phải nhập khẩu 1-1,5 triệu tấn ngô hạt và từng ấy khô dầu đậu tương, lúa mì phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi với 2,5-3 tỷ USD.

Như vậy, lượng gạo xuất khẩu (với giá rẻ) chúng ta cũng chỉ đủ tiền để nhập khẩu một số lượng vừa đủ nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc (với giá đắt). Để giải được bài toán tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt, góp phần giảm thiểu lượng ngô hạt nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, chúng ta đã xây dựng nhiều đề án, giải pháp, tổ chức một số cuộc hội thảo, nhưng kết quả còn hạn chế, sự thiếu hụt ngô đã trở thành xu thế và ngày càng trở nên trầm trọng.

Để góp thêm tiếng nói, giải pháp, chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến xung quanh vấn đề trên.

Thách thức sau 20 năm phát triển ngô lai

Sự phát triển cây ngô ở nước ta có thể tạm chia ra 2 giai đoạn: Giai đoạn trước năm 1990 và giai đoạn từ năm 1991 đến nay.

Giai đoạn trước năm 1990 được đánh dấu bởi quá trình sử dụng giống thụ phấn tự do, giống thụ phấn tự do cải tiến và giống địa phương năng suất thấp. Năm 1990 là năm đạt đỉnh cao về 3 chỉ tiêu: diện tích 431.000 ha, năng suất đạt 15,5 tạ/ha và sản lượng 671.000 tấn, so với năm 1975 khi đất nước hoàn toàn giải phóng tăng 1,6 lần về diện tích, 1,49 lần về năng suất và 2,4 lần về sản lượng.

Thành tích trên có sự đóng góp của 3 nhân tố: Đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu với các chương trình lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… chúng ta đã chọn tạo thành công giống thụ phấn tự do cải tiến năng suất cao và phong trào trồng ngô trên đất 2 vụ lúa góp phần giải quyết nhu cầu lương thực cho đất nước.

Giai đoạn sau năm 1990 đến nay: 1991 là năm đầu tiên chúng ta bắt đầu khảo nghiệm bộ giống ngô lai mới, mở ra cuộc cách mạng giống ngô lai ở Việt Nam. Tính đến hết năm 2011, sau 20 năm phát triển các giống ngô lai chúng ta đã tăng 2,59 lần về diện tích (1.117.000 ha), 2,76 lần về năng suất (42,9 tạ/ha); 7,15 lần về sản lượng (4,7 triệu tấn) so với năm 1990 và diện tích áp dụng giống ngô lai đã đạt tới 90%.

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu Đông Nam Á về năng suất và tỷ lệ áp dụng giống ngô lai. Sau 20 năm phát triển ngô lai, chúng ta đã từng bước xây dựng được hệ thống nghiên cứu cây ngô tập trung ở các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm, công ty.

Hệ thống phân phối hạt giống, từng bước hoàn thiện và nâng cao năng lực chế biến, bảo quản hạt giống và sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị cây ngô trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, hình thành nên ngành sản xuất ngô. Tuy nhiên, cây ngô đang đứng trước những áp lực mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước:

- Sản xuất ngô ở trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

- Diện tích, năng suất ngô trong những năm gần đây có xu hướng không tăng.

- Áp lực cạnh tranh với một số cây trồng khác và sản phẩm nhập nội ngày càng cao.

Ngoài áp lực về tăng sản lượng ngô do nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, thì trong những năm gần đây cây ngô còn phải chịu một số áp lực khác khi diện tích, năng suất có xu hướng không tăng. Một câu hỏi đặt ra là phải chăng diện tích và năng suất cây ngô sau 20 năm phát triển đã đạt tới đỉnh điểm? Đi tìm câu trả lời trên, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân sau:

- Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng ngô hạt thì cây ngô không còn được quan tâm như giai đoạn trước, ít được nhắc tới trong các báo cáo tổng kết của ngành, hội nghị phát triển cây vụ đông…

- Sự suy giảm diện tích ngô đông ở vùng ĐBSH.

- Chính sách nhập khẩu ngô hạt đã tác động gián tiếp tới sản xuất ngô ở trong nước.

- Bộ giống ngô lai mặc dù đã có sự cải tiến nhưng chưa có sự đột phá về năng suất và khả năng chống chịu.

- Khả năng đầu tư của nông dân bị suy giảm do giá giống và vật tư ngày càng tăng cao.

Đấy là một số lý do có thể giải thích tại sao diện tích và năng suất cây ngô trong những năm gần đây có xu hướng không tăng, thậm chí còn giảm. Trong giai đoạn tới, chúng ta cần phải có những giải pháp để có thể tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt.

Một số giải pháp

Trước hết, từ những bài học kinh nghiệm phát triển cây ngô giai đoạn 1975-1990; 1991 đến nay cho thấy cây ngô muốn phát triển phải được đặt đúng vị trí là cây lương thực thứ 2 sau lúa nước và là cây màu quan trọng nhất, thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Bộ NN-PTNT thể hiện qua chính sách, mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Thứ hai, cần gấp rút điều chỉnh quy mô sản xuất: Bộ NN-PTNT, một số cơ quan nghiên cứu đã tổ chức hội thảo về giải phát phát triển cây ngô, sản xuất ngô hạt thương phẩm phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi, tập trung ở một số nội dung sau:

- Tăng diện tích sản xuất ngô lên 1,3 triệu ha năm 2015 với năng suất 4,8 tấn/ha, chúng ta sẽ có 6 triệu tấn ngô hạt.

- Chuyển đổi 1,5 - 2 triệu tấn gạo sang chế biến thức ăn chăn nuôi, trên cơ sở phát triển lợi thế sản xuất lúa gạo.

- Đưa diện tích trồng ngô biến đổi gen lên 30% vào năm 2015, mức tăng năng suất 10% so với hiện nay chúng ta sẽ giải quyết được 1 triệu tấn ngô hạt.

Trong 3 giải pháp trên, theo ý kiến riêng cá nhân tôi thì giải pháp điều chỉnh quy mô sản xuất là có tính khả thi cao nhất, hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay bởi các lý do sau:

- Tiềm năng mở rộng diện tích cây ngô vẫn còn lớn.

- Điều chỉnh, chuyển đổi một số diện tích đang trồng các loại cây trồng khác sang trồng cây ngô, tốn ít thời gian, chỉ cần có chủ trương và chính sách phù hợp.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân trên cơ sở phân chia lợi nhuận hợp lý.

Đây cũng là giải pháp thường được áp dụng khi muốn tăng nhanh sản lượng. Như vậy, chúng ta cần mở rộng diện tích và chuyển đổi một số diện tích trồng các loại cây trồng khác sang trồng ngô với tổng diện tích khoảng 200.000 ha, được phân bổ trên cơ sở quỹ đất sản xuất nông nghiệp của các vùng: Vùng trung du miền núi phía Bắc khoảng 80.000 ha; Tây Nguyên 40.000 ha; ĐBSH 30.000 ha và ĐBSCL 30.000 ha; vùng Bắc Trung bộ 20.000 ha.

Đối với vùng trung du miền núi phía Bắc tập trung vào đất bỏ hóa vụ xuân, diện tích đất này còn khoảng 150.000 ha, tăng diện tích ngô xuân hè, ngô thu đông (tăng vụ); giảm một phần diện tích trồng lúa nương năng suất thấp. Đối với vùng Tây Nguyên tập trung chuyển đổi vùng đất trồng cây công nghiệp không hiệu quả, giảm diện tích trồng cây sắn.

Vùng ĐBSH phải khôi phục cho được 30.000 ha ngô vụ đông trên tổng số 80.000 ha. Vùng ĐBSCL chuyển đổi diện tích đất trồng lúa đông xuân không hiệu quả sang trồng ngô… Nếu chúng ta chuyển đổi, điều chỉnh quy mô sản xuất thành công hy vọng năm 2015 sẽ đạt được 6 triệu tấn ngô hạt.

Các giải pháp khác như chuyển đổi gạo sang chế biến thức ăn chăn nuôi cần phải nghiên cứu và thảo luận thêm. Còn giải pháp áp dụng 30% diện tích ngô chuyển gen để tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt vào năm 2015 là không khả thi bởi các lý do sau:

- Cho đến thời điểm hiện nay chưa đạt được sự đồng thuận về phát triển cây trồng biến đổi gen (trong đó có cây ngô) trong cộng đồng.

- Chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế của cây ngô GMO so với giống nền.

Bản chất của gen kháng thuốc trừ cỏ không làm tăng năng suất cũng như bảo tồn năng suất tiềm năng của giống nền, mà chỉ có tác dụng có thể làm giảm một chút chi phí. Tuy nhiên nhà cung cấp lại thu lợi nhuận thông qua giá giống cao và sản phẩm nông dược, như vậy có thể người nông dân lại nghèo đi.

Với các giống chuyển gen Bt cũng vậy, áp lực sâu đục thân ở các vùng trồng ngô ở nước ta là không đáng kể, mặt khác các giống GMO Bt năng suất cũng chưa vượt qua giống nền. Do vậy, nếu các nhà quản lý chỉ dựa vào giải pháp trên có thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Để có thể tạo ra những tiến bộ mới về năng suất, cùng với các giải pháp điều chỉnh quy mô sản xuất, các chính sách đầu tư phát triển cây ngô trong giai đoạn tới Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào một số lĩnh vực sau:

- Đầu tư cơ sở vật chất cho một số cơ quan nghiên cứu đầu ngành về cây ngô, các doanh nghiệp để có đủ năng lực giải quyết những vấn đề nghiên cứu khoa học về cây ngô.

- Nhà nước cần ưu tiên kinh phí cho một số đề tài trọng điểm phát triển công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ gen, công nghệ tế bào để có thể tạo ra sự đột phá về năng suất và khả năng chống chịu.

- Xây dựng cơ chế phù hợp thúc đẩy công tác nghiên cứu và sự hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu trong nước. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài trong chiến lược phát triển cây ngô. Chúng ta đã từng bước hình thành được các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về cây ngô, song nhìn tổng thể cho thấy hệ thống nghiên cứu còn thiếu tính đồng bộ, cơ sở vật chất mặc dù được đầu tư nhưng vẫn nghèo và có phần lạc hậu, thiếu cán bộ có trình độ cao trong các lĩnh vực nghiên cứu vật liệu, chọn tạo giống, công nghệ sinh học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Thứ tư, thời gian cần và đủ để đạt được mục tiêu. Nếu lấy mốc năm 2005 là năm bùng nổ về giống ngô lai với diện tích áp dụng 85%, sản lượng 3,7 triệu tấn chúng ta phải mất 6 năm (đến năm 2011) thì sản lượng mới tăng thêm 1 triệu tấn (4,7 triệu tấn), tốc độ tăng hàng năm về sản lượng đạt 2-2,5%/năm, với diện tích áp dụng giống ngô lai 90%.

Năm 2013 chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn ngô hạt thì nhanh nhất nếu không có sự đột biến cũng phải đến năm 2018 mới đạt được kế hoạch với tốc độ tăng trưởng đạt được như giai đoạn 2005-2011.

Tuy nhiên, theo sự tính toán, dự báo của một số nhà khoa học thì đến năm 2015 nhu cầu sử dụng ngô hạt trong chăn nuôi ở nước ta từ 6,5- 7 triệu tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi sản xuất thịt, trứng… đáp ứng cho trên 90 triệu dân. Như vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt thì mâu thuẫn cung cầu không những không được giải quyết mà ngày càng trở nên gay gắt.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.