| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp tháo gỡ chăn nuôi

Thứ Năm 23/05/2013 , 09:56 (GMT+7)

Ngày 22/5, tại Đồng Nai, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Hôm qua (22/5), tại Đồng Nai, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Để tạo sự cởi mở, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đi thẳng vào vấn đề: Ai cũng biết ngành chăn nuôi đang quá khó, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Khó nhất hiện nay là dịch bệnh, thứ hai là thị trường, thứ ba là vốn và kỹ thuật. Mặc dù chúng ta đã có chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020, nhưng Bộ muốn lắng nghe ý kiến của tất cả các địa phương, DN và các chuyên gia trong và ngoài ngành từ Bắc chí Nam, để khắc phục và tìm hướng đi cho các năm tiếp theo. Đây cũng là cơ sở để mọi người được lên tiếng tham mưu cho Bộ và Chính phủ, thậm chí có thể thay đổi chiến lược nếu thấy cần thiết.

Làm “nóng” hội nghị, ông Phan Văn Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai thông tin: Trong lúc chúng ta họp, giá gà công nghiệp đã xuống chỉ còn 13.000 đồng/kg, tức chỉ bằng 50% giá thành sản xuất, lỗ khủng khiếp! Còn ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Chăn nuôi khẳng định: Giá heo VN đang xuống sâu và lâu nhất từ trước đến nay (38.000 – 39.000 đồng/kg). Đây là mức giá trũng nhất khu vực vì heo Thái Lan đang có giá 46.000/kg, Trung Quốc 48.000/kg. “Đặc biệt, dù heo, gà “tồn kho” thì vẫn phải cho ăn, tiêm thuốc thú y, hao mòn điện nước và công chăm sóc nên chi phí càng đội lên”.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi VN cho rằng: “Hơn 1 năm trước, bức tranh heo, gà cứ ngời ngời với giá bán cực cao, người chăn nuôi lãi to, giống liên tục nhập về chuồng trại. Còn bây giờ giá cả xuống thấp, thua lỗ nhiều nên nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản. Chúng ta cần phải nhìn nhận đây là quy luật lên xuống của một chu kỳ, chứ không hẳn ngành chăn nuôi VN đang quá yếu kém. Bởi lẽ trước đây ta có 6,4 triệu hộ chăn nuôi, giờ còn 4 triệu hộ mà sản lượng vẫn gia tăng, chứng tỏ ngành chăn nuôi vẫn đang phát triển và dần hình thành quy mô lớn”.


Bộ NN-PTNT đang tích cực tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi

Tuy nhiên, ông Vang cũng khẳng định, ngành chăn nuôi đang còn rất nhiều tồn tại cần phải giải quyết. Thứ nhất, có tới 88% chăn nuôi không theo chuỗi khiến năng suất và chất lượng thấp, sản phẩm kém sức cạnh tranh. Để khắc phục, con đường nhanh nhất là VN phải hình thành các liên minh chăn nuôi do 1 DN lớn đứng đầu. Ông Vang viện dẫn bên Hàn Quốc đi theo mô hình này chỉ mất 10 năm đã “lột xác” hoàn toàn ngành chăn nuôi. “Tương tự, người chăn nuôi ở Mỹ, Đức, Nhật giàu vì họ biết liên minh và tự nguyện cung cấp thông tin công khai, minh bạch để điều tiết cung cầu. Còn chúng ta, không bao giờ có thông tin chính xác nên cung – cầu rất khó gặp nhau”.

Nêu ý tưởng mới, TS.Nguyễn Văn Bắc – Phó trưởng bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia (phụ trách chăn nuôi) đề xuất: Tại sao không thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” trong chăn nuôi bằng việc liên kết các HTX, tổ hợp tác và các nhóm chăn nuôi sẵn có, từ đó quy tụ nông dân vào tổ chức lớn sản xuất và làm ăn bài bản. “Ở Nhật họ phát triển HTX chăn nuôi cực tốt và hiệu quả, nếu chúng ta muốn làm thì buộc phải có chính sách thích đáng cho nó”.

Trước rất nhiều ý kiến khác bày tỏ bi quan về ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: “Tôi cho rằng đây là khó khăn mang tính nhất thời. Trong lúc đa phần người chăn nuôi lỗ, thì vẫn có nhiều mô hình sản xuất có lãi vì quản lý và kỹ thuật tốt”. Ông cũng cho biết, từ giờ đến giữa tháng 6, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức liên tiếp 3 hội nghị chăn nuôi để có cái nhìn tổng thể và có chính sách căn cơ hơn cho ngành. Tuy nhiên, nhóm giải pháp đầu tiên cần quán triệt là phải tổ chức lại ngành chăn nuôi, xác định rõ ngành hàng nào có lợi thế nhất để tập trung phát triển (như vịt, gà thả vườn, gia súc ăn cỏ nhất là bò sữa, riêng con heo vẫn phát triển nhưng cần tổ chức lại). Thứ trưởng cho rằng, ngành chăn nuôi vẫn phải đi bằng 2 chân: vừa đi tắt đón đầu công nghệ mới để phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, vừa tổ chức lại chăn nuôi gia trại theo hướng áp dụng KHKT để tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Tâp trung vào ứng dụng KHCN để giảm giá thành, trong đó đột phá về khâu giống, đón đầu các giống mới tiến bộ của thế giới.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cũng đang ngiên cứu để làm cách nào đó thiết lập được hệ thống kê khai thông tin, cập nhật và minh bạch thông tin, từ đó cung cấp đầy đủ cho DN và người chăn nuôi.

Để tổ chức bài bản hơn, Bộ sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiện toàn bộ máy hành chính về chăn nuôi, thú y làm sao từ TW đến địa phương phải thống nhất cách làm làm, tăng sức mạnh và tính hiệu quả của hệ thống cán bộ phụ trách ngành chăn nuôi hiện nay.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất