| Hotline: 0983.970.780

Tìm lúa chịu mặn

Thứ Tư 13/04/2011 , 10:08 (GMT+7)

Mỗi năm, Kiên Giang có đến hàng ngàn ha lúa bị chết do nhiễm mặn, do đó, tìm được giống lúa chịu mặn là rất cấp bách.

Là tỉnh nằm cặp theo biển Tây, Kiên Giang có nhiều lợi thế phát triển sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình thời tiết bất lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Mỗi năm, tỉnh này có đến hàng ngàn ha lúa bị chết do nhiễm mặn. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực để tìm ra những giống lúa có tính chống chịu mặn để đưa vào phục vụ sản xuất.

Sản xuất theo hình thức luân canh lúa - tôm được coi là mô hình thích hợp, bền vững với các địa phương ven biển, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn liên tục kéo dài, lượng mưa giảm dẫn đến nông dân không đủ nước ngọt để rửa mặn. Hơn nữa, việc lấy nước mặn vào nuôi tôm trong thời gian dài đã khiến tình trạng đất ruộng bị nhiễm mặn ngày càng cao.

Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh (Kiên Giang) cho biết, năm vừa qua, toàn huyện đã có hơn 7.000/32.000 ha lúa luân canh trên nền đất tôm bị thiệt hại, nông dân phải gieo sạ lại nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nắng hạn kéo dài, đất bị nhiễm mặn không thể gieo cấy được. Nhưng đến khi có mưa trời lại mưa dầm liên tục dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ. Trong khi đó, các giống lúa chống chịu mặn hiện nay chỉ ở mức 3-4 phần nghìn. Vì vậy, nông dân đang rất cần các giống lúa có tính chống chịu mặn cao hơn để đưa vào sản xuất, giảm thiệt hại do những diễn biến bất lợi của thời tiết hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay Trung tâm đang triển khai hai chương trình nghiên cứu để tìm kiếm các giống lúa có tính chống chịu mặn cho vùng lúa – tôm khu vực ven biển. Một là đẩy mạnh công tác lai tạo để tìm ra các giống lúa mới có tính chống chịu mặn cao. Hai là thanh lọc mặn và thử các giống chống chịu mặn thường xuyên qua từng vụ lúa ở các địa phương ven biển trong tỉnh. Đối với công tác lai tạo, Trung tâm đã nghiên cứu được 12 giống lúa mới có nguồn gốc chống chịu mặn mang tên GKG từ 1 đến 12. Trung tâm đang tiếp tục khảo nghiệm năng suất hậu kỳ và thanh lọc tính chống chịu mặn để chọn ra những giống có tính chịu mặn tốt nhất. Đối với công tác thanh lọc mặn, Trung tâm đã xác định được một số giống lúa có tính chống chịu mặn từ 3-4 phần nghìn, phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng lúa - tôm của tỉnh hiện nay gồm: OM 5954, OM 6875, OM 6976, OM 5464, OM 2517, MNR 4, OM 2517-KG…

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí do Bộ KH-CN hỗ trợ, Trung tâm KNKN Kiên Giang đã triển khai thực hiện dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác ổn định 1 vụ lúa – 1 vụ tôm sú ở vùng U Minh Thượng”. Năm 2010, dự án được triển khai trên địa bàn 2 huyện An Minh và Vĩnh Thuận, quy mô 50ha với 22 hộ nông dân tham gia. Các hộ dân tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống, vật tư… Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm KNKN Kiên Giang cho biết, U Minh Thượng là vùng chuyên sản xuất theo mô hình lúa - tôm của tỉnh, tuy nhiên do thời gian qua người dân quá chú trọng việc nuôi tôm dẫn đến môi trường đất ngày càng bị nhiễm mặn, gây ngộ độc cho cây lúa. Vì vậy, mục tiêu của dự án là nhằm tìm ra quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp trong luân canh lúa – tôm, lựa chọn các giống lúa có tính thích nghi với môi trường nhiễm mặn để đưa vào sản xuất. Làm sao phải bảo đảm vừa sản xuất được một vụ tôm, vừa giữ được độ phì nhiêu đất, hạn chế mặn gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa.

Ông Mai Văn Thiền, ở ấp Tám Biển 2, xã Thuận Hòa, An Minh là hộ nông dân được chọn tham gia mô hình cho biết, lo ngại nhất của các hộ dân sản xuất lúa - tôm hiện nay là thời tiết ngày càng bất thường, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Đầu vụ thì lo không có nước ngọt để rửa mặn, cuối vụ lại lo mặn xâm nhập sớm làm lúa bị chín háp, dẫn đến giảm năng suất rất nhiều. Vì vậy, nếu có được các giống lúa chống chịu mặn tốt hơn thì nông dân rất mừng và yên tâm đầu tư cho sản xuất. Hiện nay, có một số giống lúa có tính chống chịu mặn đang được Trung tâm giống của tỉnh giới thiệu cho nông dân đưa vào sản xuất nhưng ngưỡng chịu mặn còn thấp. Nếu có được giống lúa chống chịu mặn 6-7%o thì nông dân sẽ giảm được thiệt hại rất nhiều.

Theo TS. Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, những năm gần đây tình hình thời tiết khá khắc nghiệt, trời ít mưa nên thiếu nước ngọt để rửa mặn dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm. Chỉ tính riêng năm 2010, toàn tỉnh đã có hàng ngàn ha lúa sản xuất theo mô hình này bị thiệt hại, trong đó có 2.000ha không gieo sạ lại được. Tình trạng đất bị nhiễm mặn cũng làm cho năng suất lúa trên nền đất tôm đạt rất thấp, bình quân chỉ đạt 3 tấn/ha. Những năm tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung mở rộng mô hình sản xuất lúa – tôm theo hướng bền vững, giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống lúa có tính chống chịu mặn tốt hơn để đưa vào phục vụ sản xuất.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.