| Hotline: 0983.970.780

Tìm lý do khép lại vụ án?

Thứ Tư 26/04/2017 , 07:05 (GMT+7)

Bản cáo trạng truy tố các bị can không được kiểm sát viên tống đạt cho bị can. Một người sau đó bỏ trốn, còn một người vẫn sinh sống bình thường ở địa phương, vậy mà không có cơ quan tư pháp nào ngó ngàng đến!

Trốn truy nã, hai lần đi xuất khẩu lao động

Như NNVN đã thông tin, để tìm hiểu lại vụ án, Viện kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên đã phải cử các cán bộ đi xác minh lại với nhiều người có liên quan do đã bị mất hồ sơ gốc. Trong đó, có hai bị can của vụ án.

08-52-24_11
Viện KSND thành phố Thái Nguyên

Ngày 22/8/2016, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên và Công an TP Thái Nguyên đã lấy lời khai của bị can Chu Văn Lâm. Bị can Lâm đã xác nhận lại hành vi mua bán hàng cấm xảy ra vào năm 1990. Sau đó, bị can Lâm bị bắt tạm giam và được anh ruột bảo lãnh, tại ngoại.

Biên bản ghi lời khai của Viện kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên đối với bị can Lâm cho biết: “Khi về địa phương, sợ hãi nên tôi đã bỏ trốn khỏi địa phương đi làm thuê ở một số địa phương lân cận. Khoảng tháng 6/1994, tôi được anh trai làm thủ tục cho đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Đến năm 1998 thì tôi về địa phương làm ruộng”.

Bị can Lâm cũng cho biết trong thời gian ở địa phương có nghe tin bị truy nã nên lại rời bỏ địa phương đi lao động ở các tỉnh lân cận. Sau đó, bị can Lâm lập gia đình và lại đi xuất khẩu lao động tại Malaysia từ năm 2009 - 2015. “Do biết mình vẫn đang bị truy nã lại được sự động viên của gia đình nên tôi tự nguyện đến Công an tỉnh Hà Tĩnh đầu thú ngày 29/3/2016, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật” - người trốn truy nã 21 năm khai.

Khi được hỏi về việc trong quá trình tạm giam và sau khi tại ngoại có nhận được văn bản, quyết định nào của cơ quan tố tụng hay không? Bị cáo Lâm đáp: “Tôi không được nhận văn bản, quyết định nào. Còn có ai nhận được, nhận hộ hay không thì tôi không rõ, cũng đã lâu rồi nên tôi không nhớ”.
 

Không đi trốn cũng không bị xử

Khác với trường hợp của bị can Lâm, bị can Lưu Văn Phong sau ngày bị truy tố rồi được tại ngoại đã khai không hề nhận được văn bản, quyết định truy tố nào của cơ quan thực thi pháp luật. Tại buổi lấy lời khai với Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên ngày 29/8/2016, bị can Lưu Văn Phong cũng đã xác nhận đã tham gia việc mua bán ma túy cùng Chu Văn Lâm.

Bị can Phong kể lại với điều tra viên thời điểm được tại ngoại: “Vào một ngày đầu tháng 8/1990, tôi được cơ quan công an đưa lên xe ô tô về công an thành phố Thái Nguyên. Tôi ngồi ở phòng làm việc của công an thành phố khoảng 2 tiếng thì được các anh công an bảo là tôi được thả về nhưng không nhớ các anh ấy có giao cho tôi giấy tờ gì liên quan đến việc tha hay không”.

Bị can Lưu Văn Phong cũng xác nhận trong thời gian bị bắt và tạm giam chỉ được cơ quan công an thông báo bị khởi tố vì tội danh buôn bán vận chuyển hàng cấm, còn sau khi được tại ngoại không nhận được một thứ tại liệu hay quyết định gì phát sinh.

“Tôi chưa được nhận bản kết luận của cơ quan điều tra, bản cáo trạng của viện kiểm sát, các quyết định tố tụng khác. Từ khi được tại ngoại về địa phương, tôi vẫn sinh sống tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ nay là thành phố Thái Nguyên. Sau đó ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM. Tôi chưa được cơ quan tố tụng nào gọi lên làm việc và cũng chưa thấy cơ quan nào thông báo cho tôi là đã xử lý vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm mà tôi đã bị khởi tố” - bị can Phong khai.

Làm việc với cơ quan chức năng, chị gái của bị can Lưu Văn Phong là chị Lưu Thị Lệ (xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên) cho biết: “Vào khoảng năm 1990 - 1991, em trai tôi có bị công an giữ khoảng 2 - 3 tháng gì đó. Khi Phong về nhà thì gia đình cũng không biết lý do vì sao Phong được về. Sau đó, Phong không bị xét xử hay thi hành án ở đâu. Sau khi Phong cai nghiện ma túy thì vào miền Nam làm ăn sinh sống cho đến nay”.

Ngày 29/3/2016, Chu Văn Lâm đến Công an tỉnh Hà Tĩnh đầu thú. Sau đó, Lâm đã được bàn giao cho Công an TP Thái Nguyên để xử lý theo thẩm quyền. Sau 3 ngày bị tạm giữ, VKSND TP Thái Nguyên đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với Lâm. Tiếp đó là quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong theo khoản 2, Điều 23 Bộ luật Hình sự, khoản 5 Điều 107 và điểm a, khoản 2, Điều 164, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Quyết định đình chỉ bị can của VKSND TP Thái Nguyên đã bị dư luận đặt dấu hỏi lớn và cho là không thuyết phục. Bởi theo Điều 23 Bộ luật Hình sự, ngoài khoản 2 qui định về thời hiệu; còn có khoản 3 qui định rõ hơn trường hợp nào thì vận dụng thời hiệu, trường hợp nào không vận dụng thời hiệu. Theo đó, nếu "người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ". Như vậy, Chu Văn Lâm là đối tượng trốn tránh quyết định truy nã, đến ngày 29/3/2016, Lâm mới ra đầu thú thì không thể áp dụng quá thời hiệu được.

Dư luận cho rằng, việc VKSND TP Thái Nguyên ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can chỉ nhằm "né" trách nhiệm bị mất toàn bộ hồ sơ vụ án này. Đã không còn hồ sơ và không phục hồi được tài liệu chứng cứ thì dù có muốn xử lý hình sự các bị can cũng không thể thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo, nên VKSND TP Thái Nguyên phải đưa ra lý do để khép lại vụ án mà thôi?

Ai là người liên quan trực tiếp đến hồ sơ vụ án và không tống đạt quyết định khởi tố vụ án sang tòa án nhân dân cùng cấp ở thời điểm năm 1990? NNVN sẽ thông tin tiếp vụ việc này.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm