| Hotline: 0983.970.780

Tìm mộ liệt sĩ trên đèo Lũng Lô

Thứ Tư 30/07/2014 , 09:46 (GMT+7)

Nhiều người đã ngã xuống mảnh đất này, trong số đó có 4 người đã hy sinh được chôn cất tại đây. Sau 60 năm, những người lính mới trở lại tìm mộ như sự tri ân đối với những người đã khuất...

Lũng Lô là con đèo huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi cách nay 60 năm thực dân Pháp đã trút xuống con đèo này 11.778 quả bom các loại. Với mục đích cắt đứt tuyến đường lên Điện Biên Phủ, cắt đứt con đường vận chuyển lương thực, đạn dược tiếp tế cho mặt trận.

Nhiều người đã ngã xuống mảnh đất này, trong số đó có 4 người đã hy sinh được chôn cất tại đây. Sau 60 năm, những người lính mới trở lại tìm mộ như sự tri ân đối với những người đã khuất...

Từ lời dặn của một cựu dân công

Tôi được nghe cụ Hoàng Thị Tư, SN 1926 dân tộc Tày ở thôn Bữu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái kể cho nghe từ tháng 8/1951 cụ là dân công tham gia tải lương thực, đạn dược phục vụ Chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh đồn Ca Vịnh (Trấn Yên), Cửa Nhì, Gia Hội (Văn Chấn). Sang năm 1952, cụ lại được gọi tham gia vận tải lương thực cho Chiến dịch Hoà Bình.

Cụ có hai đời chồng, người chồng trước của cụ là anh Lò Văn Nghi nhập ngũ năm 1947. Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ thuộc diện không phải đi dân công vì phải ở nhà thay anh Nghi nuôi bố mẹ chồng. Nhưng nghe tin anh Nghi cũng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nên cụ mới xung phong đi dân công hoả tuyến phục vụ chiến dịch chỉ cốt mong gặp được anh ấy.

Từ cuối năm 1953 cho đến ngày giải phóng, đoàn dân công của cụ được phân công gánh gạo từ Thượng Bằng La vượt đèo Lũng Lô sang Phù Yên, sau khi giao gạo xong thì tiếp tục gánh đạn từ Mường Cơi lên Cò Nòi, khi quay về thì khiêng cáng thương binh, cứ 4 người thay nhau khiêng một thương binh từ hang đá xuống đường 41, đi hai đêm thì tới Mường Vạt...

15-25-48_1
Đại tá Nguyễn Xuân Toán thắp hương trước khi động thổ đào mộ

Trong những người thương binh cụ đã khiêng không có ai là chồng cụ, sau ngày giải phóng cụ mới hay tin anh Lò Văn Nghi hy sinh ngay đợt đầu đánh Điện Biên Phủ.

Gần đỉnh đèo Lũng Lô có một cái hang lớn, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất nhiều thương binh từ mặt trận được chuyển về đây cứu chữa trước khi đưa về xuôi, người dân gọi là hang Thương Binh. Tại cái hang Thương Binh này có một số người không qua khỏi vì vết thương quá nặng, cụ Tư được phân công chôn 4 người, trong đó có hai nam và hai nữ.

Những người đi chôn cất phải khiêng người đã hy sinh vượt qua một cái dốc cao chừng 40 m lên khu rừng khá bằng phẳng hình yên ngựa nằm phía trên hang Thương Binh đối diện với đèo Lũng Lô. Cụ Tư kể rằng chính tay cụ đã đào hố chôn 4 người đó thành một hàng thẳng đầu quay về phía đỉnh đèo.

Các khu rừng trên đèo Lũng Lô sau mấy chục năm được giao khoán cho các hộ gia đình ở xã Thượng Bằng La quản lý, chăm sóc. Khu rừng nằm bao quanh hang Thương Binh được giao cho gia đình ông Hoàng Công Thức nhận khoán bảo vệ.

Trong một lần tới thăm nhà ông Thức, cụ Tư bảo vợ ông Thức là bà Hoàng Thị Ngọc: Ngọc à! Trên rừng nhà mày có 4 ngôi mộ bộ đội và thanh niên xung phong đấy. Hiện giờ cụ còn khoẻ, hôm nào chúng mày đưa cụ lên đó, cụ chỉ cho 4 ngôi mộ đâu là mộ đàn ông, đâu là mộ đàn bà.

15-25-48_3
Bà Hoàng Thị Ngọc kể lại chuyện bà Hoàng Thị Tư đã chôn cất bốn liệt sĩ tại nơi đang đào mộ

Trong 4 ngôi mộ thì có hai người là bộ đội, còn hai người nữ là thanh niên xung phong tất cả đều đưa từ mặt trận trở về hang Thương Binh điều trị, nhưng do vết thương quá nặng nên đã mất tại đấy.

Cụ được giao chôn những người này nên cụ biết vị trí cũng như ai là đàn ông, ai là đàn bà. Tội nghiệp họ quá, phải tìm cách đưa họ về nghĩa trang, mấy chục năm trời vẫn để họ nằm giữa rừng hoang lạnh như thế thì tội nghiệp lắm...

Đến cuộc tìm kiếm mộ bất thành

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong loạt phóng sự “Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ” (Báo NNVN), thông tin về những ngôi mộ trên đèo Lũng Lô được tôi phản ánh trong bài “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.

Sau khi đọc bài viết này ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh Yên Bái ngày 22/4/2014 đã ký công văn số 328/SLĐTBXH gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Văn Chấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái với nội dung như sau: “Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND huyện chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện và các ngành có liên quan cùng chính quyền địa phương phối hợp tìm kiếm, cất bốc quy tập hài cốt các liệt sĩ theo quy định”.

Dường như chưa yên tâm với thông tin đó, đầu tháng 5/2014 ông Hoàng Đức Vượng cùng đại tá Đỗ Chí Thanh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã mời ông Hoàng Đình Hương là người dân thôn bản Dạ nằm dưới chân đèo Lũng Lô lên kiểm tra những thông tin về những ngôi mộ đó.

Ông Hương dẫn đoàn lên chỗ 4 ngôi mộ kể rằng: "Năm 1965, khi tôi 13 tuổi theo ông Hà Đình Chón lên hang Thương Binh giăng lưới bắt dơi. Ông Chón bảo: Hang này không có dơi đâu, phía trên hang có mấy ngôi mộ chôn từ thời chống Pháp...

Nói rồi ông Chón dẫn tôi ngược lên phía đỉnh đèo hình yên ngựa chỉ cho 4 ngôi mộ. Sau mấy năm đi bộ đội trở về, tôi trở lại khu rừng vẫn thấy dấu tích của 4 ngôi mộ, trong đó có 3 ngôi mộ do lâm tặc kéo gỗ làm các nấm đất mòn vẹt chỉ hơi lùm lên khỏi mặt đất, một ngôi thì vẫn còn nguyên vẹn... Ông Vượng mừng quá đã gọi điện thông tin cho tôi về 4 ngôi mộ đó".

Ngày 7/5, tôi cùng ông Hoàng Đình Hương và anh Hoàng Trung Nông, cán bộ nông nghiệp xã Thượng Bằng La lên thắp hương cho 4 ngôi mộ đó.

15-25-48_4
Đại tá Đỗ Chí Thanh cạy từng viên đất nhỏ tìm dấu vết người đã khuất

Anh Nông băn khoăn: Đất ở đây nhiều mối vô kể, ông nội tôi là Hoàng Đình Đàn mất năm 1938 mọi người chôn trong một khu rừng gần nhà, năm nào tôi cũng lên phát dọn mộ cho ông, từ tháng 8/1984 đến tháng 9/1985 tôi là thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ở mặt trận phía Bắc, năm 1986 gia đình tôi mới có điều kiện bốc mộ cho ông. Sau 48 năm đào lên nhưng không thấy thứ gì, dù phải lật cả bụi nứa to bằng nửa gian nhà cũng không thấy. Gia đình bốc một nắm đất tượng trưng cho vào tiểu sành chôn cất. Không biết 4 ngôi mộ này còn thấy gì không sau 60 năm đã qua...

Chiều 11/7, khi tôi đang ở Lai Châu thì nhận được điện thoại của ông Hoàng Đức Vượng, ông Vượng cho hay: Sáng 14/7 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức bốc 4 ngôi mộ trên đèo Lũng Lô, anh có về được không? Nghe thế, tôi tức tốc khăn gói về ngay Yên Bái. Chừng 9 giờ sáng ngày 14/7 tôi có mặt trên đèo Lũng Lô, nơi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đang tổ chức đào mộ.

Đại tá Đỗ Chí Thanh và đại tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái hướng dẫn các chiến sĩ bới từng ly, từng tý đất, chỗ nào có đất đen khả nghi thì hai vị đại tá đều nhảy xuống trực tiếp cầm bay cạy từng viên đất nhỏ.

Sau một ngày đào bới từ chỗ 4 nấm đất không thấy gì, ngày hôm sau tiếp tục đào rộng ra khắp khu rừng yên ngựa, chỗ nào khả nghi là đào lên. Ông Hoàng Đình Hương cũng lên xem bộ đội đào mộ, ông lắc đầu: Ông Chón chỉ cho tôi đúng chỗ này, sao đào không thấy nhỉ? Bà Hoàng Thị Ngọc thở dài: Cụ Tư mất rồi, ngày ấy nếu gia đình tôi đưa cụ Tư lên đây ngay thì chắc chắn không phải vất vả tìm thế này...

Vĩ thanh

Cuộc tìm mộ các liệt sĩ hy sinh trên đèo Lũng Lô bất thành, mặc dù gần 70 chiến sĩ bộ đội và dân quân đã đào khắp khu rừng trên hang Thương Binh suốt hai ngày trời từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt nhưng vẫn không thấy.

Tôi nhìn 4 chiếc tiểu sành xếp ngay ngắn trong căn lều dã chiến mà lòng buồn rượi. Hai vị đại tá chỉ huy việc tìm mộ cũng buồn lắm, đại tá Thanh kể: Khi làm lễ hàn thổ tự nhiên một con bướm rừng rất to đậu lên cánh tay tôi trước sự kinh ngạc của nhiều người, không biết có phải các cụ đã nhập hồn vào con bướm kia không?

15-25-48_5
Bốn chiếc tiểu sành nằm chờ hài cốt các liệt sĩ

Tôi khấn rằng: Thưa vong linh các cụ, chúng con đã làm hết sức mình để đưa các cụ về nghĩa trang. Nhưng suốt mấy ngày qua, các cụ chứng giám cho lòng thành của chúng con đã đào khắp khu rừng mà không thấy. Xin các cụ thứ lỗi cho chúng con... Khấn xong thì con bướm bay đi, mất hút trong tán lá rừng xanh đen.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất