| Hotline: 0983.970.780

Tìm tàu chiến, vớ được tàu hàng

Thứ Sáu 05/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Từ cuối năm 2012, người dân và du khách đến thăm bảo tàng tỉnh Tuyên Quang được chiêm ngưỡng chiếc tàu vỏ gỗ nửa chìm nửa nổi (hiện đã chìm hẳn) dưới hồ nước cạnh Bảo tàng tỉnh./ Kỳ lạ tàu chiến Pháp bị bắn chìm biến mất

Nhưng ít người biết rằng, đó chỉ là chiếc tàu gỗ dùng để chở hàng, không phải là tàu chiến huyền thoại của Pháp, đã từng bị quân dân ta bắn chìm trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông, năm 1947.

Trở lại cuộc kiếm tìm và trục vớt tàu chiến Pháp như sau: Ngày 10/2/2009, Cty TNHH Cứu hộ Thượng Phong (Cty Thượng Phong) có tờ trình số 05, gửi đến Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để “phàn nàn” phía tỉnh Tuyên Quang không cho Cty Thượng Phong được tiếp tục trục vớt tàu chiến của Pháp bị đánh đắm trên sông Lô thuộc địa bàn xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, với mục đích đưa về Bảo tàng Quân khu 2, để trưng bày giáo dục thế hệ trẻ.

Ngày 10/6/2010, Cty Thượng Phong tiếp tục gửi Công văn số 06 đến Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 báo cáo rằng, tỉnh Tuyên Quang chưa đồng ý cho tiến hành trục vớt, do đó Cty Thượng Phong chưa hoàn thành được nhiệm vụ trục vớt, để giao cho cơ quan bảo tàng quản lý…

Cũng trong công văn này, Cty Thượng Phong đã phát hiện sự bất thường đối với phần ngoài của xác tàu chiến Pháp, đó là một số chi tiết của con tàu đã bị mất như: Tháp pháo 80 ly, cùng phần thép lan can bảo vệ, tường tránh đạn được lắp ghép bằng tà vẹt cũng đã bị biến mất.

Đến ngày 22/6/2010, Cục Di sản Văn hóa đã có công văn số 371/DSVH-DT về phương án bảo vệ và xử lý đối với con tàu chìm tại khu vực Khe Lau, xã Phúc Ninh. Đồng thời công văn này cũng đề nghị Sở VH-TT&DL báo cáo tỉnh Tuyên Quang có phương án bảo vệ, xử lý theo quy định…

Lo lắng trước những thông tin cho rằng, một số chi tiết đã biến mất khỏi xác tàu chiến, ngày 16/7/2010 Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang có báo cáo số 130/BC-VHTTDL để chỉ rõ thực trạng xác tàu chiến Pháp, đồng thời khẳng định đã làm việc với ông Vũ Tiến Đạt, Giám đốc Cty Thượng Phong, để nhắc nhở phía Cty Thượng Phong không được tự ý thăm dò, khảo sát xác tàu chiến, khi chưa được sự đồng ý của chính quyền tỉnh Tuyên Quang.

Trao đổi với NNVN, bà Vũ Thị Bích Việt, khẳng định: Chúng tôi đã dùng cả những máy móc hiện đại để tìm kiếm khắp dòng sông Lô, nhưng chẳng tìm thấy tàu chiến của Pháp ở đâu cả.
Vì trước đây, lịch sử nói như vậy, nhưng chưa có ai nhìn thấy rõ chiếc tàu đó nó như thế nào. Khi tôi nhận bàn giao, cũng chỉ trên giấy tờ, sổ sách chứ có nhìn thấy trực tiếp đâu.
Cũng có người nói, lúc thì nhìn thấy nó nổi lên chỗ nọ, chỗ kia, đến khi tìm kiếm lại chẳng ai biết chắc nó đang ở chỗ nào. Chúng tôi đã cho rà soát khắp dòng sông Lô, nhưng không thấy xác chiếc tàu chiến. Đến khi phát hiện ra chiếc tàu gỗ thì cũng phải vớt tàu lên Bảo tàng trưng bày.

Dựa vào các báo cáo khảo sát, đề xuất của cơ quan chức năng, ngày 27/12/2011, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 1766/QĐ-CT, do bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, về việc "Phê duyệt phương án khảo sát thăm dò, khai quật xác tàu chiến của Pháp bị chìm trên sông Lô thuộc địa phận xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn". Cũng tại quyết định này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và DNTN Hoa Nam lập phương án thi công.

Từ đây, các cuộc thăm dò, tìm kiếm vị trí nằm của xác tàu chiến đã diễn ra không chỉ ở ngã ba sông, thuộc khu vực Khe Lau, liền kề với 2 xã Thắng Quân và Phúc Ninh huyện Yên Sơn, mà cuộc tìm kiếm đã diễn ra dọc theo dòng sông Lô, từ thượng nguồn đến cả hạ lưu, tính từ địa điểm Khe Lau, nơi đã xác định tàu chiến Pháp bị bắn chìm năm 1947, đến cả vùng hạ lưu của sông Lô, đoạn chảy qua địa bàn TP Tuyên Quang, nhưng không phát hiện ra xác con tàu.

Cuộc tìm kiếm xác tàu chiến Pháp bằng cả cách truyền thống là tìm hỏi nhân chứng, đến dùng các thiết bị dò tìm kim loại hiện đại, ở độ sâu từ 10 - 15 m khắp các khu vực nghi vấn xác tàu đang ở đó.

Các cuộc tìm kiếm đã phát hiện, thu giữ được nhiều hiện vật của cuộc chiến tranh, như vỏ đạn, mảnh sắt làm lá chắn và cả thùng phi đựng xăng dầu. Duy chỉ có xác tàu chiến Pháp là không thể tìm thấy.

Từ các cuộc dò tìm suốt nhiều ngày, tháng của DNTN Hoa Nam và sự phối hợp của cơ quan chức năng, cuối cùng tia hy vọng nhỏ đã loé sáng, khi phát hiện xác một chiếc tàu đang nằm im dưới cát sỏi, thuộc địa bàn thôn Phúc Lộc xã An Khang, TP Tuyên Quang.

Và cuộc khai quật đã diễn ra, với hy vọng nó sẽ là con tàu chiến huyền thoại của Pháp. Tuy nhiên, bằng kết quả giám định 477 hiện vật trục vớt được tại con tàu gỗ này, đã chứng minh đó chỉ là một chiếc tàu chở hàng trong công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp bị đắm chìm.

Tuy nhiên, xét về giá trị lịch sử và văn hoá, thì chiếc tàu chở hàng vỏ gỗ này cũng có giá trị nhất định. Do đó, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định đầu tư trục vớt chiếc tàu hàng này đưa về đặt trong hồ nước của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, giúp cho việc “che đậy” sự thất bại của cuộc truy tìm, trục vớt xác chiếc tàu chiến huyền thoại của Pháp, đã bị quân và dân ta bắn chìm chiều ngày 10/11/1947.

Sau khi khai quật xong, các hiện vật và xác chiếc tàu chở hàng được bàn giao, đưa vào hồ nước trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân và du khách, vì họ cứ tưởng rằng, đó là chiếc tàu chiến huyền thoại của Pháp đã bị bắn chìm năm xưa, nên đến tham quan, chiêm ngưỡng, mà không hề hay biết đó chỉ là chiếc tàu gỗ chở hàng thông thường. (Hết)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.