| Hotline: 0983.970.780

Tìm về tâm thức cội nguồn dân tộc

Thứ Hai 22/04/2013 , 09:47 (GMT+7)

Ngày Giỗ Tổ là dịp để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hành hương về đất Tổ, tri ân công đức dựng nước của các Vua Hùng.

Ngày Giỗ Tổ là dịp để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hành hương về đất Tổ, tri ân công đức dựng nước của các Vua Hùng.

Ngày giỗ Tổ năm nay, cùng với niềm vui Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lại trùng với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, bởi vậy, lượng khách về Đền Hùng tăng đột biến.

Hàng vạn người dân đã về Đền Hùng, tìm về cội nguồn tâm linh, nhắc nhở mỗi người Việt Nam dù 54 dân tộc, 54 bản sắc văn hóa riêng, nhưng tất cả đều là đồng bào, là anh em một nhà.

Chỉ tính từ ngày khai hội đến ngày chính giỗ 10/3, hơn 2 triệu lượt du khách đã về Đền Hùng. Con số này hơn mọi lời nói, cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và sẽ luôn được tiếp tục, trao truyền trong đời sống tâm linh người dân Việt.


Lễ Giỗ Tổ được tổ chức thành kính, trang nghiêm

Hòa trong dòng người nườm nượp đổ về Đền Hùng sáng 10/3, có những cụ già tóc bạc lưng còng, nhưng cũng có những nam thanh, nữ tú, có cả những em nhỏ lên năm lên ba. Dòng người về với Đất Tổ dù đông nghẹt nhưng không xảy ra chen lấn, dẫm đạp như ở nhiều lễ hội khác. Phải chăng, khi về với ông bà, tổ tiên, mỗi người đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế khác, không xô bồ mà thành kính, thiêng liêng?

Hòa trong dòng người nhích từng bước chân lên Đền Thượng, chị Đào Thu Hà cho biết, gia đình chị từ Con Cuông, Nghệ An đi Giỗ Tổ. Chị chia sẻ: “Năm nay, lần đầu tiên gia đình tôi đến Đền Hùng, rất xúc động và tự hào khi biết tín ngưỡng của dân tộc mình được thế giới công nhận là Di sản thế giới. Thế giới có một mình nước ta có tín ngưỡng này thôi, nên cả gia đình phải đi lễ. Năm nay đi rồi, sang năm sẽ tiếp tục đi để con cháu cũng biết đến phong tục tốt đẹp của dân tộc mình”.

Nếu coi tín ngưỡng là nét văn hóa đẹp của dân tộc, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có lẽ là nét văn hóa mang đậm nét nhất về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Cũng giống như ngày giỗ cha, giỗ mẹ trong mỗi gia đình, ngày Giỗ Tổ được coi như ngày về của mỗi con dân đất Việt.

Hiện nay, trong toàn quốc có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ niềm Nam đến miền Bắc, từ miền núi đến hải đảo, những ngôi đền Quốc Tổ được dựng lên bằng tấm lòng thành kính, bằng ước ao được gần gụi hơn với ông bà tổ tiên.

Đúng như nhận xét của TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: “Tính độc đáo tiểu biểu trong “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia - dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có”.

"Đất là nơi chim về/ Nước là nơi rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng/... Hằng năm ăn đâu làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ...”- những câu thơ trong bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà bất kỳ lứa học trò nào cũng từng một lần được học sẽ góp phần tiếp nối truyền thống, đạo lý, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.

Đúng 7 giờ sáng ngày 10/3, tất cả hơn 1.417 điểm thờ các Vua Hùng trên cả nước đã đồng loạt thực hiện nghi lễ Dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Tại TP HCM, hàng ngàn người dân cũng đã về quy tụ tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng để dâng hương. Lễ Giỗ Tổ năm nay được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP tổ chức hoành tráng, trang nghiêm với phần diễu hành rước lễ và lễ tế theo nghi thức cổ truyền.

Trong khuôn khổ Giỗ Tổ, phần hội có nhiều họat động sôi nổi, mang tinh thần thượng võ và suy tôn dân tộc như Hội trại truyền thống “Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ 3; biểu diễn võ thuật cổ truyền; hội thi đẩy gậy; hội sách; triển lãm nghệ thuật thư - họa và tổ chức các trò chơi dân gian.

Cùng với việc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, lễ Giỗ Tổ còn triển lãm ảnh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đồng thời trưng bày bia đá chủ quyền của 33 đảo lớn, nhỏ thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là hoạt động hướng đến giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời nêu cao tinh thần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của mỗi người Việt Nam.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất