| Hotline: 0983.970.780

Tình gia tộc là trọng, lựa lời mà nói, cháu nhé

Thứ Tư 20/05/2015 , 09:12 (GMT+7)

Cô không nghĩ cháu chi li, chặt chẽ, cân nhắc quá. Nhưng tình gia tộc là trọng, từ từ, cùng nhau tính toán, lựa lời, khôn ngoan và thấu tình đạt lý, nhá.

Cô kính mến!

Cháu và anh là người NT vào Nam một mình. Cùng tỉnh nhưng khác huyện, khi quen rồi mới biết là đồng hương, hay là cái giọng NT định hướng cho mình, không biết nữa.

Ở ngoài đó thời tiết khắc nghiệt, vô trong này dù thu nhập ban đầu có phập phù, cháu cũng thấy sướng vì khí hậu lý tưởng quá. Nhưng vẫn nhớ bố mẹ, nhớ quê, đau đáu trong lòng.

May mắn cháu gặp anh cùng cảnh tha hương tìm đất lành. Anh khác cháu là đi thi một mình trong này, đỗ rồi học luôn, nhờ có người cậu vào đây sớm.

Cháu học ngoài V, đáng lý chờ việc thì tặc lưỡi, theo bạn bè xuôi Nam xem sao. Rồi cũng có việc, nhảy việc và cuối cùng đã tìm được một công ty của một người cũng là đồng hương NT.

Đám cưới chúng cháu ở quê, nhưng với chồng cháu, người cậu ruột vẫn tổ chức ở nhà cậu ấy một bữa tiệc để cậu mời bà con và anh mời bạn bè. Cậu là người rất mực thước, tốt bụng với bà con và rất thương vợ chồng cháu.

Nhưng cô ơi, không biết do cách sống của mợ, hay do cậu giỏi giang bao biện quá, hay do phúc đức mà một trong 2 người con trai của cậu rất hư. Cậu là cậu cả nên gia đình cậu có thế nào cũng là mối quan tâm của mẹ chồng cháu. Cậu là người ơn của chồng cháu nữa nên chúng cháu rất khổ tâm, khó nghĩ cô ạ.

Khác với con trai đầu, người con trai thứ này nhác ăn nhác làm, học hành lôm côm. Nhiều lần bỏ nhà đi, rồi về, rồi lại biến đi, cả tháng, hoặc vài tháng. Ở trong Nam này, chịu khó chút là có ăn, không làm thầy thì làm thợ cũng đâu phải khổ cực như ở ngoài quê.

Làm nặng thì kêu đau lưng, đi bán bảo hiểm, đi làm bảo vệ, đi nuôi ong, đi bán quán, việc gì cũng không bền, đứng núi này trông núi nọ.

Cậu thì nghiêm khắc nhưng mợ rất cưng. Mợ che giấu, mợ dúi tiền, mợ đỡ đòn cho hết nên nhiều lúc cháu thấy như trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chúng cháu ở riêng thi thoảng về qua, thấy cảnh ấy rất thương cho cậu.

Gần đây, người anh họ này rất hay ám nhà cháu. Đến chơi rồi ở lì. Nhiều lần xin tiền chồng cháu nữa. Xin rất đều. Chúng cháu vẫn còn cảnh nhà thuê, chật hẹp, cháu có con nhỏ nữa mà vẫn phải chứa chấp một người như gã anh họ dài lưng tốn vải này.

Thú thực với cô, những lúc chồng cháu đi vắng, anh này gõ cửa cháu sợ lắm, không cho vào không được mà cho thì anh ta ở lì, có gì làm sao cháu chống trả nổi? Cháu không nỡ nói với chồng tâm trạng này, cháu biết anh rất nặng lòng với cậu anh.

Cô cho cháu mấy lời khuyên nhá cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Hầu như bây giờ gia tộc nào cũng có người ăn nên làm ra, có người hư. Xã hội có nhiều thứ xuống cấp quá mà. Vả lại, người đông việc ít, với những người nhác học siêng ăn thì việc chân tay luôn luôn nặng nhọc, không phải ai cũng có sức làm. Ví như thợ hồ, ví như công nhân, ví như làm công ở nông trại, ví như giữ xe chẳng hạn, cũng phải phơi nắng thức đêm mới có mấy triệu còm nuôi thân. Vân vân và vân vân.

Có thể do mợ nuông chiều con trai út. Cũng có thể những lúc bỏ nhà đi, gã ấy sống đời thú hoang rồi, không làm người tử tế được mà mợ chồng cháu không hay biết.

Người quê cháu tình đồng hương và tình gia tộc rất mạnh. Có một câu chuyện vui như vầy: Một phụ nữ quê NT, khi bị trộm vô nhà cũng hỏi mày dân đâu, nếu là dân NT thì tha cho. Vậy đó. Cô hiểu ân nghĩa ở chồng cháu, cái ơn cậu cả rất lớn, không thể nào phai.

Nhưng cháu cũng nên tâm sự những lo ngại của mình với chồng chứ. Cháu có căn cứ để lo. Cho tiền là cho con cá, mà gã ấy cho là anh họ thôi, cho mãi được sao? Vả lại, chứa người vô công rồi nghề trong căn hộ ở thuê khó chịu lắm chứ.

Đây là chưa nói sự biếng nhác ngự trị, điện sinh trường nghịch nhau và lâu dài, không biết chuyện gì xảy ra khi gã bí tiền mà chỉ có mình cháu ở nhà.

Biết là nói sẽ mất lòng. Nhưng chồng cháu phải giúp cái cần câu chứ không cho con cá như nuôi một con mèo. Được không? Giúp cậu cả của mình bằng cách cảm hóa gã con của cậu, bày vẽ, lo công ăn việc làm hợp sức hợp tình, được không?

Cô không nghĩ cháu chi li, chặt chẽ, cân nhắc quá. Cô hình dung được và cô rất thông cảm. Nhưng tình gia tộc là trọng, từ từ, cùng nhau tính toán, lựa lời, khôn ngoan và thấu tình đạt lý, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất