| Hotline: 0983.970.780

Tinh giản bộ máy hành chính: Phải từ ý chí lãnh đạo

Thứ Ba 04/11/2014 , 08:16 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức (Sở Nội vụ Thanh Hóa) khi nói về bài học mà tỉnh này rút ra được sau khi thực hiện các “quyết sách” tinh giản biên chế từ năm 2007 - 2011./ Giảm bộ máy công quyền

5 năm tinh giản hơn 4.800 biên chế

Một trường tiểu học có 3 giáo viên đã ngoài 50 tuổi, mặc dù độ tuổi này chưa đến lúc về nghỉ chế độ nhưng để tinh giản biên chế theo Nghị định 132 ngày 8/8/2007 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa trích thêm một phần ngân sách hỗ trợ 2/3 giáo viên trên về hưu trước quy định 2 năm; một người khác vì lý do sức khỏe thì cho thôi việc ngay.

Với số tiền nhận được dăm bảy chục triệu đồng (tùy từng đối tượng), 3 giáo viên trên vui vẻ “nhường sân” cho các sinh viên mới ra trường. Với cách làm này, trong 5 năm (từ 2007 – 2011), khối sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 3.367 biên chế. Trong đó, nghỉ hưu trước tuổi 3.211 người; thôi việc ngay 154 người và chuyển sang các cơ sở 2 người.

Ông Bùi Quốc Toàn cho biết: “Hiện tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.500 – 3.000 biên chế dôi dư. Trong đó, khối cần tinh giản nhiều nhất là giáo dục và y tế”.

Theo ông Toàn, số lượng học sinh càng ngày càng giảm trong khi giáo viên bộ môn dư thừa đang rất nhiều. “Nếu không tinh giản buộc các địa phương phải chuyển giáo viên giảng dạy không đúng chuyên môn, có thể từ dạy văn sang dạy thể dục; từ cấp 2 chuyển xuống dạy cấp 1… Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục”, ông Toàn nhấn mạnh.

Bên cạnh thực hiện tinh giản theo Nghị định 132, trong năm 2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành thêm 2 Quyết định gồm: Quyết định 619 “về quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” và Quyết định 798 “về chính sách thu hút người có trình độ đại học trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn và chính sách hỗ trợ đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn”.

Với 2 “quyết sách trên”, ít nhất tỉnh Thanh Hóa tinh giản được trên 600 biên chế.

Ông Lê Văn Tình, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) cho hay, mặc dù không trực tiếp xây dựng đề án tinh giản biên chế như các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An nhưng Thanh Hóa lại quy định số lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn thấp hơn quy định của Nhà nước ít nhất 1 biên chế/xã.

Riêng, xã loại 3 tỉnh quy định không quá 19 người (trong khi quy định của Nhà nước là 21 người).

Đối với Quyết định 798, UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ công chức cấp xã dưới 40 tuổi đối với nam và dưới 35 tuổi đối với nữ, có nguyện vọng đi học để chuyển đổi nghề nghiệp, trong thời gian đi đào tạo, bồi dưỡng được tỉnh hỗ trợ từ 400.000đ – 550.000đ/người/tháng.

Với những công chức cấp xã chưa đạt chuẩn phải nghỉ thôi việc, không đủ điều kiện hoặc không có nhu cầu đi học được hưởng một số chính sách như: chế độ nghỉ một lần theo quy định của Luật BHXH, ngoài ra tỉnh hỗ trợ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm 2.000.000đ/năm.

Những công chức có thời gian đóng BHXH từ 15 – dưới 20 năm, nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được tỉnh hỗ trợ kinh phí đóng BHXH cho đến khi đủ 20 năm, trường hợp không tiếp tục đóng thì cũng được hưởng hỗ trợ 2.000.000đ/năm…

“Với các quy định trên, Thanh Hóa không chỉ giảm hơn 600 biên chế mà còn nâng cao được chất lượng công chức, viên chức”, ông Tình nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay tỉnh Thanh Hóa đã tinh giản được trên 4.800 biên chế (Nghị định 132 giảm 4.232 người; Quyết định 619 và 798 giảm hơn 600 người).

Không làm được việc, trẻ cũng phải nghỉ

Mặc dù đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tinh gọn bộ máy nhưng theo báo cáo của Sở Nội vụ, số lượng công chức, viên chức của tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này là 70.946 người.

Ông Bùi Quốc Toàn: “Việc tinh giản phụ thuộc hoàn toàn vào người lãnh đạo. Trong cơ quan ai làm được việc, ai không làm được việc người thủ trưởng biết hết nhưng vấn đề là lãnh đạo đó có dám chỉ ra không hay lại lờ đi, coi như không biết. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ công chức, viên chức làm được việc các địa phương báo cáo lên Bộ Nội vụ đạt 90%, trong khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chỉ đạt 30%”.

Trong đó, biên chế sự nghiệp giáo dục 50.662 người; y tế 7.500 người; văn hóa – thông tin & thể thao 1.050 người và sự nghiệp khác 1.350 người.

“Dù quy mô tỉnh lớn nhưng với con số biên chế trên khẳng định Thanh Hóa vẫn dư thừa nhiều, nhất là viên chức. Chúng tôi đang rất sốt ruột, mong chờ Trung ương có hướng dẫn cụ thể để giải quyết lượng biên chế dư thừa”, ông Bùi Quốc Toàn nói.

Theo ông Toàn, nếu thực hiện tinh giản theo Nghị định mới Thanh Hóa sẽ tập trung “đánh” vào chất lượng công chức, viên chức. Người nào trẻ tuổi nhưng không làm được việc cũng phải cho nghỉ.

“Giảm số lượng đồng nghĩa với tiết kiệm được một phần ngân sách nhưng về cơ bản mấy nghìn biên chế đã tinh giản lâu nay hầu hết là giải quyết theo nguyện vọng của cá nhân họ và một phần dôi dư sắp đến tuổi nghỉ hưu. Còn mục đích chính là khắc phục tình trạng con ông cháu cha, những người học hành lởm khởm, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thì chưa làm được”, ông Toàn cho biết.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở Nội vụ xây dựng phương án “khoán” chức danh, số lượng, kinh phí cho các xã, phường, thị trấn và thôn, bản, phố chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách, để tháng 12/2014 trình HĐND tỉnh quyết định.

“Chưa biết Hội đồng sẽ quyết định tăng hay giảm người, nhưng tôi nghĩ việc “khoán” cho xã, thôn tự cân đối chắc chắn sẽ giảm được những người không làm được việc, từ đó nâng cao hiệu quả ở cấp cơ sở”, ông Lê Văn Tình nhận định.

Bên cạnh các giải pháp trên, hai năm nay tỉnh Thanh Hóa tổ chức nghiêm ngặt các kỳ thi tuyển công chức cũng là một cách giải quyết tình trạng “gửi gắm”, “chạy chọt” vào biên chế nhà nước của một bộ phận con ông cháu cha.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.