| Hotline: 0983.970.780

Tình hình kinh tế - xã hội: Quốc hội vẫn lo lắng

Thứ Sáu 10/10/2014 , 09:54 (GMT+7)

Mặc dù Chính phủ đưa ra những chỉ dấu lạc quan của nền kinh tế nhưng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 9/10, các đại biểu vẫn hết sức lo lắng.

Bởi lẽ tình hình ngân sách vẫn bội chi, mất cân đối trong khi 16 chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu vốn, lộ trình tăng lương năm 2014 đã hoãn đến nay vẫn chưa thấy nguồn để triển khai…

Mất cân đối ngân sách

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%). Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.

Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã hết sức cố gắng thúc đẩy phát triển KT-XH và đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận nhưng những số liệu mà Chính phủ đưa ra còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa thực sự chính xác.

Cụ thể, chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP nếu cộng với 85 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7% trong khi Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Điều đó cho thấy việc cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Thêm vào đó số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873.

Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

Bắt đầu có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7/2014 là 4,11%).

Cân nhắc tăng lương, giảm chương trình mục tiêu

Trước thực trạng ngân sách nhà nước eo hẹp mà năm 2015 sẽ phải tăng chi cho quốc phòng để giữ vững chủ quyền quốc gia, nay vẫn còn 16 chương trình mục tiêu quốc gia đang chờ vốn, thời điểm tăng lương năm 2015 cũng đã gần tới không thể tìm đâu ra nguồn.

Chủ tịch UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển mạnh dạn đề nghị tạm dừng 13 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung vào 3 chương trình đồng thời cân nhắc việc tăng lương năm 2015 để đảm bảo cân đối ngân sách Chính phủ.

Không đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cho rằng đời sống của người lao động đang quá khó khăn. Lộ trình tăng lương tối thiểu là để bảo vệ cho những người thu nhập thấp đảm bảo cuộc sống mà lộ trình này năm nay đã bị hoãn. Nếu năm 2015 mà tiếp tục hoãn nữa thì đời sống của người lao động thu nhập thấp sẽ lâm vào khổ cực.

"Việc tạm cắt vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia cũng không phải là giải pháp hay bởi cả 16 chương trình đang cùng chạy trong một thời gian dài và đã thống nhất sẽ chỉ cân đối lại vào năm 2016. Nay dừng lại và chỉ triển khai 3 chương trình thì sẽ giảm hiệu quả”, bà Mai đưa quan điểm.

Để giải quyết một phần khó khăn cho ngân sách, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu hiến kế nên xây dựng đề án sử dụng nguồn tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, cổ tức từ phần vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp cũng như nguồn thu từ khai thác, bán tài sản công vào ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất