| Hotline: 0983.970.780

“Mổ xẻ” đại án Huyền Như:

Tính hợp pháp của hơn 1.000 tỷ đồng và trách nhiệm của Vietinbank

Thứ Hai 29/12/2014 , 09:34 (GMT+7)

Vietinbank có trách nhiệm bảo quản, quản lý số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của 5 khách hàng và phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Phiên xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận, đặc biệt là những tranh luận pháp lý về tội danh của Huyền Như và trách nhiệm của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Trong những ý kiến bạn đọc gửi về, NNVN nhận thấy có nhiều phân tích, đánh giá khách quan, thấu đáo. Để giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn, chúng tôi xin trích đăng bài phân tích của LS Trịnh Anh Dũng (Trưởng VP Luật sư Trịnh, Hà Nội).

Huyền Như có phải là người có chức vụ, quyền hạn?

Điều 277 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “Khái niệm tội phạm về chức vụ” như sau: “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ.

Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công  vụ”.

Trong vụ án Huyền Như, bị cáo Huyền Như tại thời điểm phạm tội giữ chức vụ quyền trưởng phòng, kiêm kiểm soát viên của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Công thương - Chi nhánh TP.HCM. Chức vụ này do Vietinbank bổ nhiệm với nhiệm vụ quản lý toàn bộ hoạt động của phòng giao dịch, có quyền phê duyệt các giao dịch tối đa 50 tỉ đồng.

Do đó, có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bởi vậy, việc tại phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như, luật sư của Huyền Như cũng như đại diện của Vietinbank trình bày rằng: “Trưởng phòng giao dịch không được coi là người có chức vụ quyền hạn mà chỉ có chức năng quản lý những tài sản và lao động cũng như thực hiện các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại phòng giao dịch” là ngụy biện không có căn cứ, nhằm mục đích chối tội cho Huyền Như và loại trừ trách nhiệm của Vietinbank đối với các khoản tiền gửi hợp lệ của khách hàng bị Huyền Như chiếm đoạt.

Thế nào là tiền gửi tiết kiệm hợp lệ tại ngân hàng theo quy định của pháp luật?

Khoản 1, Điều 6 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 13/9/2004 quy định: “Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm, được xác nhận trên thẻ tiết kiệm, được hưởng lãi theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và được bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi”.

Như vậy, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng được coi là hợp lệ khi khoản tiền đó đã được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng xác nhận trên thẻ tiết kiệm.

Trong vụ án này, có hơn 1.000 tỉ đồng đã được 5 đơn vị (là các Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cty Hưng Yên, Cty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara - SBBS, Cty bảo hiểm Toàn Cầu và Cty An Lộc) trực tiếp gửi tiền tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank - Chi nhánh TP.HCM (nơi Huyền Như làm việc), đã được Vietinbank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán. Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, số tiền hơn 1.000 tỷ này là tiền gửi hợp lệ tại Ngân hàng Công thương theo quy định.

Vietinbank có trách nhiệm quản lý tiền gửi hợp lệ của khách hàng hay không?

Điều 559 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản như sau: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

“Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Khoản 13, Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “13. Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.

Theo các quy định nêu trên, ngân hàng là đơn vị có trách nhiệm bảo quản và hoàn trả đầy đủ  tiền gốc đã nhận và lãi phát sinh cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Do đó, Vietinbank có trách nhiệm bảo quản, quản lý số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của 5 công ty đã nêu ở trên và phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Xem thêm
Khởi tố doanh nghiệp đầu độc vườn ao chuồng

Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây ô nhiễm môi trường với Công ty TNHH Xây dựng sản xuất và Thương mại Phú Lâm địa chỉ tại Bắc Ninh.

Giải cứu thành công người phụ nữ bị đối tượng trốn trại cai nghiện khống chế

Ngay khi đối tượng dùng dao khống chế con tin, lực lượng công an triển khai các phương án giải cứu hết sức căng thẳng, giữ an toàn cho con tin và đối tượng.