| Hotline: 0983.970.780

Tình Húc - Những bước tiến vững chắc

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:43 (GMT+7)

Với cách làm sáng tạo, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và tinh thần vượt khó của nhân dân, Tình Húc đang từng bước vượt qua khó khăn.

Là một xã nghèo thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, trình độ dân trí còn lạc hậu, Tình Húc gặp phải rất nhiều trở ngại trong xây dựng NTM. Nhưng với cách làm sáng tạo, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và tinh thần vượt khó của nhân dân, Tình Húc đang từng bước vượt qua khó khăn.

Linh hoạt trong vận động quần chúng

Ông Hoàng Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tình Húc, cho biết: Khó khăn đầu tiên mà xã gặp phải khi khởi động Chương trình NTM tại địa phương là vận động quần chúng. Bởi, đặc thù của xã Tình Húc có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa, Nùng, Cao Lan, Thổ. Trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số với 79,6%. Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ rất nhỏ với 1,49% (51 người). Trình độ dân trí so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Ninh và cả nước vẫn còn thấp, không đồng đều.

Đặc biệt, ở ba bản vùng cao Khe Bốc, Khe Lạc, Khe Và vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu chưa thể xoá bỏ. Mỗi dân tộc có một thói quen giao tiếp và ngôn ngữ riêng. Trong những cuộc họp dân, nếu cán bộ cơ sở cứ đem văn bản hành chính ra để đọc thì rất ít người “lọt tai”.

Do đó, trong các bài phát biểu và văn bản báo cáo (nếu phải gửi lên cấp xã trở lên), các trưởng bản thường phải viết hai bản. Bản thứ nhất viết bằng ngôn ngữ phổ thông, theo đúng ngữ pháp tiếng Việt. Bản thứ hai diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt của từng địa phương để người dân dễ hiểu, dễ làm theo.

Nhờ vậy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn dần dần hiểu thế nào là 19 tiêu chí NTM; mục đích, ý nghĩa của chương trình… từ đó tham gia góp công lao động, ủng hộ quỹ xây dựng NTM của địa phương.


Tình Húc đang phấn đấu xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn

“Là một xã thuần nông nên nhiệm vụ cần được quan tâm nhất lúc này là phải làm sao cho nông dân có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp. Xã đã đưa vào triển khai thực nghiệm nhiều giống cây trồng mới cho năng suất cao như các giống lúa QR1, Hương thơm 7…; các giống ngô LVN4, TSB2…”, ông Hùng nói.

Đặc biệt, mục tiêu chiến lược của Tình Húc là xây dựng vùng sản xuất dong riềng ở hai bản Bắc Liềng II và Khe Bốc. Đến nay đã có 94 hộ tham gia, trong đó có 58 hộ nghèo, tổng diện tích trồng dong giềng là 12,7 ha.

Song song với đó, Tình Húc cũng đang mở rộng vùng sản xuất rau tập trung với khoảng 40 ha, liên kết với một số doanh nghiệp trong tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Trong những năm gần đây, bà con Tình Húc cũng đẩy mạnh trồng rừng. Đến nay, hàng trăm ha keo đã đến kỳ thu hoạch, đời sống người dân chắc chắn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều so với hiện tại.

Việc ứng dụng thành tự của khoa học công nghệ, đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng được chính quyền và nhân dân Tình Húc rất quan tâm. Bằng chứng là năm 2012, cả xã có khoảng 314 máy cày; 53 máy tuốt lúa, 348 máy xay xát các loại, 5 máy xát bột dong…

Cùng với phát triển trồng trọt, việc đa dạng hoá vật nuôi cũng là hướng đi bền vững của xã Tình Húc nằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Được sự hỗ trợ về giống và 40% chi phí thức ăn, xã Tình Húc đã triển khai thực hiện nhiều mô hình như nuôi lợn sạch an toàn vệ sinh thực phẩm; gà đồi (ở bản Khe Bốc), ong mật, dê (ở thôn Pắc Liềng); thỏ (tại thôn Chang Nà)…

Sau khi kiểm tra đánh giá, các mô hình này có tác động tích cực, làm thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, kém hiệu quả các hộ tham gia.

Đa dạng hóa ngành nghề

Với địa hình nhiều đồi sườn dốc thoai thoải, có khe nước chảy qua thích hợp với nghề nuôi cá nước chảy, đây đang là một trong những nghề được nhiều người dân xã Tình Húc đầu tư phát triển. Hiện toàn xã có khoảng 40 hộ nuôi theo mô hình này, thu nhập mỗi năm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Anh Ngô Bảo Toàn, thôn Nà Kẻ, một hộ dân nuôi cá nước chảy chia sẻ: “Với diện tích ao nuôi khoảng 1.200 m2, tôi đã mạnh dạn vay vốn Nhà nước và huy động từ gia đình khoảng 600 triệu đồng xây kè đá hộc xung quanh để ao nuôi có thể chống chịu được mưa lũ. Độ sâu của ao là 2m, để giữ độ ấm của nước vào mùa đông, không để cá chết vì lạnh”.

Thức ăn cho cá chủ yếu cho ăn loại thức ăn nguồn gốc từ tự nhiên như cỏ, lá mía, rau xanh, chỉ xen vào đó một ít thức ăn công nghiệp nên không sợ ảnh hưởng đến môi trường nước. Hằng năm, anh Toàn thả khoảng 1 vạn cá rô phi đơn tính, vài nghìn con cá chép, trắm cỏ. Cá lớn rất nhanh, trong thời gian khoảng 6 tháng, trọng lượng cá từ 8 lạng đến 1kg/con, cá chép, trắm nặng từ 1- 2kg/con

Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đang có nhiều khởi sắc. Hiện tại xã có khoảng 14 điểm sản xuất đồ mộc và dịch vụ Nhà nước với giá trị ước đạt khoảng 850 triệu đồng.

Ngày trước, vì đường xá nhỏ hẹp, lại hay bị chia cắt bởi các con suối chảy qua nên người dân không tính đến chuyện mua xe máy. Nhưng bây giờ, đường trục thôn, bản ngày càng được cơi nới mở rộng và san phẳng; nhiều đoạn đã được bê tông hoá nên những hộ có điều kiện đổ xô đi mua xe.

Tính đến năm 2012, toàn xã có trên 730 xe máy; 10 ô tô loại nhỏ. Tập quán vệ sinh bừa bãi cũng dần được xoá bỏ; số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 87,9%; số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 95% trong tổng số hộ trên địa bàn xã.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đến nay, trên địa bàn xã đã có 13 bản được công nhận thôn bản văn hoá. Trong năm 2013, địa phương phấn đấu 3 thôn, bản xây dựng thôn, bản văn hoá, 630 hộ đăng ký gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường vào ngày 27 hằng tháng được duy trì đều đặn và thiết thực; xoá bảo các tập tục lạc hậu trong phát triển sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Thanh Hùng cho biết: Đến nay, xã Tình Húc đã hoàn thành được 9/19 tiêu chí NTM; cơ sở hạ tầng đã từng bước được đầu tư, nâng cấp; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; kinh tế phát triển; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất