| Hotline: 0983.970.780

Tình người chợ ông Hấp

Thứ Sáu 25/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Một lần tình cờ gặp anh bạn công tác ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh bảo: “Thành phố (TP) đang làm mạnh vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, ở dưới này có ông bỏ ra hơn 800m2 đất làm chợ, giúp hàng chục người bán hàng rong vào bán tập trung, vậy mà chẳng ai biết”. 

Tôi tìm hiểu thì đúng. Đó là ngôi chợ dành cho người nghèo do vợ chồng ông Lý Văn Hấp và bà Nguyễn Thị Lùn lập ra từ hơn 8 năm nay.
 

Mừng hết biết

Ngôi chợ nhỏ ấy nằm trên đường 19/5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Lúc tôi đến, chợ có chừng vài chục người, cả bán lẫn mua. Mặc dù ít người nhưng khá ồn ào, bởi chủ, khách không chỉ bán, mua đơn thuần, mà họ còn trò chuyện rôm rả như những người bạn.

12-08-10_nh_1
Một góc chợ ông Năm Hấp, rất sạch sẽ và thoáng mát

Sà vào sạp cá của người phụ nữ tên Diệu hỏi chuyện, chị kể, năm 2008, chị từ Trà Vinh lên TP nuôi con học đại học, nên phải kiếm việc làm. Nhờ có người dẫn dắt nên chị xuống chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh mua cá tươi về bán.

“Hồi bán rong khổ lắm chú ạ. Ngày nào cũng dậy từ 2 - 3 giờ sáng, đạp xe xuống chợ đầu mối, lấy cá về bán. Nhưng vì không có điểm bán ổn định nên ngày nào bán nhiều nhất chừng 20kg cá các loại. Chưa kể bán không hết, mang về không có chỗ bảo quản. Khổ nhất là mỗi khi bị đuổi vì lấn chiếm lòng lề đường, nhiều lúc dọn không kịp, cá văng tứ tung ra đường”, chị Diệu kể.

Năm 2009, khi ông Năm Hấp làm khu chợ này, chị Diệu là một trong những người đầu tiên đăng ký vào bán. “Giờ bình quân mỗi ngày chị bán 7 - 8 chục ký cá, lại không phải chạy đôn chạy đáo. Mừng hết biết luôn”, chị nói tiếp.

Đồng hành cùng chị Diệu từ những ngày đầu lập chợ là chị Bùi Thị Trang, 42 tuổi, quê Quảng Ngãi. Năm 1995, chị vào Sài Gòn làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình. Đến khi lập gia đình, sinh con, để có thời gian chăm con, chị phải nghỉ làm công nhân, về nhà vừa chăm con vừa buôn bán lặt vặt. Cũng giống như chị Diệu, do không có chỗ buôn bán ổn định nên thu nhập bấp bênh, bữa đực bữa cái. Từ khi có điểm bán ổn định trong chợ ông Năm Hấp, không chỉ thu nhập tăng cao và ổn định, mà chị khoẻ hẳn ra.

“Hồi đó bán ngoài bờ kênh cứ phải vừa bán vừa nhìn ngó, chuẩn bị tư thế để chạy. Có hôm chạy mệt đứt cả hơi còn hàng hóa thì rơi lung tung hư hỏng, chẳng thấy đồng lời. Giờ sướng lắm, ngồi bán rộng rãi, sạch sẽ, mát mẻ. Mỗi ngay trừ chi phí cũng kiếm được 2 - 3 trăm. Mặc dù còn ở nhà trọ, lại nuôi con nhỏ nhưng cũng có dư chút đỉnh. Chứ như ngày xưa, làm không đủ ăn”, chị Trang hồ hởi.

12-08-10_nh_2
12-08-10_nh_3
12-08-10_nh_4
Chị Diệu bán cá, chị Trang bán rau và bà Tĩnh: “Nhờ có ngôi chợ này mà chúng tôi ổn định công việc, thu nhập khá hơn. Chúng tôi biết ơn cô chú Năm lắm”

Nói về vợ chồng ông Năm Hấp, chị Trang trầm giọng: “Tôi chưa gặp người nào tốt bụng như cô chú Năm. Cô chú cũng đâu có dư, nghe nói phải vay hết mấy chục triệu để làm cái chợ này đó. Chỗ này ngày xưa là ao rau muống, san lấp cũng tốn nhiều tiền lắm. Vậy mà khi mọi người vào bán, chú đâu có thu tiền của ai. Trong khi chi phí hàng ngày, tiền điện, nước, vệ sinh… cũng đâu có ít. Chưa kể, cứ cuối ngày là chú đến, dọn rác, làm vệ sinh. Ai cần giúp gì là chú làm ngay. Mãi sau này, tụi tôi bán buôn, thu nhập ổn định mới đóng cho chú chút đỉnh, nhưng ai khó khăn quá chú không lấy. Tôi nghe nói có nhiều người gặp chú, hỏi thuê khu đất này hơn 30 triệu/tháng, nhưng cô chú Năm không chịu”.
 

Giúp người để vui

Chia sẻ về chuyện làm chợ cho tiểu thương nghèo, ông Năm Hấp cười bảo: “Đất này là đất hương hoả của ông bà để lại, nếu để cho thuê, hoặc kinh doanh thì có khi tui giàu to. Nhưng giàu cỡ nào thì ngày cũng ăn 3 bữa chứ mấy. Trong khi nhìn người ta bán rong, lấn chiếm lòng đường, mỗi lần bị dồn lại chạy nháo nhào, thấy tội lắm. Vợ chồng tui mừng vì thấy bà con bán buôn ổn định, thu nhập cũng khá”.

12-08-10_nh_5
Khu chợ nghĩa tình này không có chuyện nói thách, cò kè trả giá, vì người bán người mua hầu hết là quen biết nhau

Nhắc lại lịch sử của ngôi chợ ông Năm kể, khoảng thời gian những năm 2007, đoạn đường Lê Trọng Tấn, Kênh 19/5 được cải tạo, xây bờ kè mở đường thông thoáng, dân cư sinh sống ngày càng nhiều kèm theo đó là sự phát triển khu công nghiệp Tân Bình. Công nhân các tỉnh đổ về sinh sống ngày càng nhiều. Công nhân đi làm đầu tắt mặt tối, không có thời gian ghé chợ, thường phải tranh thủ. Vậy là hình thành chợ tự phát lề đường. Vào mỗi sáng, chiều tối, đoạn đường này lúc nào cũng kẹt xe vì cảnh mua bán hỗn loạn.

Chính quyền phường Tây Thạnh đã nhiều lần vận động những người bán hàng trong khu chợ tự phát nhưng không hiệu quả, rồi phải dùng biện pháp mạnh là cưỡng chế, đưa hàng hóa về phường phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, rau, củ, quả, cá, thịt sau khi đưa về phường, khi người bán hàng rong nộp phạt xong cũng hư hỏng không bán được bao nhiêu. Có hôm bị đội quản lý trật tự đô thị đi đuổi, có nhiều người bán hàng chạy vào nhà ông Năm núp. Rau cá thịt hư hỏng hết.

“Thực ra, ý tưởng lập chợ ban đầu là từ phường. Việc dẹp lòng lề đường giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, không thể hết được, vì đó là chén cơm hàng ngày của người ta, bỏ bán lấy gì ăn. Rồi Phó Chủ tịch phường khi ấy là ông Trần Huy Hoàng có xuống nhà, gợi ý, nói nhà còn đất rộng, chú làm chợ cho bà con vào buôn bán. Chú làm chợ rồi tự thu chi và tự làm vệ sinh bảo vệ. Tôi về bàn với gia đình, sau đó thống nhất phương án lấp ao rau muống làm chỗ cho bà con vào buôn bán tập trung. Từ đó cảnh hỗn loạn trên đường mới hết đó chứ”, ông Năm nhớ lại.

Chợ ông Năm từ khi mở đến nay, thường duy trì từ 30 - 50 sạp, bán đủ các mặt hàng, rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, trái cây… khách chủ yếu là công nhân và một số người dân trong khu vực. Chợ bắt đầu bán từ 5 giờ sáng đến khi hết khách chứ không có chuyện đóng cửa. Hầu hết người mua và người bán đều quen biết, gặp nhau hàng ngày nên chuyện mua bán trở nên dễ dàng hơn, gần như không có chuyện nói thách hay cò kè trả giá.

12-08-10_nh_6
Vợ chồng ông Lý Văn Hấp - Nguyễn Thị Lùn

Để duy trì hoạt động của chợ ông thu thêm mỗi hộ buôn bán 30 ngàn/ngày, số tiền ấy để chi vào tiền điện, nước, vệ sinh, rác… Tuy nhiên ông chỉ thu những hộ buôn bán có thu nhập cao, những hộ quá khó khăn thì ông hỗ trợ luôn.

“Tôi thấy việc dẹp lấn chiếm lòng lề đường của chính quyền là đúng. Nhưng theo tôi, giải pháp lâu dài là làm sao để họ có chỗ buôn bán ổn định, lúc đó chẳng còn ai bán rong mà dẹp. Chợ này cũng là giải pháp tạm thời, về lâu dài, chợ phải đáp ứng những tiêu chuân tối thiểu, ví dụ như an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ…”, ông Hấp nói.

Ngôi chợ của ông Năm Hấp được đánh giá là một điển hình, góp phần ổn định vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, gây mất mỹ quan đô thị. Từ đó, chính quyền quận đã chỉ đạo các phường trên địa bàn quận rà soát những địa điểm có thể tập trung cho người bán hàng rong như chợ của ông Năm Hấp. Lãnh đạo TP nêu quan điểm là các quận, huyện tìm những địa điểm đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán tập trung như chợ của ông Năm Hấp.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất