| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh nhiều chủ tịch huyện trẻ nhất nước: Chủ tịch huyện ở “chảo lửa”

Thứ Tư 05/11/2014 , 08:20 (GMT+7)

Tôi biết anh từ hồi viết loạt bài về “Làng ung thư Thạch Sơn” cách đây mươi năm. Dư luận cả nước đặc biệt quan tâm khiến mối quan hệ giữa báo và tỉnh Phú Thọ trở nên căng thẳng./ Tôi không tự hào là huyện 30a

Tôi có cuộc hẹn phỏng vấn với Bí thư Tỉnh ủy và người thư ký trẻ măng của Bí thư khi ấy là anh. Bẵng đi mấy năm, lần này gặp anh đã là Chủ tịch huyện Tam Nông (Phú Thọ), địa phương từng có nhiều điểm nóng.

Giữa muôn trùng vây

Là vùng đất giữa nên Tam Nông không được hưởng các chương trình, dự án dù vẫn là huyện nghèo. “Di sản” mà anh tiếp nhận là nguồn thu trên địa bàn chỉ đáp ứng hơn 10% kinh phí duy trì bộ máy; là nợ xây dựng cơ bản lớn nhất nhì tỉnh (gần 200 tỉ đồng); là những vụ khiếu kiện kéo dài qua mấy đời lãnh đạo khiến lòng dân hoài nghi.

Tam Nông từng có ước vọng chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp với nền tảng là hai khu và một cụm công nghiệp. Ngày khởi công nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol ở cụm công nghiệp Cổ Tiết, người ta dựng một cái bảng đếm ngược thời gian hoàn thành.

Giờ, dân lại đang đếm ngược thời gian… đi tù của mấy người liên quan trong dự án bởi lạm quyền, thất thoát. Ruộng đồng bị vùi chôn dưới lạnh lẽo của bê tông cốt sắt. Tình người bị vùi chôn với những chi tiết đau lòng như anh em cưa đôi cái bàn thờ chia ngày giỗ bố mà tôi từng phản ánh trong phóng sự “Vỡ làng”.

Một đại dự án khác, Khu đô thị Sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng- thể thao Tam Nông với quy mô trên 2.000 ha, mức đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng gồm trường đua ngựa, biệt thự, casino… mang tên Dream City (thành phố trong mơ) đã lên kế hoạch khởi công rồi bỗng nhiên dừng lại. Mọi thứ cứ như một giấc mơ của người mộng mị. Toàn những vấn đề “nóng” tưởng như một tảng núi ngáng đường người chủ tịch huyện trẻ tuổi.

Chân ướt chân ráo về địa phương thì lại xảy ra vụ lộn xộn ở Tề Lễ. Nôm na là một doanh nghiệp khai thác cát gây lở bãi sông, dân đòi đền bù bằng cái ấm nhưng doanh nghiệp chỉ trả bằng cái chén. Đã thế lúc trả doanh nghiệp này lại lén báo công an đến bắt người nhận vì tội tống tiền.

Phẫn nộ quá, cả trăm người dân Tề Lễ nhất tề kéo lên bao vây trụ sở Công an huyện. Phẫn nộ quá, người dân "áp giải" ông Nguyễn Quang Bộ, Chủ tịch UBND xã đi bộ gần hai mươi cây số lên huyện chứng kiến cảnh người hàm oan.

Nỗi bất bình trong dân chúng dâng lên ngùn ngụt như một biển lửa, tưởng có thể thiêu cháy bất cứ sự ngăn cản nào. Lực lượng Công an huyện, Công an tỉnh được đặt trong vòng cảnh giác cao độ.

Dân Tề Lễ đòi gặp Chủ tịch huyện đưa ra yêu cầu thả người. Anh mời 5 đại diện đến đối thoại. Buổi nói chuyện rất căng, lòng dân chưa yên, anh hẹn hai ngày sau lên đối thoại tiếp ở ngay trụ sở xã. Người dân lục tục ra về, vòng vây dần bị tháo bỏ. Cuộc đối thoại ở xã được tiến hành, theo lịch chỉ có 9 người liên quan đến việc sạt lở đất được mời nhưng không ngờ là có 700 người kéo đến đứng vòng trong, vòng ngoài, chật như nêm cối.

13-57-18_img0512
Anh Thi (bên phải) trao quà cho người nghèo

Dự án nuôi cá lồng trên sông Bứa đang phát triển đầy hứa hẹn, sản phẩm cung cấp khắp miền Bắc toàn đặc sản lăng chấm, diêu hồng thì đùng cái cơn lũ lịch sử tràn về. Cá sặc bùn chết 623 tấn, dân nghẹn đau tưởng chết nửa con người. Tam Nông đã bằng mọi cách đề nghị lên trên để hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ cho người dân có cơ hội tái SX.

Anh Chủ tịch từ tốn giải đáp hết 17 câu hỏi liên tiếp được đưa ra. Song song với đối thoại, Ủy ban huyện còn thành lập đoàn công tác xác minh rõ thiệt hại ở Tề Lễ rồi kiến nghị thu hồi kịp thời giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp nọ, bắt họ đền bù vì làm lở đất của dân. Vụ Tề Lễ đi vào yên ổn.

Người kiện mời cơm

Đường điện cao thế chạy qua khu đất nhà ông Vũ Anh Tú ở thị trấn Tam Nông có tầm quan trọng rất lớn bởi cung cấp cho hai huyện Tam Nông, Thanh Thủy và nhất là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách tỉnh: nhà máy bia 333. Trước đã xảy ra chuyện bảo vệ thi công qua khu đất khiến cho ông Tú bức xúc, thuê luật sư kiện chính chủ tịch huyện ra tòa. Chủ tịch thị trấn cùng họ hàng với ông nhưng 19 lần gặp để giải quyết vấn đề mà không bao giờ họ chịu bắt tay nhau.

Chủ tịch huyện cũ chuyển công tác buộc tân chủ tịch phải đối mặt với vụ kiện. Anh tìm đến nhà người kiện mình và nhỏ nhẻ: “Tôi với anh không có mâu thuẫn gì với nhau nhưng vì công việc của dân, vì lợi ích của cộng đồng mong anh cùng phối hợp để thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện”.

Những yêu cầu chính đáng được đáp ứng, quá đáng bị gạt bỏ, ông Tú hởi lòng, hởi dạ, tự tay cầm dao chặt phăng vườn cây, giải phóng mặt bằng. Xong việc, ông còn giết gà làm ba mâm cơm mời chủ tịch huyện cùng mọi người ăn uống vui vẻ. Cứ như lời ông thì chưa thấy một chủ tịch huyện nào lại gần dân, dám đối thoại với dân như vậy.

"Lãnh đạo ngại đối thoại với dân chỉ có hai vấn đề. Một là kiến thức anh còn hạn chế, hai là bản thân anh sai. Cuộc đối thoại ở Tề Lễ gần xong, một người chạy lên hỏi tôi: “Công an là gì?”. Tôi trả lời: “Công an là người bảo vệ pháp luật”. Người đó nói: “Công an là công an nhân dân sao lại đi bắt dân?”. Tôi trả lời tiếp: “Không, có bảo vệ được pháp luật mới bảo vệ được nhân dân". - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Bùi Đình Thi.

Đường nội thị Tam Nông khi mở rộng liên quan đến đất của trên 100 hộ. Không có kinh phí để đền bù phương án được đưa ra là vận động dân hiến đất. Đa số ủng hộ, chỉ có 1 gia đình phản đối. Đích thân anh đi vận động nhưng ông M. vẫn chưa đồng ý.

Một mặt đường cứ làm, một mặt đài huyện phỏng vấn, ra rả phát trên loa những tấm gương hộ nghèo hiến đất. Ông M. thấy ngượng với bản thân, với bà con vì nhà mình khá giả mà vẫn không chấp hành chủ trương đường lối nên đến tận phòng chủ tịch xin được góp đất.

Giấc mơ

Tôi hỏi anh suy nghĩ gì khi Tam Nông nhìn quanh chưa có sản phẩm nào là hàng hóa? Trông vào cây sơn thì giá cả bấp bênh. Trông vào hạt lúa củ khoai thì chỉ đủ đảm bảo an ninh lương thực. Trông vào nhà máy bia mỗi ngày đóng góp gần 1 tỉ đồng cho ngân sách tỉnh nhưng lại chẳng tạo mấy công ăn việc làm cũng như ngân sách cho huyện. Nghịch lý ở chỗ là thuế đóng góp từ nhà máy này chuyển về tất cho tỉnh nhưng cách tính toán của ngành thống kê vẫn cứng nhắc tính cho Tam Nông nên bình quân thu nhập đầu người tiếng đạt 18 triệu đồng vẫn chưa thực sự đúng.

13-57-18_wp_20140904_012
Anh Thi (thứ hai từ phải sang) đang kiểm tra bò

Anh thẳng thắn bảo dù khó khăn mấy Tam Nông vẫn xác định hướng đi của mình bằng hai “chân” công nghiệp và dịch vụ. Bởi thế trăn trở nhất của huyện giờ đây là làm sao đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn. Dự án Dream City cũng sắp được tái khởi động. Trước đây, Tam Nông là trung tâm của tỉnh lị Hưng Hóa thời Pháp thuộc nổi tiếng sầm uất. Cột cờ Hưng Hóa to chẳng kém cột cờ Hà Nội. Thế nên giờ đây, phải mở rộng Tam Nông cho xứng tầm vóc là cửa ngõ của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Anh là Bùi Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, sinh năm 1976.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất