| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh sốt sắng, dân chủ quan!

Thứ Ba 15/01/2013 , 09:44 (GMT+7)

Để chủ động phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành một hệ thống các văn bản từ tỉnh đến cơ sở trước và trong vụ đông năm nay.

* Khoa Nhi quá tải

Để chủ động phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành một hệ thống các văn bản từ tỉnh đến cơ sở trước và trong vụ đông năm nay. Dù vậy, qua thực tế kiểm tra tại nhiều địa bàn thì tập quán canh tác, chăn nuôi của đồng bào đang là thách thức lớn đối với tinh thần chỉ đạo của các cấp, ngành.

Ngay từ tháng 10/2012, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, nhất là các xã vùng núi chăn nuôi trâu bò theo tập quán thả rông, phải tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi những phương pháp, chuyên môn kỹ thuật để phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trích kinh phí hỗ trợ cho nhân dân những vùng khó khăn để chống rét và có chính sách hỗ trợ khi có thiệt hại. Ngay trong đợt rét những ngày vừa qua, Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã ra văn bản về việc tăng cường phòng chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Cùng với các địa phương, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc tới tận các hộ chăn nuôi.

Qua kiểm tra, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết, một số hộ chăn nuôi vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa làm tốt công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi như chuồng, trại chưa được che chắn và vệ sinh sạch sẽ; vẫn còn tình trạng thả rông trâu, bò trên núi. Năm nay, người dân các huyện vùng cao thu hoạch lúa mùa đúng vào thời điểm có mưa, rơm, rạ không phơi được bị hỏng. Mặt khác, theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn, thời tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn kéo dài sẽ làm cho các đồng cỏ kém phát triển dẫn đến nguy cơ thiếu thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét tiếp theo là rất lớn.

Trước thực tế đó, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống rét như gia cố, che chắn kín chuồng trại, giữ khô ráo nền chuồng nơi nuôi nhốt động vật; giữ ấm cho trâu, bò bằng cách làm áo khoác bằng bao tải, đốt trấu, củi…; cho ăn đầy đủ thức ăn xanh, kết hợp bổ sung thức ăn tinh, chất khoáng, vitamin để tăng cường sức đề kháng; thực hiện nuôi nhốt tại chuồng, không bắt gia súc làm việc và không thả gia súc, gia cầm ra đồng, ngoài rừng trong những ngày giá rét; chủ động chuẩn bị đủ nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò bằng cách tận dụng các sản phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, cây màu, đồng thời thực hiện các biện pháp chế biến như ủ chua, ủ tươi các sản phẩm sau thu hoạch để bảo quản và nâng cao chất lượng dinh dưỡng nguồn thức săn dự trữ; giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có dấu hiệu suy kiệt do đói, rét, dịch bệnh.

Đối với sản xuất vụ đông xuân 2013, Sở NN-PTNT cũng đã ra văn bản chỉ đạo lịch gieo cấy và cơ cấu giống, trà lúa để hạn chế ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Theo đó, các giống ngắn ngày được ưu tiên sử dụng. Thời điểm gieo mạ, gieo thẳng và cấy được xác định là sau tiết Lập Xuân (4/2/2013). Cơ cấu trà cũng được xác định có tới 98% lúa xuân muộn.

Mặc dù đã có sự thống nhất chỉ đạo như trên song những ngày rét vừa qua, cán bộ và nhân viên của phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Sông Công vẫn phải đôn đáo đi khắp các thôn xóm để vận động bà con không tiếp tục ngâm ủ để gieo mạ nữa. Ông Tạ Mộng Hạt, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng thị xã Sông Công, cho biết, tập quán canh tác từ lâu của đồng bào địa phương là cứ gieo mạ và nhằm gần tiết Lập Xuân thì xuống đồng. Qua kiểm tra thì đã có khoảng 15% diện tích đã được bà con gieo xong. Số đang ngâm ủ chưa biết là bao nhiêu. Đối với những diện tích mạ đã gieo thì cho đến nay hạt thóc vẫn còn ngậm kín, nỗ lực của phòng là để bà con hạn chế gieo cấy dẫn đến thiệt hại do làm sai khung thời vụ.

Có thể thấy, việc ban hành các văn bản và đôn đốc bà con thực hiện theo tinh thần chỉ đạo là 2 việc khác nhau. Đến thời điểm hiện nay, hậu quả do rét đậm, rét hại có thể là chưa xuất hiện nhưng ai dám chắc hậu quả khôn lường sẽ xảy đến khi mà diễn biến của thời tiết còn hết sức phức tạp.

Bác sĩ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng trên 100 bệnh nhi đến khám và điều trị thì có khoảng gần 30 cháu phải điều trị nội trú. Hiện tại Khoa Nhi của bệnh viện luôn ở trong tình trạng quá tải với tỷ lệ khoảng 130 bệnh nhân trên 100 giường bệnh theo chỉ tiêu được giao. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh giá tăng cường, hầu hết các trẻ em nhập viện điều trị trong thời gian gần đây đều mắc phải những bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, hen suyễn, cảm cúm, tiêu chảy.

Các y, bác sỹ cũng khuyến cáo trong thời gian rét đậm, rét hại còn kéo dài các gia đình có con nhỏ cần giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trẻ ra khỏi nhà. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần tăng cường chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để trẻ có sức đề kháng cao hơn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ… Khi thấy trẻ có các biểu hiện ho kéo dài, sốt cao, bỏ ăn, khó thở… cần đưa trẻ đến ngay các cở sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.