| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/01/2013 , 10:34 (GMT+7)

10:34 - 17/01/2013

Tinh thần người Nhật

Từ mảnh đất đầy thảm họa do động đất và núi lửa, mảnh đất khô cằn và nghèo kiệt nhưng người Nhật đã đứng lên, tự bàn tay và khối óc của mình làm nên những sự tích kỳ diệu.

Tôi đã đi qua nhiều nước nhưng lại chưa một lần đến Nhật Bản. Tuy nhiên, những điều đọc được trên sách báo và những lần tiếp xúc trực tiếp với người Nhật, tôi hết sức khâm phục và tự thấy mình phải cố học tập theo cách làm của họ...

Có 1 dự án của JICA (cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản) mời tôi tham gia. Đấy là dự án “Phát triển các cơ sở Học tập cộng đồng tại tỉnh Điện Biên”. Tôi được giao phần tư vấn khuyến nông cho bà con. Tại đây, tôi được tiếp xúc và làm việc với một người Nhật Bản mà hình ảnh của anh còn in mãi trong tâm trí tôi. Đó là chuyên gia Okukawa Hiroski.

Hiroski là một anh chàng trẻ và đẹp trai. Nhưng điều hấp dẫn nhất ở anh lại là tinh thần làm việc không hề biết mệt mỏi. Anh đơn độc một mình giữa rừng rú mịt mùng của Tây Bắc. Không biết tiếng Việt, không người quen thân, chưa hiểu biết hết về tập quán của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây, lại lạ nước lạ cái, phương tiện làm việc hết sức thiếu thốn, sinh hoạt hoàn toàn xa lạ với người Nhật (vì bọn tôi còn thấy là khó khăn thì đối với họ chắc sẽ rất khó khăn) nhưng anh không hề có 1 lời kêu ca, không hề có 1 biểu hiện nào là thất vọng. Hơn thế nữa, anh lại luôn luôn lạc quan, vui vẻ và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn.

Thời đó, đường sá trên Tây Bắc còn rất tồi, nhiều nơi chưa có khách sạn. Bọn tôi thường nghỉ trong các nhà trọ cùng với bà con dân tộc. Đêm đến, sương tràn đầy vào các phòng, lạnh thấu xương. Điện ở miền núi lại phập phù, nhiều đêm phải làm việc bằng nến. Ăn uống hoàn toàn dân dã. Hiroski chấp nhận hết. Anh như một cán bộ Việt Nam thực thụ.

Mỗi ngày, Hiroski làm việc 14 – 15 tiếng. Anh dậy rất sớm, khi mọi người còn ngủ, kiểm tra tất cả công việc sẽ làm trong ngày. Còn buổi tối, anh thường thức tới hơn 10 giờ đêm để ghi chép lại toàn bộ công việc của anh và của từng bộ phận đã làm. Chưa bao giờ anh sai lịch làm việc 1 phút! Tôi biết, anh rất không hài lòng với cách làm việc của nhiều đơn vị của chúng ta: Ở đâu cũng chậm trễ; đến thì hút thuốc, uống trà hàng chục phút rồi mới nói tới công việc; đi lại thì khệnh khạng, giờ giấc lộn xộn, lịch làm việc luôn luôn bị thay đổi... Tuy nhiên, anh nén chịu và chỉ giữ trong lòng. Anh ngồi im, không phản đối nhưng không hào hứng. Chỉ tới khi mọi người bắt tay vào làm thì anh bật dậy, say sưa ngay với công việc, hối hả từng phút một.

Anh như cơn lốc, tràn đầy nhiệt huyết, làm không biết mệt mỏi, tất cả vì công việc. Có lúc tâm sự với anh, anh thổ lộ: “... Chính phủ đã giao cho ai công việc thì người đó phải có trách nhiệm hoàn thành xuất sắc. Mọi người Nhật đều tâm niệm như vậy. Khi còn là học trò, chúng tôi đã được giáo dục điều đó. Bên chúng tôi không có bình bầu thi đua nhưng mỗi người đều tự nâng cao trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc những việc được giao...”. Nghe anh nói, tôi thấy hổ thẹn bởi cách làm việc của chúng ta. Rất nhiều nơi, anh em mình còn làm việc quá tùy tiện, vừa chểnh mảng, chiếu lệ, vừa vô trách nhiệm. Rõ ràng, cách quản lý cán bộ của ta cần có một cuộc cách mạng triệt để nếu như chúng ta muốn hội nhập với thế giới.

Hiroski cũng có vợ và con ở bên Nhật. Có những đêm khuya, chúng tôi bắt gặp anh ngồi đờ đẫn ở đầu nhà, mắt nhòe lệ nhìn về nơi xa xăm. Chắc anh nhớ vợ, nhớ con lắm. Nhưng cũng chỉ vậy thôi. Anh không để những nỗi buồn đó làm ảnh hưởng tới công việc. Chưa bao giờ anh kêu ca về sự vất vả, khó khăn và thiếu thốn trong sinh hoạt và trong công việc. Gặp anh, ta chỉ thấy tươi cười và sự lạc quan. Anh truyền nhiệt huyết cho mọi người...

Sau này, tôi còn được gặp và làm việc với một vài người Nhật khác. Họ đều giống nhau ở ý thức và tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Họ hoàn toàn tự giác vì thường chỉ làm việc có một mình, không có ai theo dõi, không cần ai nhắc nhở. Ý thức trách nhiệm đã ăn sẵn vào tiềm thức của từng người Nhật.

Sau vụ động đất và sóng thần kinh hoàng ở Fukushima ta lại bắt gặp ý thức của người Nhật. Những người sống sót đã mất hết người thân, mất hết của cải và nhà cửa nhưng ý thức của họ khiến cả thế giới phải cúi đầu khâm phục. Họ vẫn bình tĩnh, nén đau thương và khổ đau, nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn, giữ yên sự bình lặng và trật tự, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau... Dân tộc đó thật đáng tự hào!

Từ mảnh đất đầy thảm họa do động đất và núi lửa, mảnh đất khô cằn và nghèo kiệt nhưng người Nhật đã đứng lên, tự bàn tay và khối óc của mình làm nên những sự tích kỳ diệu.

Chúng ta cần học tập tinh thần đó của người Nhật.