| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu kết trái vào rừng

Thứ Sáu 02/05/2014 , 23:00 (GMT+7)

Rừng không chỉ cho họ tình yêu, cuộc sống gia đình, mà còn đem lại cả niềm tin cho nhân dân...

Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Trần Văn Lượng, chị Nguyễn Thị Hào - cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn với hơn 10 năm bảo vệ rừng (BVR) giữa vùng hồ xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Hạnh phúc giữa đại ngàn

Nghe những lời giới thiệu ngắn gọn của ông Nguyễn Văn Canh, Phó GĐ BQL Rừng phòng hộ Cấm Sơn về đôi vợ chồng trẻ luôn sát cánh bên nhau vận động nhân dân trồng, BVR khiến tôi thực sự bị cuốn hút. Hình ảnh hằng ngày, họ cùng vượt hồ Cấm Sơn đi tuần tra, ngăn chặn nạn phá rừng... góp phần quan trọng giúp đơn vị bảo vệ hơn 5,8 nghìn ha rừng tự nhiên, 2 nghìn ha rừng trồng... cứ hiện ra trước mắt khiến chặng đường đến Sơn Hải với tôi như gần hơn.

Trước mắt tôi là đôi vợ chồng cán bộ lâm nghiệp trong màu áo xanh truyền thống nhưng họ giản dị đúng như những gì được trang bị tại trụ sở Trạm bảo vệ rừng phòng hộ Sơn Hải. Một chiếc ti vi, máy tính nối mạng Internet, bàn uống nước... phục vụ cả nhu cầu ăn, ở, làm việc của gia đình.

Anh Lượng da ngăm đen, khỏe mạnh nhưng trông già hơn nhiều so với tuổi 34, chị vợ trẻ hơn hai tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn. Điều dễ nhận thấy nhất ở cả hai là lòng nhiệt tình, hăng say khiến người đối diện bị cuốn hút vào câu chuyện họ kể.

Tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, năm 2004, anh Trần Văn Lượng, thôn Thanh Giang, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) về công tác tại BQL rừng phòng hộ Cấm Sơn. Được cử đến Trạm Bảo vệ rừng phòng hộ xã Sơn Hải (cùng huyện) cách nhà hơn 20 km, anh ở hẳn tại bản giữ rừng.

Mỗi tháng về cơ quan giao ban 1 - 2 lần rồi quen cô cán bộ trẻ Nguyễn Thị Hào, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lên nhận công tác tại Trạm Bảo vệ rừng phòng hộ xã Phong Vân (Lục Ngạn). Ít hơn tuổi đời lẫn tuổi nghề, Hào vẫn nhờ anh tư vấn giải quyết công việc, hai người trở nên thân thiết.

Tháng 4/2007, anh Lượng được điều động về tăng cường giúp Trạm Bảo vệ rừng phòng hộ xã Phong Vân thiết kế, trồng rừng. Hai người có nhiều thời gian tìm hiểu nhau hơn, sau đó tình yêu của họ bung nở như bông hoa giữa rừng.

 Yêu nhau mấy núi cũng trèo, chặng đường từ trạm BVR xã Sơn Hải đến trạm Phong Vân dài hơn 30 km nhưng cuối tuần, ngày nghỉ anh Lượng vẫn đạp xe băng rừng đến với tiếng gọi con tim. Không lâu sau, đám cưới diễn ra, anh Lượng chính thức đón nàng về cùng chung sức bám bản giữ rừng giữa lòng hồ Cấm Sơn.

Ngày đầu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đối diện với bao khó khăn, vất vả, phải đi ở nhờ tại lớp học cũ. Chợ xa, đồng lương ít ỏi, hai vợ chồng nhớ mãi câu ca "một yêu anh áo may ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần"', ngày nào hai người cũng đùm cơm nắm, ăn với con cá khô đi tuần tra BVR.

Tiếng là gần hồ nhưng ở đây lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì diện tích gần bờ đều được các hộ tận dụng canh tác, muốn có nước sạch phải vào khe núi hoặc trèo thuyền ra giữa hồ... Với lòng nhiệt huyết họ vẫn vượt qua tất cả.

Trực tiếp quản lý hơn 1 nghìn ha rừng tự nhiên, hằng ngày, ngoài việc tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng chặt phá rừng; phòng chống cháy rừng, họ còn cùng nhau thiết kế, hướng dẫn người dân trồng, BVR. Hai đứa con, một trai, một gái lần lượt ra đời, lớn khôn, khỏe mạnh như lộc non giữa rừng. Gia đình họ trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng và núi rừng Sơn Hải.

Thế trận lòng dân

Đưa tôi ra mép hồ giới thiệu ranh giới những khu rừng phòng hộ mình quản lý, anh Lượng cho biết, khó khăn nhất là việc nâng cao ý thức BVR của người dân. Toàn xã có 803 hộ dân thì có đến hơn 500 hộ (chiếm 66,38%) là hộ nghèo, không có đất SX, nhiều gia đình vẫn phát rừng làm nương rẫy. Nhất là hộ người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng còn giữ tập tục dựng nhà bằng gỗ, bất chấp lệnh cấm vẫn chặt trộm gỗ rừng.

23-16-29_nh-3
Vợ chồng anh Lượng (hàng đầu bên trái) cùng cán bộ, nhân dân xã Sơn hải kiểm tra diện tích rừng trồng

“Anh Lượng, chị Hào không những tích cực giúp người dân địa phương nâng cao ý thức giữ rừng tự nhiên mà còn hướng dẫn các hộ trồng rừng phòng hộ. Hằng năm họ còn tư vấn giúp chính quyền xã xây dựng kế hoạch trồng rừng, phòng chống cháy rừng. Nhiều năm nay, rừng phòng hộ tại đây được bảo vệ, phát triển tốt, mỗi năm chúng tôi trồng mới gần 100 ha rừng”, ông Vi Văn Sáo, Chủ tịch
UBND xã Sơn Hải.

Được nhắc nhở, tuyên truyền, người dân chỉ ậm ừ cho qua chuyện, sau đó lại tiếp tục vi phạm. Không nản, vợ chồng anh Lượng vẫn quyết tâm vận động, phân tích tác hại từ việc phá rừng trong các buổi họp dân. Đồng thời, cùng đội ngũ cộng tác viên là các già làng, trưởng bản trong vùng đến từng gia đình tuyên truyền về trách nhiệm của người dân trong việc BVR.

Trong số đó, để lại ấn tượng nhất là câu chuyện xảy ra năm 2012, hộ ông Vi Văn Lỉu và Vi Văn Dinh cùng ở bản Tam Chẽ (xã Sơn Hải) tự ý phát rừng tự nhiên làm nương trồng sắn. Sau khi phát hiện vụ việc, anh Lượng, chị Hào kịp thời có mặt, lập biên bản đình chỉ nhưng các hộ không chấp hành.

Được vợ chồng anh Lượng cùng bí thư, trưởng bản và già làng đến ân cần giải thích ý nghĩa điều hòa nguồn nước của rừng phòng hộ, nếu hết rừng, hồ sẽ hết nước, cuộc sống người dân cũng ảnh hưởng. Sau đó, hai hộ này không còn phá rừng nữa, họ mua cây giống về trồng lại và trở thành tuyên truyền viên hăng hái vận động các gia đình khác tham gia giữ rừng.

Do địa bàn rộng, nhiều đối tượng lợi dụng khu vực giáp ranh với các xã Hòa Sơn và Hòa Lạc của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Trước tình trạng đó, vợ chồng anh cùng các tổ bảo vệ rừng từ 5 - 7 người tại các bản Đấp, Tam Chẽ, Đồng Mậm thường xuyên tuần tra, bảo vệ, tích cực xây dựng lòng tin để mỗi người dân trở thành một vọng gác tiền tiêu, kịp thời phát hiện, đẩy lùi các vụ vi phạm lâm luật, dập tắt các đám cháy rừng.

Không chỉ giữ rừng, vợ chồng anh Lượng, chị Hào còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Sẵn có tàu tuần tra, anh Lượng thường xuyên giúp dân bản đưa các em học sinh tới lớp trong những ngày mưa lũ, tham gia cấp cứu người gặp tai nạn trên hồ. Hơn 10 năm gắn bó, họ đã quen với phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số nơi đây.

Để gần gũi hơn với bà con, vợ chồng anh còn học nói tiếng các dân tộc Tày, Nùng cho dễ dàng trao đổi công việc với người dân. Nhờ vậy, hình ảnh vợ chồng cán bộ lâm nghiệp ngày đêm cùng nhau BVR đã trở nên thân thuộc với con người và núi rừng Sơn Hải.

Bị ngăn cách bởi lòng hồ Cấm Sơn, muốn đến thăm rừng buộc phải mất hơn hai giờ tàu chạy, sau đó cuốc bộ cả ngày mới đi hết nửa diện tích rừng. Thật tiếc, mấy hôm nay tàu hỏng, vợ chồng anh Lượng phải kéo vào bờ sửa chữa, họ đành hẹn tôi ngày trở lại sẽ cùng thăm rừng.

Chia tay anh chị và núi rừng Cấm Sơn, nhìn nguồn nước theo những công trình thủy lợi đem no ấm về các huyện miền xuôi, trong lòng tôi phơi phới một niềm vui. Tuy nhiên, câu nói của anh Lượng lúc chia tay khiến tôi phải suy nghĩ mãi: "Hơn 10 năm cùng bà con giữ rừng, tôi thấy người dân được đầu tư ít quá, chỉ vài trăm nghìn/ha/năm các hộ khó đảm bảo cuộc sống. Mong sao các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, giúp các gia đình yên tâm giữ rừng".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm