| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu ngang trái

Thứ Hai 11/11/2013 , 09:36 (GMT+7)

Tôi hiểu là chồng tôi đã phát sinh tình yêu với đứa con gái riêng của vợ, chẳng liên quan gì đến máu mủ, nhưng sao tôi vẫn thấy quá đắng cay, ngang trái.

Em ngàn lần chắp tay vái lạy, cắn cỏ xin anh tha cho nó. Anh đã thương mẹ con em thì thương cho chót. Bằng không, anh bỏ, mẹ con em cũng cam lòng. Chỉ xin anh đừng tiếp tục như thế. Tương lai của nó còn rất dài. Anh hãy cho nó có cuộc sống như tất thảy mọi người khác.

Tôi đã quỳ xuống chân Lễ cầu xin như thế. Bởi tôi mang ơn anh từ lâu và đang sống hoàn toàn nhờ vào anh. Vâng. Nếu kể ra chắc không ai nỡ trách tôi và sẽ thấy tôi không thể làm gì khác.

Cách đây 18 năm, tôi và Lâm yêu nhau. Khi ấy, tôi vừa học hết phổ thông trung học, vì bố mẹ quá nghèo lại ở một tỉnh lẻ nên tôi không thể thi đại học. Giữa lúc đó, Lâm gặp tôi rồi yêu, đưa tôi lên thủ đô kiếm việc làm. Đi làm chỉ là để cho vui vì lương chẳng bõ bèn, chỉ đủ ăn sáng. Cuộc sống của tôi do anh chu cấp hoàn toàn.

Do anh hứa về một tổ ấm trong một ngày không xa nên tôi đã không lưỡng lự trao cho anh cái quý giá nhất của một đời người con gái. Khi đang náo nức chờ đón lễ cưới do anh vạch ra, thì bỗng nhiên sau đó, anh bỏ rơi tôi và cái thai trong bụng.

Tôi suy sụp mất một thời gian. Không giống các bậc sinh thành khác, bố mẹ tôi không hề quở mắng tôi về tội đi quá giới hạn tình yêu mà tỏ rất thương xót, động viên tôi cứ giữ cái thai để đẻ. Tôi một mình vượt cạn, sinh cháu gái, đặt tên là Hạnh Nguyên. Ông bà ngoại cưng đứa cháu như cục vàng. Tôi thấy yên tâm, phần nào dịu trái tim vừa tan nát.

Đến năm Hạnh lên 5 tuổi, tình cờ tôi gặp Lễ trong một lần đi trẩy hội chùa Hương. Mãi mãi tôi không quên kỷ niệm giây phút đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Lễ kém tôi 3 tuổi nhưng không hề “mất hứng” mà vẫn tiếp tục nhiệt tình quan tâm đến tôi trong suốt chặng hành hương ở chùa Hương lần đó.

Và chúng tôi đã yêu nhau - một tình yêu không cân xứng giữa trai tân đang ngời ngời tương lai và một người đàn bà đã có một con, lại hơn mình 3 tuổi. Tôi cho anh biết rõ tất cả hoàn cảnh và mọi khó khăn của tôi để anh lường trước. Nhưng anh không nao núng. Sau đó không lâu, chúng tôi chính thức sống cuộc sống vợ chồng.

Có lần tôi hỏi Lễ sao anh có thể bỏ qua rất nhiều cô gái trẻ đẹp, lại là sinh viên người thủ đô để đến với tôi - một phụ nữ “nạ dòng” thì anh nói cũng không hiểu sao nữa, chỉ biết là bị “cú sét ái tình” đánh cho đổ kềnh, nói càng gần gũi thì thấy càng không thể rời xa được. Mỗi khi nhìn cháu Hạnh Nguyên quấn quýt cha dượng, lòng tôi trào lên niềm hạnh phúc và biết ơn vô hạn đối với anh.

Cuộc sống của chúng tôi chắc sẽ mãi hạnh phúc như thế nếu như cách đây hai năm, tôi không bị ốm liệt giường, rồi sau đó cơ thể không thể bình phục như cũ. Tôi buộc phải thôi việc, về nghỉ mất sức với khoản tiền chế độ rất ít ỏi. Từ đó, một mình Lễ bươn trải nuôi hai mẹ con tôi, đúng lúc Hạnh Nguyên đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Thật may mắn, cháu đã cố gắng học giỏi để thi đỗ được đại học. Từ khi là sinh viên, nó lớn lên trông thấy cả về thể xác lẫn suy nghĩ.

Nhưng gần đây, tôi thấy Hạnh Nguyên có nhiều biểu hiện khác thường: Gầy xọp, da mai mái, luôn uể oải và đặc biệt là tính tình trầm lặng hẳn so với trước. Nghĩ cháu đã yêu nên tôi thấy cũng bình thường, nhưng lo nếu không giữ gìn, “ăn cơm trước kẻng” khi còn mấy năm nữa mới ra trường thì rất rắc rối, phiền hà. Tôi hỏi, cháu chỉ nói do sắp đến kỳ thi, áp lực bài vở nhiều nên căng thẳng, mỏi mệt. Gặng hỏi mãi rồi cuối cùng cháu cũng kể.

Tôi không sao tin ở tai mình và không biết đây là sự thật hay đang trong cơn ác mộng. Nó kể hai năm nay, đã ngã vào vòng tay cha dượng. Lúc đầu, nó vô cùng bàng hoàng và căm giận khi Lễ đẩy nó vào tình huống không thể cưỡng lại. Nhưng rồi dần dần nó không thấy sợ hãi nữa mà cũng có tình cảm. Lần gần đây nhất, nó có thai và đã đi phá.

Lễ đã nói với nó: “Nguyên phải giấu sự thật này đến cùng, không cho bất cứ ai biết thì tôi mới có thể yên tâm kiếm tiền và lo cho mẹ con Nguyên và em được. Nếu không, Nguyên và mẹ sẽ nương tựa vào đâu? Tình cảm của tôi với Nguyên là thật lòng. Sự thật thì tôi chỉ hơn Nguyên có 16 tuổi”.

Lễ xưng hô với nó như vậy. Tôi hiểu là chồng tôi đã phát sinh tình yêu với đứa con gái riêng của vợ, chẳng liên quan gì đến máu mủ. Cũng vì tôi ốm yếu, đã từ lâu chẳng thể đáp ứng nhu cầu tự nhiên của anh - một người đàn ông đang rất trai tráng, ở đỉnh cao phong độ. Tôi vừa thấy ghê tởm, căm thù chồng.

Nhưng lúc bình tĩnh lại, cũng phần nào có thể hiểu được hành vi của anh. Nhưng điều tôi suy nghĩ và buồn phiền nhất là Hạnh Nguyên lại có tình cảm luyến ái với cha dượng. Nếu đó là sự chiếm đoạt đơn phương của Lễ thì lại đi một nhẽ. Đằng này, con gái tôi lại thổ lộ rằng nó cảm thấy không thể thiếu được Lễ.

Lòng dạ tôi đang rối bời. Đã có lúc tôi muốn tìm đến cái chết vì thấy cuộc đời quá ngang trái, cay đắng. Nhưng lại nghĩ đến Nguyên và nhất là đứa con trai chưa trưởng thành. Tôi không nuôi được nó, tất cả nhờ ở Lễ, nhưng nó vẫn không thể thiếu tôi, vẫn cần tôi làm chỗ dựa tinh thần.

Tôi biết phải làm sao để vượt qua những tháng ngày quá trớ trêu này?

(Phạm Thị Quyên - Ninh Bình)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Chị hãy cho con gái và cả Lễ thấy tình cảm giữa hai người dẫu không có máu mủ nhưng vẫn là loạn luân, không được pháp luật cho phép. Cũng chẳng nên quá lo cho con gái vì sắp tới nó ra trường, vào đời, rồi sẽ lấy chồng vì không thể níu giữ mãi tình cảm không có kết thúc tốt đẹp đó được.

Cuộc sống của chị và đứa con trai về lâu dài vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng, vừa có công với chị, lại vừa sống theo bản năng khiến chị đau khổ. Lời cầu xin của chị nếu thức tỉnh được anh ta thì chị cần cho qua.

Nếu không, đành phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Nhưng như vậy sẽ vô cùng khó khăn cho chị đó. Anh ta sẽ bỏ rơi chị là cái chắc. Khi ấy chị phải chấp nhận cuộc sống khó khăn vì không còn nơi nương tựa.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?