| Hotline: 0983.970.780

TKV "dẫn đầu" tỷ lệ lao động bị tai nạn

Thứ Tư 13/06/2012 , 10:18 (GMT+7)

Hơn 60% DN không tổ chức khám bệnh cho người lao động (NLĐ), 66% cơ sở SX bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 30% cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn.

Khẩu trang, quần áo bảo hộ sẽ hạn chế được nhiều tai nạn

Thợ hàn điện lấy miếng bìa nhỏ để che, thợ xây "leo" lên cao không hề có bảo hiểm… Những thực trạng trên được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hôm qua (12/6) tại Hà Nội.

66% cơ sở SX ô nhiễm môi trường

ThS. Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (ATLĐ-Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Cả nước hiện có khoảng 540 ngàn DN, trong đó 95% DN vừa và nhỏ, tạo gần 30% GDP và việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Tuy nhiên, hơn 60% DN không tổ chức khám bệnh cho người lao động (NLĐ), 66% cơ sở SX bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 30% cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn.

Các lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhiều nhất là xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông) chiếm 51,11% tổng số vụ tai nạn chết người; khai khoáng 12,7%; SX vật liệu xây dựng 8,3% và cơ khí chế tạo 8%. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do vi phạm quy trình, không có biện pháp an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Người sử dụng lao động không đảm bảo các quy tắc an toàn cho người lao động... TS Thắng cũng thừa nhận, tất cả các biện pháp xử phạt như hiện nay vẫn chỉ là giải quyết “phần ngọn”, trong khi vấn đề lại nằm ở phần gốc là ý thức của chính NLĐ và chủ sử dụng.

Ngành than-khoáng sản dẫn đầu tỷ lệ người lao động bị tai nạn chết khi đang làm việc. Ông Dương Văn Thìn, Phó ban ATLĐ, Tập đoàn Than-khoáng sản VN (TKV) cho hay, 135.000 lao động đang làm tại tập đoàn luôn bị rình rập tai nạn bởi 3 nguy cơ chính từ áp lực mỏ, cháy nổ khí và bục nước. Tổng GĐ TKV chịu trách nhiệm chính về ATLĐ, bộ phận giúp việc chủ lực là các thanh tra ATLĐ, thanh tra mỏ. Ở mỗi chi nhánh cũng đều có sự phân công rõ ràng. Ngoài ra cũng có nhóm giám sát viên an toàn và giám sát hầm lò để thông báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ có thể xảy ra ở từng ca, từng giờ. TKV đã cử nhiều cán bộ sang Nhật Bản để học về an toàn môi trường, khai thác mỏ.

Để giảm bớt số vụ tai nạn lao động trong thời gian tới, ông Thìn cho biết, TKV tập trung vào công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát các công trường, phân xưởng; rút kinh nghiệm sâu rộng mỗi lần xảy ra biến cố. Đồng thời thay thế các lò đào bằng thủy lực (trước đây là bằng gỗ) và cơ giới hóa các công đoạn khai thác.  

Sẽ truy tố DN để xảy ra tai nạn nghiêm trọng

Ông Hà Tất Thắng cho hay, Chính phủ đã dành 700 tỷ đồng để trong 5 năm (2011- 2015) để đầu tư ATLĐ nhằm giảm 5% số vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người trong các ngành khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, cơ khí và hóa chất. Đồng thời giảm 10% NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp, 80% NLĐ làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh cao được khám bệnh.

Theo Tổng Liên đoàn lao động VN, vụ tai nạn lao động gần đây nhất xảy ra vào ngày 21/5/2012 tại mỏ đá Trại Sơn B và C thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng làm 9 người chết, 4 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là lao động theo hợp đồng thời vụ của DN và không phải là đoàn viên công đoàn nên chưa từng được tuyên truyền về các biện pháp ATLĐ.

Để làm được điều này trước hết cần có văn bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của NLĐ, trách nhiệm của DN. Trên cơ sở có các quy định này tất cả các DN, các cấp, ngành kể cả công đoàn phải căn cứ vào pháp luật để bảo vệ NLĐ.

Cũng theo ông Thắng, Bộ LĐ-TB&XH đang xem xét bổ sung, sửa đổi Bộ luật lao động để cuối năm 2012 trình Chính phủ, năm 2014 trình Quốc hội và có hiệu lực từ năm 2015. Nếu phát hiện DN vi phạm, Bộ sẽ kiến nghị UBND địa phương rút ngay giấy phép của DN hay thanh tra lao động.

Riêng lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo đang làm việc trong các làng nghề, Bộ sẽ siết chặt hơn bằng cách tăng cường cán bộ thanh tra giám sát thực hiện ATLĐ, kiến nghị nâng mức xử phạt, thậm chí đề nghị Công an truy tố nếu DN để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.

Tham dự với tư cách là đại diện cho Tổ chức Lao động quốc tế ILO, ông Tôn Thất Khải hiến kế: Theo kinh nghiệm của các nước ASEAN là phải tăng cường khung pháp lý để phòng ngừa tai nạn trong các ngành có nguy cơ cao; nâng cao vai trò thanh tra và dịch vụ tư vấn; xây dựng mạng lưới để nhân rộng, cập nhật thông tin; củng cố cơ chế báo cáo. Đồng thời lồng ghép hệ thống quản lý ATVSLĐ vào chính sách quản lý của DN...

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất