| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/10/2016 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 27/10/2016

Tổ chức làm từ thiện, tưởng dễ mà... chẳng dễ!

Câu chuyện các cán bộ cơ sở ở tỉnh Quảng Bình đến từng nhà hộ dân, thu lại 400 trên tổng số tiền 500 ngàn đồng, mà các đoàn cứu trợ đã trao cho các hộ này để chia lại cho toàn thôn, gây bức xúc dư luận dữ dội.

Nghe thì vô lý, nhưng mà nghĩ căn cơ thì vì sao lại thế?

Ông Lê Văn Luận, Phó thôn Trung Thôn kiêm Bí thư chi bộ đội 3, thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cho biết tính đến ngày 24/10 đã có 16 đoàn từ thiện từ khắp nơi đến đây trao quà ủng hộ người dân. Ông Luận thừa nhận có việc thu lại của dân mỗi hộ 400 nghìn đồng.


Gia đình bà Lê Thị Nuôi sau khi nhận được 500.000 đồng cứu trợ thì bị lãnh đạo thôn đến thu lại 400.000 đồng (Ảnh: Minh Tuấn/Người lao động)
 

Tuy nhiên, ông cho rằng việc làm này với mục đích là vì dân: "Chúng tôi thu lại 400/500 ngàn đồng số tiền cứu trợ là để lấy mặt bằng toàn bộ, sau đó cân bằng mặt hàng rồi lập danh sách chia đều cho dân chứ chúng tôi không bỏ túi riêng. Tui biết việc làm này là sai chủ trương, nhưng bọn tui làm như rứa là cũng vì dân cả thôi”.

Vì mỗi đoàn cứu trợ trao mỗi phần quà khác nhau, đoàn thì sữa, mì tôm, đoàn thì gạo... nên cán bộ thôn quy ra tiền mặt để cho công bằng. Họ lập danh sách theo hình thức cuốn chiếu đảm bảo dân ai cũng được nhận quà như nhau, việc thu lại 400/500 ngàn đồng số tiền cứu trợ hôm 22/10 là để lấy mặt bằng toàn bộ, sau đó cân bằng mặt hàng rồi lập danh sách chia đều cho dân.

Theo thống kê của thôn, đợt lũ lụt đã khiến người dân trong thôn bị thiệt hại nặng nề, lên đến 2,5 tỷ đồng.
Bà V, 78 tuổi, thôn Tân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, sống một mình, con cái đi làm ăn ở Tây Nguyên, được một đoàn hảo tâm từ Hải Phòng hỗ trợ 2 triệu đồng.

Đến tối, người của thôn đến nhà thu lại khoản tiền này. Bà kể: “Cán bộ thôn nói lụt chung, mọi người cùng mất mát nên ai được hỗ trợ thì phải chia sẻ”.

Theo người dân, cán bộ thôn Tân Đông sau khi thu tiền về đã chia bổ đầu cho tất cả các khẩu trong thôn.

Những hiện tượng kể trên, nghe thuật lại, ai cũng thấy bất công và cảm xúc thì bất bình. Tuy sau đó, dưới sức ép của dư luận, các cán bộ thôn đã xin lỗi và trả lại tiền cho các hộ dân.

Nhưng suy xét căn cơ, thì vì sao lại xảy ra nông nỗi thế?

Cả 2 bên, phía cá nhân tổ chức kêu gọi, nhận tiền quà cứu trợ, tổ chức chuyển phát quà hỗ trợ và phía chính quyền địa phương nhận tiền quà để phân bổ, cũng đều cần thực hiện theo luật và các hướng dẫn cụ thể. Phải có kiến thức thực hiện việc từ thiện, để việc từ thiện đạt hiệu quả cao nhất với từng người dân bị thiệt hại.

Cán bộ phía chính quyền địa phương cần khảo sát tình trạng mất mát của dân, lên kế hoạch để phân chia khu vực dân cư theo mức độ thiệt hại nặng nhẹ. Sau đó sắp xếp đoàn cứu trợ vào từng khu vực, để ai bị thiệt hại mất mát cũng đều có thể nhận được quà theo mức thiệt hại.

Việc các cán bộ thôn thiếu kiến thức, lại còn áp đặt thực hiện phát quà từ thiện, đã làm xói mòn lòng tin của dân về phía chính quyền, gây nên nhiều mất mát trong tình làng, nghĩa xóm, dẫu vậy, đây là một thực tế, và còn có thể tiếp tục xảy ra, nên cần nhìn nhận lại thấu đáo, tổ chức hợp lý hơn, trong công tác từ thiện.