| Hotline: 0983.970.780

Tổ Kinh tế Kỹ thuật: Sức bật nông nghiệp Kiên Giang

Thứ Hai 10/08/2015 , 06:14 (GMT+7)

Kiên Giang có 116 tổ Kinh tế Kỹ thuật (KTKT), phủ kín 100% địa bàn xã SX nông nghiệp. Mỗi tổ được bố trí 3 cán bộ với các chuyên môn trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đây chính là mạng lưới khuyến nông cơ sở sâu sát cùng nông dân, đồng ruộng, tạo nên sức bật trong phát triển SX nông nghiệp của địa phương.

Bền bỉ duy trì

Để đẩy mạnh phát triển SX, phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế, đầu năm 2000, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thí điểm thành lập mô hình tổ KTKT, đặt trụ sở tại UBND các xã, để cùng nông dân ra đồng, chuyển giao kỹ thuật.

Đề án được giao cho Sở NN-PTNT triển khai thực hiện, nhân sự do Trung tâm KN-KN tiếp nhận, quản lý và chỉ đạo thực hiện công việc chuyên môn.

Từ đề án thí điểm, đã có thêm hàng trăm cán bộ khuyến nông cơ sở được bổ sung cho các địa phương, thúc đẩy phát triển SX.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra lúc này là họ không thuộc lực lượng biên chế, không được hưởng lương. Vậy lấy kinh phí đâu để nuôi quân?

Muốn duy trì hoạt động, mỗi năm tỉnh Kiên Giang phải xuất nguồn kinh phí địa phương khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Số tiền này tuy lớn nhưng cũng chỉ đủ duy trì mức “lương chết”, tức là không được tính thâm niên, không được xét tăng lương theo thời hạn.

Các địa phương ủng hộ bằng cách bố trí phòng làm việc tại trụ sở UBND xã để cán bộ tổ KTKT ở, làm việc. Có nơi còn nhiệt tình ủng hộ luôn tiền điện tiêu thụ hàng tháng, tiền xăng cho anh em đi lại.

Trung tâm KN-KN trang bị bàn làm việc, máy vi tính kết nối mạng, đặt mua báo Nông nghiệp Việt Nam cho anh, em cập nhật thông tin, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Ăn ở tại xã, sâu sát với nông dân, đồng ruộng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn do trung tâm, trạm khuyến nông huyện giao, các cán bộ tổ KTKT còn là lực lượng nòng cốt tham mưu, giúp việc cho UBND xã trong việc phát triển SX nông nghiệp tại địa phương.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm KN-KN Kiên Giang: "Từ khi có mô hình tổ KTKT, SX nông nghiệp ở các địa phương phát triển rõ riệt, nhất là hiệu quả trong việc thực hiện cơ cấu mùa vụ, phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, do là mô hình thí điểm nên khi kết thúc dự án (sau 5 năm) ai cũng tỏ ra rất hoang mang. Hàng trăm cán bộ không biết sắp xếp thế nào, duy trì tiếp thì lấy gì trả lương cho anh em?".

Sở NN-PTNT phải xin chủ trương tiếp tục thực hiện dự án, UBND tỉnh trình HĐND tiếp tục cấp kinh phí để tổ KTKT hoạt động.

Sau nhiều cuộc họp với các sở ngành, địa phương, cuối cùng UBND tỉnh Kiên Giang quyết định giao cho Sở Nội vụ rà soát lại các văn bản, cơ chế chính sách để đưa lực lượng cán bộ tổ KTKT vào biên chế, hưởng lương và các chế độ khác.

Đến năm 2011, niềm vui mới đến với những anh em khuyến nông cơ sở ở tổ KTKT khi quyết định vào biên chế thành hiện thực.

Hiệu quả, thiết thực

Ông Hoàng Trung Kiên nhận xét: “Đến thời điểm này có thể khẳng định việc thành lập tổ KTKT là rất đúng đắn và rất cần thiết. Nhiều tỉnh khác đã đến Kiên Giang học tập mô hình để về áp dụng tại địa phương mình”.

Theo ông Kiên, hiệu quả thấy rõ nhất là từ khi có mô hình tổ KTKT, SX nông nghiệp ở các địa phương phát triển rất mạnh, năng suất tăng, chi phí giảm.

Các tiến bộ KHKT sớm được chuyển giao cho nông dân, áp dụng vào SX. Đặc biệt là nhiều năm qua, Kiên Giang không để xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trên diện rộng.

“Cán bộ tổ KTKT là nhân sự của trung tâm nhưng hoạt động tại xã, tham gia sinh hoạt đoàn thể, Đảng tại xã. Nhờ làm tốt công tác chuyên môn, hiệu quả trong công việc mà hiện nay đã có 1/2 cán bộ tổ KTKT được các địa phương xem xét kết nạp Đảng.
Đây cũng là kênh tạo nguồn cán bộ cho địa phương, khi đã có nhiều anh em được chính quyền xem xét bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách SX, lãnh đạo Hội Nông dân…”, ông Hoàng Trung Kiên cho biết.

Ngoài công tác chuyên môn, các cán bộ tổ KTKT còn tham gia rất nhiều hoạt động khác tại địa phương như phối hợp với các ngành chuyên môn thú y làm công tác tiêm phòng, BVTV nắm tình hình dịch bệnh, làm các chương trình dự án nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (làm mô hình SX), dạy nghề nông thôn…

Huyện Giồng Riềng có 19 tổ KTKT hoạt động ở các xã, phường, thị trấn.

Ông Đinh Thiết Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông Giồng Riềng cho biết, cơ chế hoạt động của tổ là theo ngành dọc, chịu sự quản lý của trung tâm và trạm. Còn tại địa phương thì tổ có chức năng phối hợp với các đơn vị, đoàn thể cùng thực hiện nhiệm vụ.

Hàng tháng, các tổ trưởng sẽ về trạm họp định kỳ 2 lần để báo cáo tình hình SX tại địa phương, lên chương trình công tác hoạt động trong tháng, nghe trạm triển khai chỉ đạo của cấp trên.

Lão nông Năm Lấy (Trần Lục Lấy) đang SX 18 công ruộng ở ấp Ngã Năm, xã Ngọc Thành, Giồng Riềng cho biết, những năm qua, nhờ sự tư vấn của cán bộ tổ KTKT mà nhiều nông dân đã nắm vững kỹ thuật bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, giúp lúa phát triển tốt, giảm sâu bệnh, ít bị đổ ngã… hạ giá thành SX.

 Đặc biệt là nhiều nông dân đã bỏ giống lúa IR 50404 để chuyển sang làm lúa OM 5451 cho gạo chất lượng cao, dễ tiêu thụ.

Hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Nông nghiệp xã, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm trưởng ban, Tổ trưởng tổ KTKT làm phó ban.

Đây chính là cơ sở để các cán bộ tổ KTKT tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động phát triển SX nông nghiệp tại địa phương, xây dựng kinh tế hợp tác, thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới…

Ông Trần Văn Dĩ, cán bộ Ban Nông nghiệp xã Ngọc Thành (Giồng Riềng) đánh giá cao vai trò của tổ KTKT đối với sự phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài làm công tác chuyên môn khuyến nông, các anh em của tổ còn tham mưu cho lãnh đạo xã về các chương trình phát triển SX, lịch thời vụ, tình hình dịch hại để có chỉ đạo kịp thời, qua đó giảm thiệt hại, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.