| Hotline: 0983.970.780

Tỏa hương nấm Phú Lương

Thứ Tư 16/01/2013 , 10:35 (GMT+7)

Về làng quê Phú Lương (huyện Phú Vang, TT- Huế) mới thấy được không khí rộn ràng, sôi nổi của bà con bước vào vụ trồng nấm bán cho dịp Tết.

Về làng quê Phú Lương (huyện Phú Vang, TT- Huế) mới thấy được không khí rộn ràng, sôi nổi của bà con bước vào vụ trồng nấm bán cho dịp Tết. Cây nấm không chỉ giải quyết công việc cho hàng trăm hộ dân lúc nông nhàn mà còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

>> Xứ Thanh đỏ lửa
>> Bánh tráng chạy đua
>> Vỏ công ty, ruột Xuân Đỉnh
>> Hàng mã nước rút

Cứu cánh

Với vụ ĐX năm nay ở TT- Huế, SX lúa gặp nhiều khó khăn do thời tiết khác thường nên bà con ở nhiều địa phương hy vọng nhiều hơn vào việc trồng nấm thương phẩm. Với đặc thù có hơn 1.200 ha lúa, xã Phú Lương có lợi thế về mặt nguyên liệu để SX nấm rơm. Sau khi gieo sạ xong, tranh thủ lúc nông nhàn, bà con bắt tay vào vụ trồng nấm bán trong dịp tết.

Toàn xã Phú Lương có hơn 400 hộ dân theo nghề nấm, tập trung tại thôn Lê Xá Đông với 200 hộ thì đã có hơn 90% theo nghề trồng nấm khoảng 20 năm nay. Các loại nấm mang lại giá trị kinh tế cao được người dân ở đây trồng chủ yếu là nấm sò, mộc nhĩ, rơm và linh chi.


Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phú Lương

Ông Phan Hiểu, thôn Lê Xá Đông, một hộ dân trồng nấm thành công nhiều năm qua cho biết: “Không như các địa phương khác, rơm rạ sau mùa vụ người ta mang đốt đi, còn ở Phú Lương thì… đi mua rơm về. Những năm trước, khi nghề trồng nấm chưa thịnh như bây giờ, bà con phải về các vùng Vinh Thanh, Vinh Hà thuê đất thêm để trồng lúa, giờ tranh thủ lúc nông nhàn đã có nghề trồng nấm “lận lưng”, không còn lo thiếu trước hụt sau”.

Hộ ông Hiểu trồng 4 vòm nấm rơm, 1 vòm với 500 bịch (phôi), thu được 50 kg nấm. Giá nấm hiện nay 100.000 đ/kg, với mỗi lứa thu hoạch, ông thu được 5 triệu/vòm. Theo ông Hiểu, lợi thế của việc trồng nấm là bà con có thể triển khai trồng quanh năm. Với nấm rơm một năm có thể làm 12 lứa, nếu đầu ra được ổn định thì người trồng sẽ có nguồn thu quanh năm.

Hiện nấm Phú Lương làm ra chủ yếu tiêu thụ ở các chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ngoài nấm rơm, nông dân ở Phú Lương còn bắt tay trồng các loại nấm khác như linh chi, sò, mộc nhĩ… phục vụ bán làm thực phẩm, dược liệu.

Ông Hồ Kiềm, một hộ làm nấm cho hay: “Thông qua công tác đạo tào nghề của HTX Phú Lương 1, bà con được học tìm hiểu về kỹ thuật trồng khá nhiều loại nấm. Cây nấm đã được biết đến mấy chục năm nay, nhưng chỉ vài năm trở lại đây mới thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trồng nấm lãi gấp 5 lần so với trồng lúa. Nguồn thu ổn định từ cây nấm đã giúp gia đình tui sắm sang thêm trong ngày tết, tạo công ăn việc làm bên cạnh việc làm lúa”.

Với 3 vòm nấm, sử dụng gần 10 tạ rơm là nguyên liệu có sẵn trong gia đình mình, ông Kiềm kiếm được nguồn thu cả trăm triệu đồng/năm. Không chỉ ở thôn Lê Xá Đông, mà nhiều thôn khác ở Phú Lương, bà con cũng đang có cái tết ấm hơn khi làng nấm đang bước vào vụ.

Được đào tạo nghề bài bản

Với người làm nấm ở Phú Lương, HTX Phú Lương 1 được xem như “bà đỡ” của nông dân. Với 200 hộ dân tham gia trồng nấm trong HTX, đơn vị đã góp phần giải quyết được hàng trăm lao động. Mỗi năm, HTX Phú Lương 1 xuất gần 25 tấn nấm các loại, thu hàng tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao tay nghề cho bà con nông dân cũng như mở rộng SX, trong những năm qua, hàng trăm hộ dân đã được đào tạo nghề trồng nấm làm thương phẩm và dược phẩm. Ông Hồ Viết Diệm, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Lương 1 cho biết: “Tháng 6/2011, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tiến hành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm linh chi, mộc nhĩ cho 40 hộ xã viên; năm 2012 mở lớp tập huấn cho 20 hộ dân về kỹ thuật trồng nấm sò… Qua các lớp tập huấn, nhìn chung, bà con nông dân đã nắm vững được kỹ thuật, biện pháp SX, phòng trừ sâu bệnh”.

“HTX Phú Lương 1 đang tiến hành lập thủ tục để được UBND tỉnh TT-Huế công nhận làng nghề trồng nấm rơm tại thôn Lê Xá Đông. Khi được công nhận sẽ tiến hành bàn giao cho chính quyền địa phương và thôn để quản lý”, ông Hồ Viết Diệm.

Ông Ngô Ngân, thôn Lê Xá Đông, một hộ trồng nấm được đào tạo nghề chia sẻ: “Trước đây bà con làm nấm chủ yếu phục vụ trong gia đình hay bán ở các chợ gần nhà nên sản phẩm chủ yếu là nấm rơm. Từ khi HTX đưa kỹ thuật trồng nấm đùi gà, linh chi, sò... về, bà con được học nghề, thực hành tại chỗ nên nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật ứng dụng ngay tại gia đình mình. Với các sản phẩm đa dạng hơn, nguồn thu của người trồng nấm được nâng cao rõ rệt!”.

Cũng như ông Ngân, nhiều hộ dân tâm sự họ đến với các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm không còn đến cho đủ giờ học để lấy 15.000 đồng như thực trạng đào tạo nghề ở các địa phương khác mà học nghề có hiệu quả, có nguồn thu cải thiện đời sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Hồ Viết, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Lương 1 thông tin: “Bên cạnh công tác đào tạo nghề, HTX đã tăng cường quảng bá thương hiệu sẵn có, đồng thời tổ chức thực hiện SX hiệu quả nấm ăn và nấm dược liệu; mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ KHKT trong nông nghiệp và phát triển mô hình nấm linh chi, mộc nhĩ, sò; nghiên cứu SX giống nấm để cung ứng cho các cơ sở”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.