| Hotline: 0983.970.780

Tòa xử chuyện chia... ruộng

Thứ Hai 25/07/2011 , 11:17 (GMT+7)

Năm 1987, anh Nguyễn Đình Toàn (tức Toèn) ở đội 12 thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), và chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Linh Thượng cùng xã đăng ký kết hôn tại UBND xã Vân Côn.

Năm 1987, anh Nguyễn Đình Toàn (tức Toèn) ở đội 12 thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), và chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Linh Thượng cùng xã đăng ký kết hôn tại UBND xã Vân Côn.

Năm 1988, vợ chồng Toàn - Dung vào Lâm Đồng chơi, nhưng sau đó chỉ có Toàn trở về, còn chị Dung ở lại nhà chị gái mình ở huyện Lâm Hà, và năm 1989 thì đến sống chung như vợ chồng với người đàn ông khác. Mấy năm sau, anh Toàn cũng đưa một người đàn bà khác ở cùng xã về sống chung như vợ chồng. Anh Toàn - chị Dung không làm đơn ly hôn.

Năm 1993, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ về giao ruộng lâu dài cho nông dân. Tại thôn Vân Côn, việc giao ruộng được tiến hành theo phương thức: Lấy thời điểm cuối năm 1992 làm mốc, ai không có mặt ở địa phương thì không được giao ruộng, dù có hộ khẩu ở thôn. Ông Lê Minh Đức, trưởng thôn Vân Côn, phụ trách việc giao ruộng ở thôn Vân Côn thời kỳ 1992 - 1993, xác nhận:

- Khi mới cưới, vợ chồng Toàn - Dung sống chung với bố mẹ, hộ ông Xương có 9 người. Lúc chia ruộng theo Nghị định 64, do chị Dung đã bỏ đi nên hộ ông Xương chỉ còn 8 người. Mỗi người được giao 384 m2 đất ruộng. Hộ ông Xương được giao 7 thửa, tổng số 3.107 m2 (thừa 35 m2 so với tiêu chuẩn). Sau đó, anh Toàn tách hộ. Hộ ông Xương chỉ còn 7 người và hộ anh Toàn 1 người.

Ông Nguyễn Đình Đơm, xóm trưởng phụ trách đội 12 từ năm 1995 đến năm 2003, người trực tiếp thu thuế nông nghiệp của đội 12 thời kỳ thuế nông nghiệp chưa được miễn giảm, cũng xác nhận đúng như vậy.

Đầu năm 2011, chị Dung từ Lâm Đồng về, làm đơn gửi TAND huyện Hoài Đức xin ly hôn với anh Toàn và kiện đòi…chia đất canh tác. Ngày 15/7/2011, TAND huyện Hoài Đức đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Hữu Huấn làm chủ tọa. Phần ly hôn nhanh chóng được tòa công nhận vì hai người đã “anh đường anh, tôi đường tôi” từ hơn 20 năm qua, và cả hai đều thuận tình. Nhưng đến phần đòi chia ruộng của nguyên đơn, thì cách nhìn nhận của HĐXX lại có những điều khá kỳ lạ.

Thứ nhất, tuy trong phần nhận định, HĐXX đã nói rất rõ ràng là thời kỳ tiến hành giao ruộng lâu dài cho nông dân thì “tiêu chuẩn ruộng của chị Dung không có, vì gia đình (ông Xương) chỉ có 8 khẩu”. Và tuy trước đó, tòa đã về địa phương xác minh tổng số diện tích đất ruộng của ông Xương, thấy đúng chỉ có 7 thửa như tài liệu do ông Lê Minh Đức cung cấp.

Nhưng chả hiểu sao, khi vào bản án, đất của ông Xương lại xuất hiện thêm 2 thửa nữa là thửa ở Gò Đất có diện tích 377 m2, thửa ở Đồng Bàn 199 m2, biến diện tích ruộng của hộ ông Xương từ 3.107 m2 thành 3.696 m2. Và từ chỗ khi chia ruộng lâu dài cho dân, anh Toàn đang là một thành viên trong hộ ông Xương, còn chị Dung thì “tiêu chuẩn ruộng không có”, bỗng biến thành “hộ anh Toàn, chị Dung sử dụng thửa Soi Bờ Đầm có diện tích 297 m2 (đo thực tế là 292,3 m2), thửa Sau Gáo 231 m2, đất chia thêm 116 m2, tổng cộng 644 m2".

Từ nhận định đó, HĐXX đã tuyên buộc anh Toàn phải chia cho chị Dung thửa đất Soi Bờ Đầm 292,3 m2, và phải trả cho chị Dung 4 triệu đồng tiền chênh lệch, do anh được nhận nhiều ruộng hơn. Đọc bản án, ông Lê Minh Đức vô cùng bức xúc:

- Cần phải phân biệt cho rõ ràng đất nông nghiệp qua 2 thời kỳ. Thời kỳ khoán 10 là từ năm 1992 trở về trước, và thời kỳ giao đất nông nghiệp lâu dài cho dân theo Nghị định 64, là từ năm 1993 trở đi. Giữa 2 thời kỳ này, diện tích và số thửa có sự biến động rất lớn. Hôm cùng với cán bộ địa chính thôn (ông Xê) dẫn người của Tòa đi xác minh đất của hộ ông Xương, tôi đã nói rõ hai thửa Gò Đất 377 m2, Đồng Bàn 199 m2 là đất giao khoán cho hộ ông Xương thời Khoán 10. Khi chia ruộng theo Nghị định 64, hai thửa đó không còn là của hộ ông Xương nữa. Thế mà Tòa vẫn cứ cố tình đưa vào, chắc là chỉ căn cứ theo lời khai của chị Dung.

Vợ chồng ông Xương cũng bức xúc không kém:

- Toàn chỉ được 384 m2 theo tiêu chuẩn. Cho vợ chồng nó 1 thửa thì không đủ 384 m2, mà cho 2 thửa thì thừa. Chả lẽ lại cắt ra mấy chục mét vuông. Thôi thì nội bộ gia đình, tôi cho cả 2 thửa. Nói “vợ chồng nó” là nói Toàn với người vợ sau chứ không phải là vợ chồng Toàn - Dung. Tòa xử vậy là không khách quan, là bắt oan con tôi phải chia ruộng cho người không có ruộng.

Ngay sau phiên tòa, anh Toàn đã có đơn chống án lên cấp phúc thẩm. Hy vọng trong phiên tòa tới, anh sẽ được hưởng sự công bằng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất