| Hotline: 0983.970.780

Tơi bời Quảng Nam

Thứ Ba 15/10/2013 , 22:12 (GMT+7)

Ở những địa phương phía bắc tỉnh, thường thì sau bão lũ sẽ kéo về, đây là mối lo lớn nhất của những người có trách nhiệm ở đây.

Sáng 15/10, bất chấp gió vẫn còn đang lồng lộn, hàng chục công nhân của nông trường Cao su Đức Phú vẫn “đội gió” dùng dây chằng chống, dựng lại những cây cao su bị bong gốc.

>> Xơ xác Hội An

Ông Dương Phú Tân - Giám đốc Nông trường cho biết, công nhân đang kiểm đếm số cây hư hại nên chưa có con số chính xác. Tuy nhiên, ước tính ít nhất có hơn 200ha trong tổng số 1.000ha cây cao su của nông trường bị ảnh hưởng nặng do bão gây ra. Trong đó có hàng chục ha trong độ tuổi khai thác. “Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là khắc phục hậu quả. Cây nào có thể cứu sống được thì triển khai dùng dây níu lại, còn bị đổ gãy thân cây thì chỉ có chặt làm củi”, ông Tân ngậm ngùi nói.


Bộ trưởng Cao Đức Phát đi kiểm tra thiệt hại do bão tại Hội An-Quảng Nam

May quá, hơn 10 giờ thì đường thông, xe chạy. Quốc lộ 1 vắng đến ngạc nhiên, chỉ vài chiếc xe khách hối hả chạy ra, còn xe đi vào thì tịnh, không có lấy 1 chiếc. Nghe ra thì biết xe chạy tuyến Bắc-Nam bị ùn đến hàng ngàn chiếc bên kia đèo Hải Vân để tránh bão. Cả xe máy, năm thì mười họa mới thấy 1 chiếc phóng vèo vèo, ra vẻ sợ bão ghê lắm.

Mặc dù tuyến đường Nam TP Tam Kỳ đã thông, nhưng nhiều tuyến đường thảm nhựa về các thôn Phú Đông, Tân Phú (xã Tam Phú-TP Tam Kỳ) cây đổ ngã ngổn ngang nhưng việc khắc phục gặp khó khăn do số lượng cây nhiều và người dân thiếu phương tiện cưa cắt. Đường từ các địa phương này lên nội thị Tam Kỳ vẫn bị tắc đến hết trưa.

Thống kê ban đầu, xã Tam Phú bị bão số 11 làm tốc 122 mái nhà, 3 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 40 ghe thuyền đánh bắt của ngư dân bị đắm và hư hại. Ngoài ra, có khoảng 3ha tôm nuôi của 9 hộ dân cũng bị cuốn theo dòng nước. Bên cạnh đó, dù nằm ở vị trí đầu gió nhưng nhờ chủ động ứng phó, chằng chống nhà cửa trước khi bão đến xã Tam Thanh không bị thiệt hại là mấy.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, toàn xã chỉ có hơn 80 ngôi nhà bị tốc mái một phần và 14 nhà tốc mái toàn bộ.


Nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam bị bão phá tan hoang.


Cây trong vườn bị trốc gốc, ngã đè lên nhà.

Con số thiệt hại ban đầu ở huyện Tiên Phước rất lớn: 3 người dân bị thương, 30 ngôi nhà bị sập, hơn 1.500 ngôi nhà bị tốc mái. Ngầm sông Tiên bị hư hỏng hoàn toàn, trạm y tế xã Tiên Lãnh bị sập gây hư hại 100%, toàn bộ thuốc men bị ướt, hỏng, hiện không có chỗ để cấp cứu ban đầu cho người dân của xã Tiên Lãnh; trạm y tế các xã Tiên Sơn, Tiên Thọ, Tiên Hà bị hư hỏng tường rào, bay mái tôn.

Toàn huyện có 10 ngôi trường bị tốc mái 50%, điểm giết mổ gia súc tập trung của huyện bị tốc mái 50%; 218 đập bổi, đập thời vụ và hơn 22 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp. Đặc biệt, những khu vườn có giá trị kinh tế cao của người dân như: Hơn 2.200 ha keo, hơn 2.000 cây cau, 2.500 cây lòn bon, gần 7.000 cây dó bầu, 1.200 choái tiêu, hơn 60.000 cây chuối… đều bị gãy, đổ, trốc gốc. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 120 tỷ đồng.

Ở những địa phương phía bắc tỉnh, thường thì sau bão lũ sẽ kéo về, đây là mối lo lớn nhất của những người có trách nhiệm ở đây.

Ví như ở huyện Đại Lộc, ông Phạm Thúy, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho hay, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song bão số 11 đã làm tốc mái, khiến hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng, cây cối gãy đổ la liệt. Mạng viễn thông bị ảnh hưởng làm cho thông tin liên lạc chập chờn, một số trụ ăng ten thu sóng Viettel ngã đổ. 

Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, công sở… bị hư hỏng. Khoảng 600ha chuối bị ngã đổ, hư hại. Đài truyền thanh-truyền hình huyện này cũng bị bão làm ngã sập trụ ăng ten cao 40m. Các thiết bị ăng ten phát hình và sóng phát thanh FM hư hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại 1 tỷ đồng. Các trạm truyền thanh cơ sở bị đứt 15km dây, 1 trụ ăng ten tại xã Đại Hồng ngã đổ, 85 loa phát thanh và 35 bộ thu FM hư hỏng có giá trị khoảng 400 triệu đồng.

Bà Trương Thị Tám (thôn Mỹ Liên) than trong nước mắt: “Nửa đêm, mấy tấm tôn trên mái nhà bị bão xé toang, cuốn bay mất tăm. Tui sống đơn chiếc, tiền đâu mua tôn lắp lại mà ở”.

Tại các vùng trồng chuối nổi tiếng của thị trấn Ái Nghĩa, nhiều nông dân thẫn thờ đứng nhìn những vườn chuối nằm bẹp.

Nước mắt lưng tròng đứng nhìn vườn chuối gần 1 ha của mình nằm la liệt dưới nước, lão nông Dương Văn Bảo, nói: “Cây to cây nhỏ ngã trọi lỏi. Thời gian tới đây, vợ chồng tui lấy chi bán kiếm tiền để nuôi con đang ăn học”.

Bão vừa đi qua, người dân Đại Lộc đang đối mặt với lũ lụt. Mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đo được là 8,61m, sẽ vượt báo động 3 ngay trong đêm nay. 

Chiều 15/10, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã đến thăm và tặng quà hỗ trợ cho gia đình ông Trương Chạy ở thôn Triêm Đông 1, đây là nạn nhân bị bão làm sập xưởng gây thiệt mạng trong cơn bão vừa qua. Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã đi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại do cơn bão số 11 tại huyện Đại Lộc và chỉ đạo cho địa phương này chuẩn bị đối phó với lũ lụt.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.