| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi đám cưới… không mời

Thứ Tư 20/01/2010 , 11:51 (GMT+7)

Không một cánh thiệp hồng, khách khứa trong làng “nghe” có đám cưới là đến ăn, khách và gia chủ có khi… không biết mặt!

Ảnh minh họa

Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 km, thôn Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tồn tại một tục cưới khá lạ mà ai mới nghe lần  đầu đều lắc đầu bán tín bán nghi. Không một cánh thiệp hồng, khách khứa trong làng “nghe” có đám cưới là đến ăn, khách và gia chủ có khi… không biết mặt! 

Thoạt nghe như chuyện bịa nhưng đây lại là tục lệ lâu đời của làng Phúc Lâm. Mới đầu, nghe anh bạn kể tôi cũng nửa tin nửa ngờ nhưng khi về tận Phúc Lâm để “đi đám cưới không mới” tôi mới biết đó là sự thật. 

Gia chủ… không biết mặt khách 

Chơi với Hùng từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học nhưng đây là lần đầu tiên tôi về Phúc Lâm, nhà Hùng chơi. Cuối năm, cái thôn rộng lớn với hơn 1000 hộ dân này diễn ra thật nhiều đám cưới. Tiếng nhạc xập xình đến khuya nghe đến đinh tai. Ồn ào nhưng cảm giác cưới ở quê vẫn thật ấm cúng và vui nhộn. Đêm, lạ nhà lại thêm tiếng cười nói rôm rả suốt đêm của những người dọn mâm cỗ ngay gần nhà Hùng nên tôi không sao ngủ được. Gần sáng, khi vừa chợp mắt tôi đã bị ông bạn dựng ngược lên: “Dậy, dậy đi ăn cỗ ông ơi. Làng người ta đi hết rồi”. Nhìn đồng hồ mới hơn 5h sáng, ngoài trời vẫn còn nhá nhem, tôi thắc mắc: Cỗ gì giờ này, ông mơ ngủ à?. “Có ông mơ ngủ ấy, dậy mà xem, người ta đi rầm rập kìa. Hôm nay thôn nhiều đám cưới quá, bố mẹ tôi mỗi người đi một đám, giờ tôi phải đi đám này”, Hùng giục.

Vơ vội cái áo, ngó ra đầu ngõ, lời Hùng nói chẳng sai. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng xôn xao bởi tiếng í ới gọi nhau đi ăn cỗ. Người đi vui như trẩy hội. Tôi là khách của Hùng, chẳng ai mời, tự dưng “vác bụng” đi ăn thấy thật buồn cười nên tôi tìm cách thoái thác. Tuy nhiên, Hùng giải thích: “Ở đây chẳng ai mời cả. Cứ nhà nào trong thôn có cỗ cưới biết vậy sáng sớm tinh mơ là kéo nhau…đi đánh chén. Bây giờ người ta đi ăn cỗ muộn đấy, trước đây 4h sáng mọi người đã đi ăn rồi. Vì là làng nhiều “dân chợ” mà, ăn cỗ sớm cho kịp buổi chợ”. Sợ Hùng muộn mất bữa cỗ cưới, nên tôi cũng chẳng thắc mắc nữa, hai đứa vội vàng chạy ra ngõ để “nhập môn” cùng người thôn đi dự đám cưới… không mời. 

6 sáng, nhà đám đã chuẩn bị cỗ bàn tinh tươm. Cả sân bãi rộng ước chừng hơn trăm mâm cỗ thì quá nửa đã có người ngồi chén tạc chén thù, chúc rượu huyên náo. Thấy tôi, một bác gái trung tuổi ăn vận áo dài, chắc là mẹ chú rể chạy lại tay bắt mặt mừng: “Mời cháu vào nhà xơi nước, rồi ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình”. Hùng nói vài câu chúc tụng rồi kéo tuột tôi vào bàn uống nước rỉ tai tôi: “Toàn người làng cả chứ chẳng phải họ hàng thân thiết gì đâu. Người quý nhau đến góp vui thôi. Thế nên trường hợp gia chủ không biết mặt khách là… chuyện thường. Đừng ngại, tôi đi lâu rồi, nhà chủ có biết tôi là ai nữa đâu”. Sau lời động viên của Hùng, chúng tôi chọn lấy một cỗ và cùng với người thôn đánh chén ngon lành. Tuyệt nhiên chẳng ai hỏi tôi từ đâu tới. Câu chuyện bên mâm cỗ chỉ toàn những lời tấm tắc khen cỗ ngon.

 "Tục lệ từ xa xưa"

Đang dở bữa, một người trong mâm chúng tôi đứng dậy, chạy vội qua nhà bên cạnh, ít phút sau xách về nồi cơm to tướng. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Minh ngồi cạnh tôi giải thích: “Tục làng này là thế. Mỗi nhà xung quanh sẽ lấy gạo nhà mình thổi cơm hộ. Khi nào đi ăn cỗ, mang cơm chín đến. Việc hàng xóm cũng lo như việc của nhà mình vậy. Chắc cậu không phải người làng này rồi”.

Cũng theo bác Minh, cỗ bàn được chuẩn bị chu đáo từ sớm là nhờ sự giúp sức của cả một đội quân gồm anh em, họ hàng, hàng xóm thân quen, có khi đến hai ba chục người. Đội quân này cũng đồng thời là những người chuyên lo… chạy cỗ. “Đám cưới ở đây được cái nhàn hơn các nơi khác khoản mời mọc. Gia chủ chỉ phải mời “khách thiên hạ” thôi (nghĩa là người ngoài thôn Phúc Lâm). Còn người trong làng, người này rỉ tai người khác, rồi cứ đúng ngày cưới dân làng kéo nhau đến”. Cũng vì lượng khách khá tù mù nên chuyện tính mâm, tính cỗ gia chủ chỉ… áng chừng. Thế nên mới có chuyện nhiều gia đình gặp phải phen dở khóc dở cười vì lo… chạy cỗ. 

Bác Dư Văn Phú, mới tổ chức đám cưới cho con trai tuần trước kể: “Nhà tôi hôm đó dự tính thế nào mà thiếu đến gần chục mâm. Gần 20 người làm giúp được phen chạy tất tả. Người đi chợ mua thịt, người chạy ngược chạy xuôi lo làm thức ăn, mấy bà con trong xóm đến mừng cũng được huy động vào đội quân… chạy cỗ. Dẫu vậy, không may thiếu, khách cũng chẳng ai trách cứ điều gì vì tục của làng là vậy và thiếu là…chuyện thường”.  

Ông Nguyễn Hữu Tân, (63 tuổi) trưởng cụm dân cư số 6, thôn Phúc Lâm rất tự hào khi nói về tục lệ đám cưới không mời thôn mình. Ông Tân nói rằng: “Đây là tục lệ có từ xa xưa. Tôi nhớ rõ nhất là thời còn có pháo. Sáng sớm, nhà có đám cưới đốt một tràng pháo dài, nghĩa là thông báo cỗ đã bày dọn xong, mời người thôn đến ăn”. Bác cười hóm hỉnh: “Phải tự hào chứ, hiếm có ngôi làng nào cỗ “to” như thôn Phúc Lâm này. Có đám lên tới 200 mâm. Cả làng mà có đám cưới là vui như Tết. Nhiều người còn nghỉ chợ để đến góp vui cùng nhà đám”. 

Cũng theo ông Tân, con gái đất này lấy chồng cũng không có chuyện thách cưới hay đòi hỏi gì. Càng không có chuyện đám cưới “thương mại” hay “bán cỗ ăn tiền”. “Nhiều nơi đi ăn cỗ theo kiểu trả nợ, làng này thì không. Ai biết thì đến, chẳng cần mời mọc khách sáo, ai không đến gia chủ cũng chẳng trách. Người trong thôn đến với nhau vì cái tình. Có lẽ cũng nhờ cái tục này mà người dân làng Phúc Lâm đoàn kết lắm. Chẳng mấy khi có chuyện cãi cọ hay xô xát với nhau”. Ông Tân kể rằng, ngày ông dựng vợ gả chồng cho các con nhà chẳng có lấy một xu thế nhưng người làng Phúc Lâm mỗi người ra tay lo cho một khoản…thế là xong việc.

Xã Phúc Lâm có 4 thôn, với 1800 hộ, riêng thôn Phúc Lâm chiếm đến 1000 hộ. Điều đặc biệt là ba thôn còn lại không có phong tục “đám cưới không mời”, chỉ riêng Phúc Lâm mới có tục đó. Chẳng ai giải thích vì sao lại có sự khác biệt này. Khi trong thôn có cưới hỏi người thôn Phúc Lâm cứ đến ăn cỗ và chúc mừng như những người anh em họ hàng dù trên thực tế họ chẳng họ hàng dây mơ rễ má gì với nhau. Riêng ba thôn còn lại, nếu đến thôn Phúc Lâm dự đám cưới chắc chắn họ phải có thiệp mời bởi họ được xem là “khách thiên hạ”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ xã Phúc Lâm nói rằng: Đây là một tập tục văn hoá có từ xưa và rất đáng được trân trọng. Người trong thôn vì vậy luôn đoàn kết giúp đỡ nhau. Ông Tân cũng giải thích cho sự đoàn kết của người làng mình tương tự: “Ngồi cùng mâm, cùng cỗ với nhau, nhìn nhau suốt ngày nên đoàn kết là đương nhiên rồi. Người làng cả, ai nhỡ cãi cọ nhau lúc ngồi cỗ cũng…bỏ qua hết”.

Rời Phúc Lâm tôi vẫn nhớ mãi không khí đám cưới không mời. Nhớ đến hình ảnh nhiều khách ăn xong lại cùng gia chủ dọn dẹp, xong đâu vào đấy mới ra về. Thật hiếm có nơi nào tình làng nghĩa xóm lại được xem trọng như vậy.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Điểm danh' những mỏ lộ thiên cần tăng cường phòng chống mưa bão

QUẢNG NINH Các đơn vị của TKV đang rà soát kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024, xác định vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.