| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi thả thú về rừng

Thứ Tư 26/05/2010 , 10:17 (GMT+7)

Ba rưỡi sáng, tôi đã có mặt ở ngã tư An Sương để bắt đầu hành trình dài 400 cây số mang thả những con thú hoang dã về rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau...

Động vật hoang dã ở Việt Nam đang ngày một ít đi. Chúng đang phải đấu tranh một cách tuyệt vọng với ô nhiễm, với thu hẹp môi trường sống và với những kẻ chuyên săn bắt trái phép để tồn tại… 

Hết lòng vì những con thú 

Nếu không có những can thiệp kịp thời, danh sách những loài động vật hoang dã quí hiếm bị tuyệt chủng sẽ dài thêm. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở phía Nam được thành lập tại Củ Chi (TP. HCM) nhằm cứu hộ hàng ngàn con động vật hoang dã quí hiếm các loại bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ từ những kẻ săn bắt trái phép chuyển về. Chuyến đi thả thú về rừng U Minh Hạ của Chi cục Kiểm lâm TP. HCM và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã mà tôi được tham gia cho thấy một con thú từ khi bị bắt đến khi được thả về rừng là cả một quá trình lâu dài, tốn kém không ít tiền bạc, công sức, thời gian. 

Ba rưỡi sáng, tôi đã có mặt ở ngã tư An Sương để bắt đầu hành trình dài 400 cây số mang thả những con thú hoang dã về rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Mấy ngày trước, tôi được Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM gọi điện thoại thông báo ngày giờ kèm theo lời cảnh báo “Đi xa, vất vả lắm đấy nha”.

Vừa yên vị trên xe tôi đã được anh Lê Xuân Lâm - Giám đốc Trung tâm cho biết chuyến đi này có tổng cộng 46 cá thể động vật hoang dã được mang thả về rừng U Minh Hạ. Trong đó có những loại nằm trong sách đỏ, nhiều nguy cơ tuyệt chủng như rắn hổ mang chúa, tê tê, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa cổ bự, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, kỳ đà hoa... Số động vật này ngoài 4 con tê tê do Cảnh sát Môi trường tỉnh Long An chuyển giao, còn lại do Chi cục Kiểm lâm TP. HCM thu giữ từ những kẻ chuyên săn bắt trái phép. “Do được chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật nên tụi nó hồi phục tương đối nhanh. Sau thời gian từ bốn đến sáu tháng là có thể đưa chúng trở lại môi trường tự nhiên được”, bác sĩ thú y Nguyễn Thành Thái cho biết.

Quá trưa đoàn xe mới đến bến phà Vàm Cống nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang. Trời vẫn nắng như đổ lửa.

Hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới về đến Chi cục Kiểm lâm Cà Mau. Trời vẫn nắng như đổ lửa, mọi người ai cũng bơ phờ sau một ngày dài rong ruổi. Chi cục trưởng Kiểm lâm Cà Mau Nguyễn Văn Của đón chúng tôi bằng nét mặt hồ hởi và những cái bắt tay thật chặt. Trong lúc chuyển thú xuống xe, lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt, nhìn thật gần những chú rùa, ba ba, cua đinh to tướng nhưng hiền lành nằm im trong những thau nhựa lớn; những con tê tê cuộn tròn trong bao lưới; con cầy hương duy nhất được nhốt trong lồng song sắt, nó liên tục nhe nanh gầm gừ. Riêng rắn hổ các loại được nhốt trong bao lưới, cột kỹ đặt trong một thùng gỗ chắc chắn nên tôi không nhìn thấy được. 

Hú vía với hổ mang chúa 

Năm giờ sáng, chúng tôi thức dậy và bắt đầu hành trình cuối cùng hơn 30 km nữa để tới rừng U Minh Hạ, nơi những con thú sẽ được phóng thích. Thành phố Cà Mau vào buổi sáng khá yên bình, rất ít tiếng động cơ xe các loại gầm rú như ở Sài Gòn hay Hà Nội.

Đến khu vực rừng nguyên sinh U Minh Hạ, chúng tôi phải xuống xe đi bộ hơn một cây số nữa mới đến được điểm thả thú. Sau lời phát biểu nhanh của đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau, những con thú bắt đầu được thả ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Những chú rùa, ba ba, cua đinh vì hiền lành, chậm chạp nên được nhiều người theo “tiễn” xuống tận mép nước. Hơn chục con tê tê cứ cuộn tròn không chịu đi, mọi người phải mang từng con thả vào những bụi rậm mới thấy chúng chậm chạp chuyển mình. Còn con cầy hương cứ liên tục gầm gừ, nhe nanh chực táp cánh tay của anh Tú, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm cứu hộ  khi anh lại mở cửa lồng cho nó ra, cánh cửa sắt vừa mở ra nó đã “vọt” rất nhanh, biến mất dạng vào lùm cây.

Vườn quốc gia U Minh Hạ hiện có 32 loài thú, 74 loài chim, 11 loài lưỡng cư, 36 loài bò sát, đặc biệt có những loài quí hiếm nằm trong sách đỏ như rái cá lông mũi, rắn hổ mang chúa, trăn gấm, rùa răng, diệc lửa… “Chúng tôi rất biết ơn Chi cục Kiểm lâm và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã TPHCM đã góp phần làm phong phú thêm hệ động vật tại U Minh Hạ. Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng

Những con rắn hổ được thả sau cùng. Anh Tú yêu cầu mọi người đứng cách xa 20 mét. Riêng tôi, vì muốn có những hình ảnh sinh động của con hổ mang nặng 4 ký trườn mình ra khỏi chiếc bao lưới nên bám theo. Khi con rắn hổ chúa vừa chui đầu ra, nó bất ngờ quay lại phía chúng tôi, dựng đứng và giương bành rồi phì những tiếng nghe đến rợn gai ốc... Do lần đầu tiên chứng kiến, quá bất ngờ, tôi không kịp nghĩ gì vội lùi lại, vướng chân vào mấy sợi dây rừng, té chỏng vó. May mắn anh Tú dày dạn kinh nghiệm trong việc này đã nhanh tay cầm cây gậy hướng nó quay vào phía rừng. Mọi người thở phào.

Trăn trở 

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã được thành lập từ năm 2006 với diện tích hơn 4000m2 đặt tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM 45 km. Vốn đầu tư ban đầu hơn 51.000 USD. Chi Cục Kiểm Lâm TPHCM là đơn vị chịu trách nhiệm về pháp lý của Trung tâm. Tổ chức phi lợi nhuận Wildlife At Risk (WAR) của Mỹ tài trợ kinh phí. Ngoài 10 nhân viên có kinh nghịêm trong từng lĩnh vực do WAR tuyển chọn còn có những tình nguyện viên người Việt Nam, người nước ngoài tham gia hoạt động. Trung tâm tiếp nhận các loài động vật hoang dã bị săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép từ Chi cục kiểm lâm các tỉnh thành phía Nam chuyển về để chăm sóc và điều trị vết thương.

Hiện Trung tâm đang còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư. Mặc dù đã xây dựng được phòng khám thú y theo tiêu chuẩn quốc tế với những thiết bị hiện đại như phòng cách ly, phòng mổ, máy siêu âm… Nhưng vẫn chưa đủ kinh phí để làm những xét nghiệm sâu hay những phân tích tại chỗ. Việc thả thú về tự nhiên cũng không đơn giản từ các thủ tục pháp lý đến chi phí. Hiện Trung tâm vẫn phải thuê xe bên ngoài cho các hoạt động tiếp nhận, thả thú về tự nhiên. Do vấn đề kinh phí nên các hoạt động theo dõi sau thả chưa thực hiện được.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.