| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi tìm mộ em trai

Thứ Hai 29/11/2010 , 10:40 (GMT+7)

Sau đúng 35 năm lặn lội, với hàng chục lần vào Nam ra Bắc, ông Phí Văn Kỷ (hiện ngụ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Phí Văn Cương, em trai ông.

Sau đúng 35 năm lặn lội, với hàng chục lần vào Nam ra Bắc, qua cả chục tỉnh, gia đình ông Phí Văn Kỷ (hiện ngụ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Phí Văn Cương, em trai ông. Tìm đến NNVN với niềm xúc động khôn tả, ông đã kể cho PV nghe về cuộc tìm kiếm cảm động này.

Em hy sinh ở chiến trường nào?

Gia đình tôi vốn gốc ở huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trước Cách mạng tháng Tám, bố tôi tham gia cách mạng rồi được cấp trên cử lên hoạt động ở miền núi, cụ là một trong bốn chiến sỹ cộng sản đã thành lập nên Chi bộ cộng sản đầu tiên ở xã Văn Lung, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (nay xã Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ).

 Văn Lung cũng chính là quê ngoại tôi. Khi hoạt động cách mạng, bố tôi đã gặp mẹ tôi và nên duyên chồng vợ. Hai cụ sinh được 6 người con. Tôi là cả, tiếp theo là 5 em Phí Văn Cương, Phí Thị Kim, Phí Văn An, Phí Văn Nhàn, Phí Thị Sen. Em Cương tôi sinh năm 1947. Tháng 3/1967, vừa tròn 20 tuổi thì em tôi nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam…

Hai tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi nhận được giấy báo tử đề ngày 1/6/1975, báo tin em tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được công nhận là liệt sỹ. Không gì có thể so sánh được với nỗi đau đớn của gia đình tôi khi nhận được tờ báo tử đó. Nhưng trong nỗi đau đớn tột cùng ấy, gia đình tôi cũng có được một niềm an ủi, đó là sau bao nhiêu năm chia cắt, giờ đây non sông đã liền một dải, đất nước đã sạch bóng ngoại xâm, trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chống kẻ thù hung ác nhất hành tinh ấy, có sự đóng góp của em tôi.

 Và cũng ngay từ ngày ấy, bố mẹ tôi cũng như tất cả anh em tôi đều có chung một nguyện vọng, là tìm được nơi em tôi đã hy sinh, đưa được hài cốt của em tôi về quê cha đất tổ. Em tôi hy sinh ở đâu? Phần mộ nằm ở nghĩa trang nào hay được mai táng ở chỗ nào? Giấy báo tử chỉ ghi em tôi là thượng sỹ, tiểu đội trưởng thuộc KB, và nơi mai táng là “gần mặt trận”.

Miền Nam rộng mênh mông, suốt mấy chục năm trời, từ phía nam cầu Hiền Lương đến tận mũi Cà Mau, đâu chả là mặt trận? Chỉ cần biết Cương hy sinh ở tỉnh nào thôi, thì anh em tôi sẽ dò tìm đến tận hang cùng ngõ hẻm của tỉnh đó mà tìm. Câu hỏi: "Cương hy sinh ở đâu?", đã day dứt không chỉ với song thân mà còn đối với tất cả anh em chúng tôi.

Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì biên giới phía Nam, rồi biên giới phía Bắc lại ngút trời khói lửa bởi giặc ngoại xâm. Những năm 80 (TK 20), đất nước vô cùng khó khăn, việc đi lại đầy vất vả, nhưng anh em tôi không nản chí, nghe bất cứ manh mối nào, chúng tôi cũng tìm đến. Nhưng kết quả vẫn là bóng chim tăm cá. Năm 1993, tôi vào Nam, đi mấy tỉnh nhưng không có được bất cứ một thông tin nào.

Năm 1997, nghe được một thông tin, ba em An, Nhàn, Sen của tôi cơm đùm cơm nắm đi Bình Phước, nhưng đi không rồi lại về không. Lúc này, bố tôi đã yếu lắm, đau ốm liên miên. Năm 1999, bố tôi mất ở tuổi 84, lời cuối cùng của cụ trước lúc đi xa là “các con hãy cố gắng, bằng mọi cách phải tìm được hài cốt của Cương đưa về…”.

Năm 2003, em tôi là Phí Văn Nhàn tìm đến một “nhà ngoại cảm” nhờ giúp đỡ. Nhà ngoại cảm này quả quyết rằng em tôi hy sinh ở Bình Phước, ba em tôi là An, Nhàn, Sen lại đi Bình Phước lần thứ hai. Còn tôi, tôi quyết định đăng tin tìm mộ em trai trên báo Cựu Chiến binh, với hy vọng là những dòng tin ấy đến được với đồng đội của em tôi còn sống, và họ sẽ mách bảo thông tin chính xấc về nơi em tôi đã ngã xuống.

Báo đăng được mấy ngày, thì 22 giờ đêm tôi nhận được một cú điện thoại. Người đầu dây tự xưng tên là Đặng Đức Phu, cựu chiến binh, quê ở Hải Dương, hiện đang ngụ tại 26B/88 khu phố 13 phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Anh Phu nói anh cùng đơn vị chiến đấu với em tôi. Ghi lại địa chỉ của anh xong, tôi lập tức thông báo qua điện thoại cho ba người em lúc đó đang lặn lội dò tìm ở Bình Phước.

Các em tôi tìm đến nhà anh Phu, được anh cho biết, anh là Bí thư chi bộ của đơn vị trong đó có em tôi, là người đã kết nạp em tôi vào Đảng. Nhưng rồi sau năm 1968 anh được ra Bắc học tập ở Hà Nội, và cũng chỉ nghe tin tháng 9/1969 em tôi bị thương ở vùng biên giới Tây Ninh, được đưa vào bệnh viện và đã hy sinh ở bệnh viện. Những thông tin đó thật quý giá đối với anh em tôi, nhưng vẫn chưa phải là chính xác.

Và những câu hỏi lại vẫn cứ day dứt. Bệnh viện mà em tôi được đưa vào là bệnh viện nào? Bệnh viện dân sự thì dứt khoát không phải rồi, vì các bệnh viện đó đều nằm trong vùng địch kiểm soát, lúc đó quân ta vẫn phải đóng trong rừng. Còn bệnh viện dã chiến của quân ta, cũng đóng trong rừng, thì nay ở đây vài tháng sau có khi đã phải chuyển nơi khác.

Anh Vy bị bệnh, lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc nhớ, anh đã cung cấp cho chúng tôi một thông tin vô cùng quý giá, đó là em tôi hy sinh ở xóm Mía, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến đây, thì câu hỏi đã khiến anh em tôi day dứt suốt chừng ấy năm đã được giải đáp.
Năm 2007, tôi vào nhà anh Phu, cũng không được thêm thông tin gì, ngoài một tờ giấy xác nhận của anh: Phí Văn Cương sinh năm 1949 (thực ra thì em tôi sinh năm 1947) vào chiến trường miền Nam tháng 3/1968, được biên chế vào trung đội thông tin trinh sát của tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 1 Bình Giã, sư đoàn 9.

Chúng tôi đã tìm đến các đơn vị theo sự cung cấp của anh Phu, nhưng do chiến tranh, giấy tờ sổ sách mất mát nhiều. Những người chỉ huy, người thì hy sinh, người đã phục viên, người thì chuyển sang ngành khác…nên cũng chẳng thể biết được gì hơn. Cũng trong năm này, chúng tôi nhận được một thông tin, là ở Lâm Thao có một người cùng đơn vị với em tôi là anh Kháng. Nghe nói anh Kháng có giữ một số di vật của em tôi nhưng không hiểu sao từ sau khi phục viên đến tận lúc đó anh vẫn không tìm đến với chúng tôi.

 Chúng tôi đã tìm được nhà anh Kháng, nhưng đến nhà rất nhiều lần vẫn không sao gặp được. Tôi không hiểu anh cố tình không gặp hay vì những lý do gì khác nữa. Rồi lần mò, chúng tôi tìm được một người thứ hai cũng cùng đơn vị với Cương, đó là anh Nguyễn Thái Vy ở huyện Sông Thao cùng tỉnh Phú Thọ. Anh Vy bị bệnh, lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc nhớ, anh đã cung cấp cho chúng tôi một thông tin vô cùng quý giá, đó là em tôi hy sinh ở xóm Mía, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến đây, thì câu hỏi đã khiến anh em tôi day dứt suốt chừng ấy năm đã được giải đáp. (Còn nữa).

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất