| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi viết 'anh Bá, anh Tùy ơi...'

Thứ Sáu 20/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Phủ Quỳ, vùng đất đỏ bazan miền Tây Nghệ An, không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

10-03-14_img_1342
Nhà báo Quang Ngọc

Năm 1968, Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, trường cấp 3 Nam Đàn 1 sơ tán về đây, lớp học thì dựng lán bìa rừng còn học sinh được ở trong các gia đình công nhân. Và tại đây tôi mới thấy củ sắn trồng trên đất bazan căng tròn mũm mĩm to gấp đôi, gấp 3 so với củ sắn ở quê...

Lúc ấy mặc dù được nhà nước cấp cho 10kg gạo mỗi tháng nhưng sắn luộc, sắn nướng, sắn làm bánh đa, sắn nấu bánh canh… mới giúp tôi biết thế nào là ăn no, ao ước “lão Hạc” đốt cháy trong tôi thành hiện thực. Năm 1971, khi đang học năm thứ 1 Đại học Sư phạm Vinh, chúng tôi lại về nông trường Cờ Đỏ làm cỏ cam 1 tháng.

Giáp tết, giá rét căm căm, chúng tôi vác cuốc ra vườn cam vàng rực lúc lỉu quả ăn cam thi, phần lớn chỉ ăn đến quả thứ 2, 3 là đã run lập cập, ấy vậy mà bạn T, quê Quảng Xương, Thanh Hóa chỉ bỏ dở khi gọt đến quả thứ 8. Đói ăn cam, khát uống cam, rửa tay bằng cam và khi về rửa cuốc xẻng cũng bằng… cam.

Vì vậy khi Tổng Biên tập Lê Nam Sơn gợi ý "Ông về quê viết cái gì đấy giúp quê hương phát triển", thì tôi nhận lời ngay, kèm thêm một xếp giấy giới thiệu và hợp đồng "khống", nhiệm vụ của Phó Tổng Biên tập Phí Văn Điển giao để ký hợp đồng cho cuốn "Tiếp thị Nông nghiệp-CNTP", ấn phẩm riêng của chi nhánh tại TP.HCM.

Từ Vinh tôi mượn xe máy theo QL46 qua Nam Đàn, Thanh Chương đến Đô Lương lại theo QL15 qua Tân Kỳ tới non trưa thì đến Nghĩa Đàn. Ngày ấy chỉ đoạn đường từ Vinh lên thị trấn Nam Đàn được rải nhựa, còn lại đều đất đỏ.

Tới thị trấn Thái Hòa ghé vào TCty Rau quả thấy cờ hoa sáng rực, bảo vệ ngăn lại - Hôm nay cơ quan có đoàn khách đặc biệt không tiếp ai cả, tôi phóng thẳng về đội 3 Nông trường 19/5, nơi tôi sơ tán trước đây.

Qua xã Nghĩa Quang vượt qua trạm kiểm soát chẳng thấy ai hỏi gì nhưng phía ngược lại thấy có mấy xe đạp thồ chở sắn, bầu bí bị ngăn lại. Đi một đoạn lại đến trạm kiểm soát xã Nghĩa Lâm, cảnh tượng cũng y chang như trạm dưới.

Đội 3, “gái nông trường như rương không khóa” đây rồi. Quang cảnh gần 30 năm đã có nhiều thay đổi nhưng tôi vẫn nhận ra, lô cao su xen với cà phê chè dọc quốc lộ 15 đã được trồng cam nhưng không phải cam 2 lòng Javen cũ mà giống mới nghe đâu của chính nông trường lai tạo từ nguồn gen của Trạm NC Rau quả Xuân Mai.

Lô sắn trước mặt đội 3, nơi chúng tôi vô tư “mót”, cũng đã không còn. Khu gia đình công nhân đã chuyển ra ngoài mé quốc lộ, con suối chúng tôi thường rửa sắn vẫn róc rách.

Nông trường bộ 19/5 nằm trên quả đồi thấp, trước mặt là ao cá Bác Hồ rộng rinh, nước trong xanh. Phía bên kia ao là nhà máy chế biến cà phê im lìm.

Gọi là nhà máy nhưng thực ra chỉ là một xưởng chế biến theo công nghệ ướt, chúng tôi thường mò xuống bậc xi măng, nơi dòng nước xát vỏ thoát ra mót những hạt cà phê bị nước cuốn theo.

Nông trường bộ có 3 - 4 nhà cấp 4 dàn thành 1 hàng, vách ván gỗ, tấm lợp fibro, lưa thưa mấy cán bộ. Khi thấy 2 người đang trầm tư ngồi uống trà khan với nhau ở salon bằng gỗ thanh sơ sài tôi tưởng bảo vệ nên hỏi thăm không ngờ lại gặp luôn cả giám đốc và phó giám đốc. Sau đây là bản ghi âm theo trí nhớ.

- Thế nhà báo đi theo đoàn của Tổng Bí thư à?

- Không, tôi tự đi một mình từ Vinh lên.

- Thế ai định hướng cho mà viết?

- Cứ đi vậy thôi, gặp gì viết nấy.

- Thế tính viết khen hay viết chê?

- Thấy hay thì khen, thấy dở thì chê, thấy không hợp lý thì nêu vấn đề, kiểu gì cũng viết được.

Sau mấy lời xã giao thì vị giám đốc mở lòng: "Tôi cũng quê Nam Đàn, cũng học Nam Đàn 1 chỉ trên ông mấy lớp thôi. Thôi ta cứ coi đây là quê thứ 2 vậy. Bây giờ ta thống nhất là giúp quê đi, không nói khen chê chi cả. Cái khó nhất của bọn tôi hiện nay không phải là sản xuất, không phải là tiêu thụ mà là nạn ngăn sông cấm chợ. Từ đây xuống QL1 ở Cầu Giát hay Yên Lý chỉ 60 - 70km mà phải qua 4 trạm kiểm soát: Nghĩa Lâm, Nghĩa Quang, Nghĩa Thuận và Tuần. Ở các nơi khác, các trạm đã được giải thể từ lâu nhưng đây nó cứ ỳ ra. Nếu ông đồng ý tôi cho ông tư liệu cực hay, ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười mới phát biểu ngày hôm qua ở Thái Hòa, mắng luôn cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh".

Bài báo góp phần để miền tây xứ Nghệ được như hôm nay.

Tư liệu của giám đốc nông trường Hồ Sĩ Lưu là băng ghi âm cuộc làm việc của Tổng Bí thư với lãnh đạo tỉnh, huyện và một số doanh nghiệp quốc doanh chủ chốt tại Nghĩa Đàn.

Chất lượng băng rất xấu, tạp âm nhiều nghe câu được câu chăng, gần như không phải là buổi làm việc chính thức của vị lãnh đạo cao nhất với địa phương mà chỉ là cuộc trao đổi về tình hình kinh tế, xã hội của vùng đất Phủ Quỳ.

Trong khoảng 30 phút, tôi phát hiện ra câu nói Tổng Bí thư sau tiếng đập bàn: "Anh Bá, anh Tùy ơi. Cứ thế này thì Nghệ An còn khổ mãi!". Khi nghe được câu này tôi bắt tay anh Lưu - OK.

Ngày hôm sau tôi đi thu thập tư liệu thêm, ngoài các trạm kiểm soát còn có hạ tầng giao thông, viễn thông yếu kém, thái độ phục vụ cửa quyền… và bài báo có xương, có thịt đầy đặn có tên “Phủ Quỳ, vùng đất ngủ quên” ra đời. Điều bất ngờ là câu nói “Anh Bá, anh Tùy ơi, cứ thế này Nghệ An khổ mãi” tôi đưa vào sapo được Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh rút lên thành tít.

Bài báo sẽ không có tiếng vang và hiệu quả nếu thiếu sự nhạy bén và dũng cảm của Ban biên tập.

TP.HCM, tháng 10/2017

Bài báo góp phần để miền tây xứ Nghệ được như hôm nay

Ngày đó, tôi mới lên cương vị Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp tỉnh Nghệ An, một tỉnh nghèo, vô cùng khó khăn. Năm ấy, tỉnh Nghệ An đón Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm và làm việc ở miền Tây xứ Nghệ.

Chứng kiến đời sống của đồng bào, chứng kiến tiềm năng kinh tế dường như đang bị ngủ quên, Tổng Bí thư nói với anh Nguyễn Bá, Bí thư Tỉnh ủy và anh Phạm Xuân Tùy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, rằng: “Anh Bá, anh Tùy ơi. Cứ thế này thì Nghệ An còn khổ mãi”.

Hôm sau, câu nói của đồng chí Đỗ Mười nằm trang trọng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chạy dài thành dòng tít lớn, lại phát hành đúng vào ngày Nghệ An đang tổ chức phiên họp Hội đồng Nhân dân tỉnh. Từ cán bộ lãnh đạo đến toàn thể nhân dân Nghệ An đều cảm thấy chạnh lòng với bài báo ấy.

Đoàn công tác có nhiều báo đài tham dự, tại sao Báo Nông nghiệp Việt Nam lại đăng tải bài viết có cái tít "kêu" như thế?

Ngay sau khi bài báo xuất bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn, ngồi lại với nhau một cách cực kỳ nghiêm túc, quyết tâm tìm hướng đột phá cho khu vực miền Tây.

Tôi nghĩ rằng, chính nhờ quyết tâm ấy mà Nghệ An có được một miền Tây như ngày hôm nay… (Hồ Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT)

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất