| Hotline: 0983.970.780

'Tôi muốn là người của làng'

Thứ Năm 24/08/2017 , 13:35 (GMT+7)

Đó là ước nguyện của Nguyễn Công Lộc, chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp đại học và tình nguyện về công tác ở xã vùng sâu của tỉnh Gia Lai.

"Được làm cái việc mình muốn"

Nguyễn Công Lộc sinh năm 1986, nhà ở xã Cư An (huyện Đăk Pơ, Gia Lai). Lộc thi đỗ trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh- chuyên ngành Thú y khóa 2004- 2009.

11-08-12_1
Nguyễn Công Lộc phát triển chăn nuôi

Với nhiều bạn sinh viên khác, mới ra trường luôn mong muốn được ở lại làm việc ở thành phố lớn, hoặc làm việc cho một cơ quan, doanh nghiệp nào đó nhàn hạ cho bản thân. Với Lộc thì khác, tốt nghiệp năm 2009 thì đến tháng 4/2010, chàng sinh viên trẻ tuổi tình nguyện về nhận công tác ở xã Ya Hội- xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đăk Pơ.

- Sao Lộc không xin một việc gì đó ở thành phố, hoặc một phòng ban nào đó ở huyện cho gần nhà mà lại tình nguyện về đây? Tôi hỏi.

Lộc cười hiền:

- Đơn giản là về đây, em sẽ được làm cái việc mình muốn làm!

Ra là vậy. Chàng thanh niên trí thức với tấm bằng cử nhân Nông học chuyên ngành Thú ý này cũng không kém phần "láu cá", bởi Ya Hội chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Và chỉ có ở đây, Lộc mới phát huy hết sở trường của mình.

Lộc kể: Tuy Ya Hội chỉ cách nhà (xã Cư An) trên dưới hai mươi cây số, nhưng là xã vùng ba- xã đặc biệt khó khăn nên cơ sở vật chất thiếu thốn rất nhiều, cuộc sống của người dân cũng còn nhiều khó khăn. Vừa rời chốn Sài Gòn đô hội, về nhận công tác ở đây nên những ngày đầu, không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Vậy là chỉ còn cách lao vào công việc, tìm niềm vui trong công việc, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Năm đầu về xã, Lộc được bố trí làm công tác Văn phòng Đảng ủy xã. Sau một năm nỗ lực làm việc, Lộc trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức, được bố trí phụ trách mảng nông nghiệp- nông thôn mới và xây dựng cơ bản của xã. Đến năm 2012, Lộc vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhận xét về chàng sinh viên trẻ tuổi mới ra trường này, anh Dương Thái Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Hội, cho biết: Lộc là người nhanh nhẹn, có chuyên môn lại nhiệt tình trong công việc nên từ ngày nhận nhiệm vụ, Lộc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạo đức lối sống trong sáng lành mạnh. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Lộc không quản ngại thức khuya dậy sớm, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, từ đó giúp bà con có hướng xử lý kịp thời...
 

Muốn là 'người của làng'

Xã đặc biệt khó khăn Ya Hội có tổng diện tích tự nhiên trên 17.000 ha với 10 làng đồng bào. Cả xã có 574 hộ với 2.763 nhân khẩu. Là xã vùng sâu của tỉnh Gia Lai, đất rộng người thưa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (cả xã có đến 93% là đồng bào dân tộc thiểu số), vì vậy tập tục canh tác của người dân nơi đây đa phần còn lạc hậu: Trồng trọt manh mún nhỏ lẻ, chăn nuôi thì chủ yếu vẫn là thả rông trong rừng. Theo đó, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn.

Ý thức được điều này, không quản ngại khó khăn, chàng kỹ sư trẻ luôn bám làng, bám dân. Không quản ngại nắng mưa khuya sớm, Lộc luôn đến từng làng, từng hộ dân để nắm bắt tình hình trồng trọt, chăn nuôi của đồng bào. Từ đó có những đề xuất kịp thời với chính quyền, hướng đồng bào dần tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi.

11-08-12_2
Lãnh đạo xã họp bàn giải pháp phát triển kinh tế địa phương

Lộc chia sẻ: "Khi mới về nhận công tác ở xã vùng sâu này, anh không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu. Tuy nhiên là người cùng địa bàn huyện, lại nhiệt tình lao vào công việc nên khó khăn ban đầu rồi cũng dần qua đi. Đặc biệt là Lộc luôn nhận được sự giúp đỡ, bảo ban của các anh, các chú ở ủy ban, ở Đảng ủy xã, cộng với sự nhiệt tình của anh, từ đó đã được bà con nơi đây đền đáp".

Anh cảm thấy vui khi nhiều hôm ngày nghỉ, thậm chí nửa đêm, có người vẫn gọi điện đến cho anh, vì... bầy heo ở nhà họ bị bệnh hay đẻ khó. Vậy là, ngay trong đêm, anh lao xe máy về làng, cùng dân kiểm tra và sớm đưa ra biện pháp cứu chữa hợp lý.

- Em cảm thấy rất vui vì bà con tin tưởng mình, xem mình như đã là người của làng- Lộc hào hứng nói.

Hỏi về dự định cho tương lai, Lộc không ngần ngại thổ lộ: "Được bà con tin tưởng, em cũng muốn là người của làng. Em muốn gắn bó lâu dài cùng bà con nơi đây".

Lộc chia sẻ thêm, bà con ở đây vẫn còn tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi bò thì chủ yếu vẫn là thả rông trong rừng; trồng trọt thì chưa áp dụng nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Anh muốn cùng xã nâng cao dân trí, thay đổi tập tục sản xuất, chăn nuôi lạc hậu đã có từ lâu đời rồi. Chỉ có vậy thì đời sống người dân mới dần được cải thiện.

Chàng sinh viên trẻ ngày nào giờ đã có vợ và hai con. Vợ anh làm công tác địa chính ở phường Ngô Mây (thị xã An Khê). Bản thân anh luôn xa nhà, thu nhập chưa cao, nhưng "em cảm thấy hài lòng, bởi đã thực sự gắn bó tình cảm với địa phương, với đồng bào nơi đây. Đặc biệt là được đồng bào yêu quý và tin tưởng. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng em vui vì được làm cái công việc mình đam mê, vì ít nhiều cũng đã giúp đỡ được phần nào với những người dân vùng sâu còn không ít khó khăn này...", Lộc tâm sự.

Nhận xét về chàng thanh niên trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác ở xã vùng sâu này, ông Đinh Pri- Bí thư đảng ủy xã Ya Hội, cho biết: Khi mới về thực tập, Lộc đã chứng tỏ là người có chuyên môn, có trách nhiệm trong công việc. Khi được giao phụ trách công việc đúng ngành mình học, lại được sự kèm cặp, giúp đỡ tận tình của Đảng ủy và ủy ban, Lộc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Quy hoạch giai đoạn 2020- 2025, Lộc sẽ là một trong những cán bộ chủ chốt của xã Ya Hội", ông Đinh Pri cho biết thêm.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm