| Hotline: 0983.970.780

Tôi nói thật với nhà báo

Thứ Hai 21/06/2010 , 15:30 (GMT+7)

Quanh năm, cánh nhà báo lùng sục đi tìm sự thực để nói lên sự thực (cố nhiên có lúc nghe sai hoặc bị nghe sai). Và hôm nay trong ngày vui, một sự thực được nói lên nhưng không phải chúng tôi nói mà nghe người khác nói về chúng tôi. Thuốc đắng dã tật. Hy vọng những đóng góp chân tình này sẽ giúp chúng tôi “dã tật” nhanh hơn.

LTS: Quanh năm, cánh nhà báo lùng sục đi tìm sự thực để nói lên sự thực (cố nhiên có lúc nghe sai hoặc bị nghe sai). Và hôm nay trong ngày vui, một sự thực được nói lên nhưng không phải chúng tôi nói mà  nghe người khác nói về chúng tôi. Thuốc đắng dã tật. Hy vọng những đóng góp chân tình này sẽ giúp chúng tôi “dã tật” nhanh hơn. 

Mở báo ra là “cướp, giết, hiếp” 

Ông Lê Lưu - Trưởng thôn An Lợi, Triệu An,Triệu Phong, Quảng Trị

Là một trưởng thôn, từ hơn 10 năm nay tôi thường xuyên theo dõi báo đài, cập nhật nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, học hỏi những cách làm hay của những con người, sự việc được đăng tải trên báo để phổ biến cho bà con nông dân học hỏi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng báo chí hiện nay quá nhiều thông tin tiêu cực, thông tin vô bổ, mang tính giải trí phần nhiều. Cứ mở báo ra là thấy chỗ này cướp giật, chỗ kia giết, hiếp; đi sâu đời tư của người này, người khác…

Gần như những nhân tố mới, những con người mới tích cực rất ít khi được phát hiện nhằm cổ vũ, làm gương cho quần chúng noi theo. Những năm gần đây, báo chí ở ta đã đổi mới nhiều theo hướng tấn công cái xấu, cái tiêu cực, góp phần vào bình ổn xã hội. Tuy vậy, không vì thế mà báo chí quá lạm dụng những thông tin giật gân, mang tính mua vui, giải trí. Theo tôi, thông tin trên báo chí phải hướng về số đông quần chúng, đặc biệt phải có nhiều thông tin bổ ích cho người dân ở các vùng quê - thành phần chiếm số đông trong xã hội. Có như thế báo chí mới thể hiện hết vai trò của mình là vừa cung cấp thông tin, góp phần quản lý xã hội.

Lê Lưu (Trưởng thôn An Lợi, Triệu An,Triệu Phong, Quảng Trị) 

Đừng võ đoán 

Những năm 2005-2006, ở Tân Dân chúng tôi có một vấn nạn hết sức quái gở, đó là nạn...ăn trộm đất ruộng. Sau này, nhà báo về điều tra vấn nạn này và đặt cho cái tên là nạn “điền tặc”. Việc là hồi đó dân  làm lò gạch ở các xã lân cận Tân Dân hết đất đúc gạch, nên đêm đêm đánh xe công nông ào ạt sang Tân Dân đào trộm đất ruộng về bán cho chủ lò gạch. Nghiêm trọng nhất, phần lớn chúng xới sạch bờ ruộng vì lấy trộm đất bờ ruộng nhanh nhất. Nạn “điền tặc” bức xúc quá nên lập tức có cả phóng viên truyền hình về mật phục điều tra. Sau đó, một phóng sự dài kỳ về nạn “điền tặc” ở Tân Dân được đưa ra ánh sáng.

Trong phóng sự này, nhà báo “phán” rằng sự việc nghiêm trọng thế nhưng UBND xã Tân Dân tắc trách, không triển khai việc ngăn chặn bọn “điền tặc”. Nói như vậy là không đúng, vì trước đó chúng tôi đã nỗ lực chống “điền tặc” lắm chứ. Có cả chỉ thị cấp bách cho công an xã ra quân hẳn hoi. Công an tóm được cả xe công nông của bọn trộm đất về giữ ở UBND xã đấy chứ! Nhưng mỗi tội không được phạt, chỉ được phạt vi phạm hành chính vài trăm nghìn, rồi lại phải thả chúng ra. “Ông” nhà báo truyền hình nọ không lên xã, không làm việc tìm hiểu cái khó của việc chống “điền tặc” mà phán rằng xã tắc trách như thế là võ đoán!

Nguyễn Hữu Động (Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên)

Phản ánh một chiều còn nhiều

Để tăng thêm niềm tin cho bạn đọc, các phóng viên cần lưu ý khi viết các bài phóng sự điều tra cần nắm chắc số liệu chứng cứ tránh nhầm lần sai sót. Đặc biệt khi nhận được đơn thư phản ảnh các vụ việc của người dân cần hết sức thận trọng, xem xét cụ thể khách quan, công tâm; phải nghe cho được nhiều chiều cả phía người dân và cả cơ quan liên quan để phản ảnh, tránh tình trạng chỉ nghe một chiều rồi phản ảnh dẫn tới không chính xác làm cho cơ quan chức năng khó giải quyết, ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo và uy tín của tờ báo đưa tin, làm mất lòng tin của nhân dân.

Mặt khác người làm báo cần nhất là cái tâm phải sáng, có như vậy mới phản ảnh được trung thực, khách quan các vụ việc xẩy ra, nếu tâm không sáng có khi làm sai lệch vụ việc, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Hồ Duy Thiện (thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hoá, Quảng Bình) 

Ông Lê Văn Hoan
Phản biện chưa mạnh mẽ 

Vai trò phản biện và dự báo của báo chí rất quan trọng. Tôi cũng thường xuyên xem thời sự qua các báo, đài, nhưng thấy tính dự báo, nhất là tính phản biện trên mỗi số báo hiện còn rất nhạt. Phản biện và dự báo giúp các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc thật kỹ khi đề ra những chủ trương để tránh khỏi sai lầm đáng tiếc.

Vì khi người ta có quyền dễ lạm dụng quyền của mình để làm việc mình ưa thích nhưng lại không phù hợp với thực tế. Báo chí hiện nay khen nhiều hơn chê. Nhưng khen thì phải khen cho đúng mực, khen quá lại không có tác dụng. Khi chê cũng phải đúng mực mới có hiệu quả. Nhiều lúc tôi cầm tờ báo tìm khắp không thấy một dòng phản biện, toàn là tin, bài khen. Báo chí phải chú trọng phản biện xã hội mạnh mẽ xã hội mới phát triển được.  

LÊ VĂN HOAN (BHQH khoá 7, 8) 

Đã chùn bước 

Trong những năm trước đây, tôi ghi nhận vai trò của báo chí trong nhiệm vụ phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng rất mạnh mẽ. Báo chí đã từng điều tra, công bố nhiều vụ tham nhũng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và được xã hội rất đồng tình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi nhận thấy những vấn đề nóng bỏng về tiêu cực đã không còn được phản ánh đầy đủ, trung thực. Thực tế này khiến người dân đặt dấu hỏi. Bản thân tôi cũng đã đặt câu hỏi về vấn đề này. Tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định đó là quốc nạn. Để khắc phục quốc nạn này, không chỉ có các cơ quan báo chí mà Nhà nước còn kêu gọi mọi người dân đều phải có trách nhiệm tham gia trong việc phát hiện, chống tham nhũng bằng những hành động thiết thực.

Lẽ ra, trong những năm qua báo chí cần phát huy thế mạnh trong nhiệm vụ này nhưng tôi nhận thấy báo chí đã có sự chùn bước, trên mặt báo không còn đọc được những bài viết nóng bỏng nêu ra những sai trái, hành vi tham nhũng vẫn đang tồn tại gây bức xúc trong người dân.

Tôi đọc báo hàng ngày và thấy nhiều tờ báo đã không còn những bài mang tính chiến đấu như những năm trước đây. Tôi có cảm giác, một là đất nước ta không còn xảy ra vấn đề tiêu cực nữa; hai là các nhà báo vì lý do nào đó đã nhụt chí, không còn muốn “đụng” vào đề tài nhạy cảm này. Tôi thay mặt cho những người dân luôn quan tâm đến báo chí và những vấn đề xã hội diễn ra hằng ngày cầu chúc cho những nhà báo luôn giữ vững lập trường, giữ gìn được tính trung thực trong thông tin và không ngại “đụng” vào những đề tài nhạy cảm để làm “nóng” lại không khí báo chí như những năm trước đây để lấy lại lòng tin của nhân dân vào vai trò những người làm báo hiện nay.

Tiến sĩ Tô Tử Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định)

NHÀ BÁO TRONG CON MẮT NGƯỜI DÂN 

PV NNVN thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ bằng phiếu thăm dò với 20 người dân tại hai xã Tam Hồng và Yên Đồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Đối tượng mà chúng tôi tập trung lựa chọn là những người từng tiếp xúc, làm việc với nhà báo. Kết quả thu được có thể không phản ánh được toàn diện, chính xác về thái độ của công chúng đối với báo chí cũng như phóng viên, nhà báo hiện nay nên chỉ mang tính chất tham khảo.

+ Về tình hình tiếp cận báo chí: 100% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tiếp cận báo chí. Trong đó có 90% số người cho biết, họ “thường xuyên” tiếp cận với báo chí, nhiều nhất là xem tivi, sau đó tới nghe đài và đọc báo, truy cập Internet...10% số người còn lại cho biết chỉ “thỉnh thoảng” họ mới xem tivi, nghe đài hoặc đọc báo. Không có ai trả lời “rất ít”.

+ Về nội dung chương trình yêu thích: Có 72% số người cho biết họ thích, và thường xuyên xem tivi, nghe đài, đọc báo... các chương trình, chuyên mục có nội dung phổ biến kiến thức khoa học, thời sự, kinh tế, giáo dục. Còn lại 28% thường xuyên xem, nghe... các chương trình giải trí như phim truyện, ca nhạc, thể thao...

+ Nhận xét tính chân thực, khách quan của báo chí: Trên 76% số người cho biết họ rất tin tưởng và thấy những nội dung, sự việc mà đài báo phản ánh đa số là đúng sự thật, khách quan. Gần 20% số người nhận xét rằng vẫn còn nhiều sự việc đài báo phản ánh sai, hoặc không hoàn toàn khách quan, chính xác. Gần 5% số người nói rằng họ không tin vào những gì báo chí nói, và cho rằng báo chí toàn bịa đặt.

+ Về tác phong, thái độ, hiểu biết và kỹ năng tác nghiệp của nhà báo: 93% số người (đa số đã từng tiếp xúc với nhà báo) bày tỏ rằng, họ rất có thiện cảm và tôn trọng nhà báo. Vì đa số nhà báo có hiểu biết cao, khiêm tốn, nhã nhặn và tôn trọng người khác. Chỉ có 7% số người nói họ không thích nhà báo và nhận xét rằng phóng viên mất lịch sự, ngạo mạn...

+ Về đạo đức nghề nghiệp: 90% số người nói họ tin tưởng, và thấy đa số nhà báo làm việc với động cơ trong sáng, trung thực, dũng cảm và đấu tranh chống tiêu cực. 10% số người còn lại cho rằng, nhà báo hay nhận hối lộ, viết báo không trong sáng.

+ 10% phản đối quyết liệt cho người thân làm nghề nhà báo. Ngược lại, 65% số người cho biết họ “rất khoái” có người thân làm nhà báo. 25% số người còn lại không ủng hộ, cũng không phản đối việc có người thân làm nghề báo.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm