| Hotline: 0983.970.780

Tôi thấy hoảng sợ!

Thứ Sáu 13/12/2013 , 09:56 (GMT+7)

“Hơn 30 năm làm nghề, tôi còn thấy hoảng sợ và không thể tin một công ty sản xuất rượu và nước giải khát lớn lại sản xuất ra những lít rượu có hàm lượng methanol cao gần 3.000 lần so với quy định” - GS Phạm Duệ chia sẻ cảm giác với PV NNVN.

“Hơn 30 năm làm nghề, tôi còn thấy hoảng sợ và không thể tin một công ty sản xuất rượu và nước giải khát lớn lại sản xuất ra những lít rượu có hàm lượng methanol cao gần 3.000 lần so với quy định” - GS Phạm Duệ (ảnh) chia sẻ cảm giác khi phóng viên NNVN đề cập đến vụ hàng ngàn lít rượu nếp độc chết người của Cty CP XNK 29 Hà Nội vừa được phát hiện đang khiến dư luận lo ngại.

>> Nỗi kinh hoàng mang tên ''Rượu nếp 29 Hà Nội''
>> Bắt khẩn cấp Giám đốc Cty CP XNK 29 Hà Nội
>> Mổ xẻ trách nhiệm!

GS Duệ nói, ông e ngại và đã có nhiều cảnh báo với người tiêu dùng về tình trạng sử dụng rượu lẻ, rượu không rõ nguồn gốc từ nhiều năm trước. Thế nhưng, ông không thể ngờ, ngay giữa Thủ đô Hà Nội lại có một công ty sản xuất rượu lớn, được cơ quan chức năng cấp phép đã sản xuất hàng chục ngàn lít rượu có hàm lượng độc tố cao. Nó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người chết mà không biết tại sao?

Không thể chấp nhận rủi ro đó

Là nơi chuyên tiếp nhận các ca ngộ độc nặng, ông nói gì?

Hơn 30 năm làm nghề, tôi còn thấy hoảng sợ và không thể tin một công ty sản xuất rượu và nước giải khát lớn thế này lại sản xuất ra những lít rượu có hàm lượng methanol gấp gần 3.000 lần so với quy định, khiến cho hàng chục người bị ngộ độc rượu, trong đó có 6 người tử vong. Đây là một chùm ca bệnh được phát hiện ở Quảng Ninh, trong khi gần 10.000 lít rượu có độc kia sản xuất từ tháng 10 và đã được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều vùng khác. Tôi e đã có rất nhiều người ở địa phương khác cũng bị ngộ độc nhưng có thể biểu hiện nhẹ hơn nên không đến bệnh viện.

Thực ra bệnh nhân ngộ độc rượu vào Trung tâm chống độc cấp cứu nhiều lắm (trung bình có từ 7 - 10 ca/tháng). Vì vậy, lúc đầu tôi cứ ngỡ chai rượu của công ty lớn đó đã bị những điểm kinh doanh nhỏ, lẻ tái sử dụng, trộn thêm methanol vào. Nhưng thực tế lại không phải vậy.

Ông nghĩ thế nào nếu lời khai ban đầu của chủ hàng chục ngàn lít rượu nếp 29 Hà Nội có độc kia, nguyên nhân bởi họ đã mua “nhầm” phải nguyên liệu kém chất lượng?

Không thể chấp nhận những lời nói vô trách nhiệm đó từ một công ty lớn đã sản xuất rượu nhiều năm. Đây là một dây chuyền sản xuất thực phẩm công nghiệp, theo một quy mô lớn nên nguồn gốc thực phẩm đầu vào phải được giám định ngặt nghèo, thường xuyên. Trước khi đóng chai thành rượu thành phẩm, rượu đó vẫn phải được rút mẫu kiểm tra chất lượng như thế nào. Chỉ khi đảm bảo an toàn thì mới được tung ra thị trường.

Tôi khẳng định: Hầu hết rượu mang nhãn hiệu Rượu nếp 29 Hà Nội không hề được kiểm tra mẫu trước khi có mặt rộng rãi trên thị trường. Và công ty này đã mua nguyên liệu trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ để sản xuất ra hàng chục, hàng trăm ngàn lít rượu bán cho người dân.

Tại sao không thể chấp nhận một công ty lớn lại sản xuất ra rượu “độc”, nếu đấy được coi là tai nạn nghề nghiệp?

Bởi đấy là điều đáng sợ. Ai dám chắc những lô rượu sản xuất trước đó là an toàn khi chúng cùng được sản xuất từ 1 dây chuyền, từ 1 nơi cung cấp nguyên liệu. Nó chứng tỏ đây là một dây chuyền sản xuất rượu có quy trình quá lỏng lẻo. Chủ doanh nghiệp và người trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng quá chủ quan, coi thường tính mạng của người tiêu dùng. Liên quan đến thực phẩm là đồ ăn, đồ uống thì dù được sản xuất ở nhà máy rất hiện đại nhưng vẫn phải được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường.

Tôi khẳng định, chẳng bao giờ có sản phẩm rượu nào tuyệt đối sạch, không dính những tạp chất gây hại cho sức khỏe con người như methanol, ethanol hay chì. Tuy nhiên, theo quy định, tất cả đều phải có hàm lượng thấp đúng quy định nên bắt buộc các cơ sở sản xuất phải thường xuyên kiểm định chất lượng trước khi đóng thành phẩm. Thế mà chủ doanh nghiệp Rượu nếp 29 Hà Nội lại nói “mua nhầm nguyên liệu” thì chấp nhận sao được.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, công ty này đã bị xử phạt hành chính nhiều lần vì có liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Phải chăng mức xử phạt đó không đủ sức răn đe?

Với số tiền xử phạt chỉ từ 3 - 4 triệu đồng/vi phạm, trong ngành y chúng tôi gọi đó là bệnh “nhờn thuốc”. Cá nhân tôi cho rằng, liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thì bất kể doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp có vi phạm nhỏ, chưa gây hại nhưng nếu vi phạm nhiều lần, liên tục như vậy phải rút hẳn giấy phép. Cũng như bác sĩ, nếu phạm luật thì phải tước bằng ngay lập tức.

Đắt cũng phải làm

Nói chuyện men rượu và hương liệu, quá nhiều, quá trôi nổi. Những men rượu, hương liệu trôi nổi như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào, thưa ông?

Nếu như doanh nghiệp cố tình mua nguyên liệu trôi nổi (chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc) chẳng khác nào coi rẻ sức khỏe người tiêu dùng bởi sẽ sinh ra nhiều tạp chất nguy hiểm như ethanol, methanol, chì… Rượu có chứa ethanol có thể gây ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh. Vì thế, uống nhiều dẫn đến nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Đây là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Nhiều trường hợp nghiện rượu, với nồng độ rượu bình thường uống vào không khiến họ cảm thấy "phê" mà phải pha thêm cồn vào uống mới đã. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì say là chết.


BS đang chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Xét nghiệm kết quả mẫu rượu có phức tạp giống như xét nghiệm mẫu chỉ số khác không, thưa ông?

Tôi nói luôn, dù đắt hay rẻ nhưng cứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, doanh nghiệp đó cũng phải kiểm định về chất lượng. Chỉ khi nào an toàn mới được bán rộng rãi trên thị trường.

Ông có lời cảnh báo nào đối với người tiêu dùng hiện nay?

Vụ việc này không còn là lời cảnh báo với người tiêu dùng nữa bởi nó trở thành một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tính mạng của nhiều người. Lúc này chỉ chờ kết luận từ phía cơ quan công an.

Riêng với người tiêu dùng, có thưởng thức cũng chỉ từ 30 - 50ml rượu mạnh/ngày/người. Rượu là thứ tinh túy, không thể mang ra sử dụng như cơm, rau. Như bạn thấy đấy, ngày trước các cụ uống rượu chỉ bằng chén hạt mít và thưởng thức nó bằng các giác quan là mắt, mũi…

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng trên 1.000 ca ngộ độc rượu và những ngộ độc liên quan đến methanol gây tử vong cao, xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, An Giang.

Tháng 10/2008, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận cấp cứu 31 vụ ngộ độc rượu methanol trong đó 11 trường hợp tử vong. Viện Vệ sinh y tế công cộng đã xét nghiệm mẫu rượu uống thấy hàm lượng methanol cao trên 300 lần so với quy định.

Trên thế giới, vụ ngộ độc methanol có trong thuốc chống tiêu chảy ở New Delhi (Ấn Độ), năm 1991 đã có trên 200 người tử vong; ở Cuttack (Ấn Độ), năm 1992 có 162 người chết do uống nước có pha methanol; tại Campuchia, năm 1998 có trên 60 người chết do uống rượu pha methanol…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất