| Hotline: 0983.970.780

Tôm chết hàng loạt

Thứ Hai 27/02/2012 , 11:08 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL bước vào vụ tôm 2012 chưa được bao lâu, đã lại tái diễn tình trạng tôm chết hàng loạt như năm ngoái.

Xử lý ao bằng vôi bột để thả mới ở ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, Cần Đước, Long An

Các tỉnh ĐBSCL bước vào vụ tôm 2012 chưa được bao lâu, đã lại tái diễn tình trạng tôm chết hàng loạt như năm ngoái.

Do thời tiết, bệnh hay thuốc BVTV?

Cuối tháng 2, trên những ao tôm ở ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước (Long An), người dân tất bật thả vôi bột xuống những ao tôm cạn trơ đáy. Bên một ao tôm rộng chừng vài ngàn mét vuông, một nông dân chừng ngoài 40, đang đứng nhìn xuống đáy ao vừa rải vôi bột trắng xóa, gương mặt anh có vẻ không vui. Tôi lại gần bắt chuyện, ngần ngừ giây lát, anh mới nói tên là Ba Trung. Hỏi chuyện tôm, Ba Trung thở dài: “Vừa thả giống chưa được bao lâu, tôm lại chết, chẳng khác gì giờ này năm ngoái”.

Rồi anh chỉ tay xuống đầm: “Tôi vừa phải tát cạn đầm tôm, cho rải vôi bột xử lý đáy ao để thả nuôi lại đó. Mấy ao đang rải vôi bột quanh đây, có ao mới chuẩn bị thả nuôi, nhưng nhiều ao cũng như ao của tui, thả tôm từ trước tết, tôm bị bệnh chết, phải tát ao, xử lý bằng vôi rồi thả lại”. Hỏi về chuyện thiệt hại, Ba Trung nhẩm tính: “Nhà tôi có 3.000 m2 ao tôm. Tui mua tôm giống hết khoảng 8 triệu đồng, cộng với chi phí xử lý ao là khoảng 11 triệu đồng. Tôm nuôi 1 tháng thì chết. Chi phí thức ăn hết chừng hơn 10 triệu. Tính ra tổng thiệt hại trên 20 triệu đồng”.

Chia tay Ba Trung, tôi đi tới một ao tôm gần đó. Người chủ đang mải miết rắc vôi bột xuống đáy ao. Tôi gợi chuyện: “Ao nhà anh cũng vừa có tôm bị bệnh chết à?”. Người chủ cười bảo: “Không, bây giờ tôi mới chuẩn bị thả nuôi, nên không bị thiệt hại như nhiều ao tôm quanh đây”. Người đàn ông đó cho biết tên là Năm Tây. Anh cho biết tình trạng tôm chết ở ấp Đông Trung này cũng không thua gì hồi đầu năm ngoái. Nhưng ngoài việc tôm chết vì sốc môi trường do thời tiết, chết vì các bệnh như đốm trắng, đầu vàng…, còn có hiện tượng tôm bị chết bởi nguồn nước sông bị ô nhiễm thuốc trừ sâu. Nhắc tới chuyện này, Năm Tây không nén nổi sự bức xúc: “Là do dân mình hại mình. Mấy tay chuyên bắt tôm càng xanh ở ngoài sông đã bắt tôm bằng cách dùng thuốc trừ sâu thả xuống nước. Những hộ nuôi tôm lấy nguồn nước đó vào ao nuôi tôm. Dư lượng thuốc trừ sâu trong nước ngấm dần vào cơ thể con tôm. Nó không làm cho con tôm chết ngay mà sau 20 ngày hay 1 tháng, tôm mới chết. Thành ra càng làm tăng thêm thiệt hại cho người nuôi tôm”.

Theo một cán bộ xã Tân Chánh, diện tích tôm chết vì bệnh ở xã này chủ yếu là tôm thả nuôi trước lịch thời vụ. Cụ thể, trong số 205 ha thả nuôi trước lịch thời vụ thì đã có 142 ha bị thiệt hại vì bệnh. Ngoài các bệnh như đốm trắng, đỏ thân… tôm ở Tân Chánh bị chết nhiều bởi nguồn nước sông bị ô nhiễm thuốc BVTV. Đầu năm nay, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn trái mùa, cũng khiến cho nhiều diện tích tôm trong xã bị chết vì sốc môi trường.

Bà Ngô Hồng Điệp, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến ngư vùng hạ Long An, cho biết, đến nay, vùng hạ của tỉnh này đã thả nuôi được 1.018 ha. Trong đó, có nhiều diện tích được nông dân xuống giống trước lịch thời vụ (10/2). Sở dĩ, nông dân Long An vẫn nôn nóng xuống giống nhiều diện tích trước lịch thời vụ là do giá tôm thương phẩm hiện tại đang cao. Vụ 2 và vụ 3 năm ngoái, phần lớn người tuôi tôm ở Long An có lời, nhiều người trúng đậm, nên ai cũng muốn xuống giống sớm khi giá tốt. Tuy nhiên, chính những diện tích xuống giống sớm này đã bị chết nhiều, chủ yếu do gặp thời tiết bất lợi. Theo bà Điệp, những cơn mưa trái mùa diễn ra khá nhiều trong mùa khô năm nay ở vùng hạ Long An đã khiến cho độ mặn trên sông rất không ổn định. Lúc đầu thì mặn, sau chuyển sang ngọt, rồi lại tới lợ. Sự thay đổi bất thường ấy đã khiến cho nhiều diện tích tôm bị thiệt hại. Ở những ao tôm không bị chết, tôm cũng sẽ bị chậm lớn. Mặt khác, năm nay, nhiều diện tích tôm ở Long An bị thiệt hại do nguồn nước sông bị ô nhiễm thuốc BVTV, mà một trong những nguyên nhân nổi cộm là tình trạng nhiều người dân đã lén lút dùng thuốc BVTV để bắt tôm càng xanh.

Tỷ lệ chết chẳng kém năm ngoái

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Đến ngày 24/2, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 1.200 ha tôm. Trong đó, nhiều diện tích đã được xuống giống sớm từ tháng 11 và 12 năm ngoái. Theo thống kê của các huyện, có khoảng 200 ha tôm ở Sóc Trăng đã bị thiệt hại. Nhưng ông Khởi cho rằng, con số trên thực tế có thể cao hơn, lên tới khoảng 500 ha. Theo ông Khởi, diện tích thiệt hại như vậy không thua gì cùng kỳ năm ngoái, và vì vậy khả năng tôm bệnh trong năm nay cũng đang có nguy cơ không thua gì năm 2011. Ông Võ Quang Huy (Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng), cho hay, nhiều ao tôm của các thành viên Hiệp hội này đang chết vì bệnh. Mấy năm trước, trên những ao tôm thả sớm tôm ít bị bệnh về gan. Vì thế, năm nay, nhiều người cố tình thả sớm để né bệnh gan thì lại dính bệnh đốm trắng.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, cho biết đến nay đã có 2.500 ha tôm ở tỉnh này được thả giống, trong đó khoảng 20% đã bị thiệt hại do bệnh. Có những địa phương trong tỉnh, mức thiệt hại lên tới 50-60%. Chẳng hạn, ở huyện Phú Tân, nông dân thả giống được 423 ha thì đã có tới 210 ha bị chết. Trong đó, bệnh đốm trắng chiếm tới 30%, bệnh hoại tử gan khoảng 20%… Tôm bị bệnh chết chủ yếu trong độ tuổi từ 20-60 ngày. Theo ông Trung, đáng lo ngại nhất ở Cà Mau hiện nay là người nuôi tôm không chủ động mang tôm giống đi xét nghiệm mà khoán trắng cho đại lý. Các đại lý xét nghiệm thì ít mà bán tôm giống lại nhiều, thành ra tỷ lệ tôm giống đạt chất lượng còn thấp.

Ở Trà Vinh, diện tích tôm chết hiện cũng đã ở mức không nhỏ. Theo ông Minh Tuyền (Sở NN-PTNT Trà Vinh), đến nay, tỉnh này xuống giống trên 6.000 ha tôm, thì có khoảng 600 ha đã bị thiệt hại. Nguyên nhân chính là sự chênh lệch độ mặn và một số loại bệnh gây chết tôm hàng loạt.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm