| Hotline: 0983.970.780

Tôm chết vì ô nhiễm, nhiều gia đình mất Tết

Thứ Hai 24/01/2011 , 10:39 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân nuôi tôm ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang khốn đốn vì tôm nuôi trong đùng chết hàng loạt do tình trạng ô nhiễm chưa hết!

Cứ tưởng khi Vedan không còn xả chất thải, nước sông Thị Vải đã trong trở lại thì việc nuôi trồng thủy sản sẽ thuận lợi như xưa. Nhưng không, hàng trăm hộ dân nuôi tôm ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang khốn đốn vì tôm nuôi trong đùng chết hàng loạt do tình trạng ô nhiễm chưa hết! Nhiều người trong số họ nghĩ đến cái Tết cận kề mà rơi nước mắt.

ĐÃ KHỔ NAY CÒN... KHỔ HƠN

Đi một vòng qua các ấp Phước Thạnh, Phú Hà, Bến Đình của xã Xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, chúng tôi thấy hàng trăm đùng nuôi tôm chỉ có nước mà không có tôm, mặt nước phẳng lặng như tờ. Anh Nguyễn Văn Bạch, có hơn 2 mẫu mặt nước nuôi tôm tại ấp Phú Hà, khu vực sát miệng cống xả thải củaVedan trước kia, nói: “Tôi đã đầu tư giống lần thứ 3 rồi mà lần nào tôm cũng chết sạch. Mặc dù sông Thị Vải đã tương đối sạch và khu vực này nước ra vào thường xuyên, nhưng tôm vẫn cứ chết. Tôi nghĩ “thủ phạm” giết chết tôm là lớp bùn đất dưới đáy đùng vẫn còn rất nhiều chất độc”. Hiện anh Bạch không còn khả năng đầu tư, đang như ngồi trên lửa với món nợ ngân hàng 50 triệu và nợ bên ngoài hơn 50 triệu với lãi suất 10%/tháng.

Trong khi phải nuôi 3 con đang ăn học. Nguyên nhân nợ nhiều là do ban đầu anh cứ đinh ninh được nhận tiền bồi thường Vedan 132 triệu (theo tỷ lệ 77%), nên vay trước để đầu tư. Nhưng cuối cùng anh chỉ nhận được 32 triệu (tỷ lệ 24,7%). Bây giờ tiền bồi thường Vedan anh không được dùng, trái lại cón mang nợ thêm. “Ăn ngày 2 bữa còn không đủ nói gì sắm Tết chú ơi. Con bé út đòi mua cho nó chiếc áo mới mặc Tết mà không cũng không có tiền”. Anh Bạch nói, giọng nghèn nghẹn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Sa, ấp Phước Thạnh cũng nói trong nước mắt: “Gia đình tôi có hơn bốn mẫu đùng nuôi tôm quảng canh. Cứ tưởng nước không còn ô nhiễm nữa nên có phần chủ quan, cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Nhưng thả xuống lần nào tôm chết lần đó. Tôi để ý mới phát hiện mỗi khi thời tiết nắng nóng, nước sông xuống thấp, không vào đùng được thì dưới đáy đùng sùi lên những đám bọt màu vàng, xanh, mùi rất khó chịu. Sau đó là tôm chết không còn một con. Hiện nay, ngoài số tiền gần trăm triệu nợ ngân hàng, tôi còn vay ở ngoài 50 triệu với lãi suất 10%/tháng, Cứ tưởng có tiền bồi thường của Vedan thì đỡ khổ, ai ngờ lại mang nợ thêm. Gia đình tôi không dám nghĩ đến Tết”.

Hiện nay xã Mỹ Xuân có hơn 200 hộ nuôi tôm với diện tích hơn 300 héc ta đùng, hơn 2/3 số hộ này phải vay nợ ngân hàng, vay bên ngoài với lãi suất cắt cổ. Đa số vay tiền từ khi có thông báo họ được bồi thường tiền Vedan theo tỷ lệ 77%, nên vay trước trả sau. Nhận tiền bồi thường xong họ lại nợ nhiều hơn vì số tiền nhận được quá ít so với dự tính ban đầu. Hiện nay nhiều người nuôi tôm rất muốn chuyển sang nuôi cá chẽm hoặc đánh bắt, nhưng không thể bởi không có vốn đầu tư.

KHÔNG THỂ KHẮC PHỤC Ô NHIỄM?

Theo ông Vũ Viết Tưởng, cán bộ xã Phước Hòa, huyện Tân Thành thì sông Thị Vải có độ nghiêng thấp, dòng chảy không mạnh, một ngày nước lên xuống tới hai lần, nên tốc độ rửa, làm giảm ô nhiễm rất chậm. Trong khi đó, thời gian ô nhiễm kéo dài nhiều năm, các loại chất độc đã ngấm sâu trong lòng đất. Khi tôm được khoảng 1 tháng tuổi, to cỡ đầu đũa, nó bắt đầu tìm thức ăn dưới đáy bùn và ăn các loại thức ăn nhiễm chất độc, khiến tôm chết trắng hàng loạt. Để khắc phục tình trạng này, cần phải có vốn mạnh để đầu tư, cải tạo đùng bằng kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật.

Anh Nguyễn Minh Quyết, Trưởng hội Nông dân ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Xuân là một trong số ít người thành công trong nuôi trồng thủy sản ở Mỹ Xuân cho biết, hiện nước sông Thị Vải đã giảm hơn 70% ô nhiễm, nhưng nuôi tôm quảng canh cải tiến trong đùng rất cần có kinh nghiệm nhìn màu nước, ngửi mùi nước, điều tiết nước vào đùng từ từ để tôm thích ứng dần với môi trường… “Bản thân tôi ngoài kinh nghiệm lâu năm, còn tham khảo nhiều tài liệu hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, dự các lớp tập huấn của xã, huyện để áp dụng tại địa phương, cũng hướng dẫn lại cho bà con. Nhưng đa số bà con tiếp thu chậm, nên vẫn thất bại”.

Anh Quyết nói. Còn ông Triệu Quang Thu, người đầu tiên áp dụng phương pháp nuôi tôm công nghiệp tại ấp Phước Thạnh, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi có 4 mẫu tôm nuôi công nghiệp, vốn đổ vào mỗi vụ ngót nửa tỷ. Vừa rồi cũng mất một vụ vì chủ quan. Lúc lấy nước vào xử lý không kỹ nên tôm chết sạch. Ngoài vấn đề ô nhiễm, kinh nghiệm nuôi, vốn đầu tư mạnh, người nuôi tôm cũng cần chú ý đến khâu chọn giống. Chất lượng giống quyết định 50% năng suất, hiệu quả. Vì thế, không nên mua con giống quá rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Và rất cần khâu kiểm nghiệm giống trước khi thả. Mặc dù vậy, không phải lúc nào cũng thành công”. Theo ông Thu, loài ốc sinh sôi rất nhanh và rất nguy hiểm cho tôm vì chúng hấp thu các loại tảo làm nước trong vắt, có thể nhìn xuống tới đáy hồ. Tôm sợ ánh sáng, nhát ăn nên không lớn được hoặc chết. Ông Thu cho biết vừa tốn hơn hai chục triệu để diệt ốc nhưng phải đến lần thứ 3 mới sạch hồ.

Nói về tình trạng tôm vẫn chết hàng loạt, ông Lê xuân Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Xuân nói: “Hiện nay nước sông Thị Vải đã tương đối sạch, nhưng lớp đất dưới đáy nước thì vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều chất độc. Vì vậy, bà con nuôi tôm theo lối quảng canh, ít đầu tư thì rất khó tránh khỏi tôm chết hàng loạt. Chúng tôi cũng đau đầu về vấn đề này, đã báo cáo lên huyện để cấp trên có hướng khắc phục. Nhưng xem ra rất khó”.

Thực tế cho thấy, sông Thị Vải vẫn chưa hồi sinh sau thời gian dài 14 năm bị ô nhiễm nặng nề, khiến hàng trăm hộ nuôi tôm quanh khu vực gần sông phải khốn đốn vì tôm chết hàng loạt. Nhưng chưa thấy chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục, hỗ trợ nông dân.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất