| Hotline: 0983.970.780

Tôm hùm Khánh Hòa rớt giá

Thứ Năm 31/05/2012 , 10:09 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm thương phẩm liên tục lao dốc, thấp hơn khoảng 50-100 ngàn đồng so với tháng trước và giảm hơn nửa so với cuối năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm thương phẩm liên tục lao dốc, hiện chỉ còn khoảng 1-1,1 triệu đồng/kg (loại 1); 930-950 ngàn đồng/kg (loại 2) thấp hơn khoảng 50-100 ngàn đồng so với tháng trước và giảm hơn nửa so với cuối năm ngoái.

Chúng tôi về xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, với hàng trăm hộ nuôi thả gần 7.000 lồng. Thế nhưng từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên tôm hoành hành gây thiệt hại từ 30-50%, khiến người nuôi tôm nơi đây điêu đứng. Tuy nhiên, nhiều người nuôi hy vọng vớt vát thua lỗ, nếu khi thu hoạch tôm thương phẩm được giá. Nhưng từ khi giá tôm hùm lên tới đỉnh vào thời điểm cuối năm ngoái khoảng 2,4-2,5 triệu đồng/kg, thì giá tôm hùm thương phẩm liên tục lao dốc. Cụ thể, hiện tôm hùm thương phẩm loại 1 chỉ còn khoảng 1-1,1 triệu đồng/kg và 930-950 ngàn đồng/kg (loại 2), đẩy người nuôi tôm rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Bé, thôn Đầm Môn, vụ thu hoạch tôm tháng 5-7 năm ngoái, gia đình anh xuất gần 1.000 con, bán với giá từ 1,4-1,6 triệu đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí anh lãi trên 300 triệu đồng. Còn vụ này gia đình anh có 70 lồng thả nuôi 4.000 con từ đợt tháng 2/2011, với giá đầu tư 180-210 ngàn đồng/con. Nuôi được ít lâu thì tôm bắt đầu “dính” bệnh sữa gây chết hàng loạt, thiệt hại khoảng một nửa. Hiện số tôm còn lại trong lồng đến nay đạt trọng lượng từ 0,7-1kg, đang trong giai đoạn thu hoạch. Thế nhưng với giá tôm thương phẩm như hiện nay, nếu xuất thì lỗ trên dưới 400 triệu đồng, anh Bé cho biết.

Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Ánh Tuyết, người cùng thôn, có 30 lồng thả 1.500 con từ cuối tháng 1 năm ngoái. Đợt dịch trên tôm vừa qua cũng khiến tôm hùm gia đình chị hao hụt hơn 500 con. Gặp chúng tôi chị Tuyết than vãn: “Tính đến thời điểm này chi phí tiền con giống, thức ăn cho tôm, gia đình tôi đã mất đứt hơn 700 triệu đồng, nhưng đến giờ vẫn chưa thu đồng nào. Hiện số tôm thương phẩm đã đạt trọng lượng xuất bán, nhưng giá thấp quá đành cầm cự nuôi tiếp để đợi giá lên”. Cũng theo chị Tuyết, nếu giữ số tôm này nuôi tiếp, mặc dù tôm không lớn nữa nhưng mỗi ngày chi phí thức ăn mất đứt hơn 1 triệu đồng, chưa kể chi phí công lao động chăm sóc, hao hụt...

Theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 20.000 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 1.000 tấn/năm, mỗi năm mạng lại thu nhập 1.000 tỷ cho người dân. Tuy nhiên hiện nay do tình hình bệnh sữa, nguồn vốn eo hẹp nên việc thả tôm hùm giống cho vụ nuôi mới cũng đang cầm chừng.
Ông Phan Văn Ni, phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: Năm nay hầu hết người nuôi tôm hùm ở địa phương đều bị thua lỗ nặng, bởi giá tôm thương phẩm vừa thấp, mà tỉ lệ tôm chết lại cao. Chính vì thế hiện một số người nuôi có dự định là sau khi thu hoạch đợt tôm này sẽ từ giã nghề, tìm công việc khác làm.

Còn tại các phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang), nhiều người nuôi tôm nơi đây cũng cảm thấy đắng…miệng vì tôm thương phẩm rớt giá thê thảm. Ông Hồ Văn Hồng, một người nuôi tôm hùm nơi đây cho biết: “Hơn 10 năm nuôi tôm, tôi chưa thấy năm nào mà người nuôi gặp khó khăn như hiện nay, tỷ lệ tôm hao hụt, chi phí cao, mà giá tôm thương phẩm thì quá thấp”. Để người nuôi có lãi, thì giá tôm thương phẩm ít nhất dao động ở mức từ 1,4-1,5 triệu đồng/kg. Vì thế hiện đa số bà con nơi đây cũng đang cầm cự nuôi đợi giá, nhưng cũng có số người bán đổ bán tháo bởi tôm hao hụt cao, chấp nhận thua lỗ.

Theo nhiều người nuôi tôm, nguyên nhân giá tôm hùm rớt giá thê thảm là do thị trường tiêu thụ chính Trung Quốc đang chững lại. Mặt khác, trước thông tin về dich bệnh, nhiều lái buôn cũng chủ động ép giá, liên tục hạ giá thành tôm thương phẩm khiến cho người nuôi gặp khó khăn.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.