| Hotline: 0983.970.780

Tôm thẻ chân trắng không từ trên trời rơi xuống

Thứ Sáu 26/08/2011 , 10:34 (GMT+7)

So với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế là kháng bệnh tốt hơn, lớn nhanh hơn và thích nghi cao hơn ở các điều kiện môi trường thay đổi.

Con tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) xuất hiện lần đầu tiên ở bang Florida (Mỹ) vào năm 1973 sau đó được các nhà khoa học đưa vào nuôi thử nghiệm cách ly để phục vụ công tác nghiên cứu. Sau ba năm nuôi thí điểm, loại vật nuôi mới này đã thành thục và được phép nuôi tại Panama vào năm 1976.

Bắt đầu từ thời điểm này, người ta chứng kiến một làn sóng du nhập và phát triển tôm thẻ chân trắng rất quy mô tại các quốc gia Nam và Trung Mỹ. Đặc biệt tại Hawaii, thuộc lãnh thổ Mỹ, tôm thẻ chân trắng phát triển tốt đến những năm 1980 sau đó phát triển mạnh khắp khu vực châu Mỹ Latinh.

Chỉ cho đến khi El- Nino xuất hiện thì người ta mới thấy dịch bệnh trên tôm thẻ nhưng so với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế là kháng bệnh tốt hơn, lớn nhanh hơn và thích nghi cao hơn ở các điều kiện môi trường thay đổi. Năng suất tôm thẻ cả năm có thể đạt 44 tấn/ha trong điều kiện thức ăn không đòi hỏi cao về hàm lượng protein như tôm sú. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng trong khu vực đạt 193.000 tấn vào năm 1998, sau đó giảm xuống còn 143.000 tấn vào năm 2000 rồi nhanh chóng tăng trưởng trở lại vào năm 2004, đạt 270.000 tấn.

Cũng trong thời gian này, nhiều quốc gia châu Á cũng cho du nhập tôm thẻ vào nuôi và nhanh chóng trở thành một đối tượng nuôi trồng mới cho năng suất và hiệu quả cao. Theo số liệu không chính thức của Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO) thì tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng tại châu lục này đã đạt xấp xỉ 1.116.000 tấn vào năm 2004, nâng tổng sản lượng toàn cầu lên con số 1.386.000 tấn. Trong đó Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan là những vùng nuôi tôm thẻ lớn nhất do phù hợp với các điều kiện nuôi trồng tôm thẻ.

Trong thời điểm này dư luận cũng xuất hiện nhiều thông tin quan ngại về dịch bệnh từ tôm thẻ chân trắng và không dám cho du nhập nên nhiều quốc gia châu Á cũng miễn cưỡng đối với loại vật nuôi mới này. Năm quốc gia châu Á là Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar và Philippines chỉ dám nuôi thử nghiệm cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Riêng Thái Lan và Indonesia cho thả nổi việc du nhập và nuôi trồng dù các quan chức ngành thủy sản có khuyến cáo về nguy cơ.

Theo thống kê của FAO năm 2004, các quốc gia sản xuất nhiều tôm thẻ nhất gồm Trung Quốc (700.000 tấn), Thái Lan (400.000 tấn), Indonesia (300.000 tấn) và Việt Nam (50.000 tấn). Kế đến là những quốc gia ở các châu lục khác như Mỹ, Brazil, Ecuador, Mexico, Venezuela, Honduras, Guatemala, Nicaragua, Belize, Peru, Colombia, Costa Rica, Panama, El Salvador, Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Suriname, Saint Kitts, Jamaica, Cuba, Cộng hòa Dominica và Bahamas.

Thị trường tiêu thụ cho loại vật nuôi này số một thế giới vẫn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với ba sản phẩm chính là tôm đông lạnh nguyên con, lột vỏ và bỏ đầu. Sau đó các nhà sản xuất và chế biến còn đa dạng hóa bằng nhiều sản phẩm khác nhằm làm gia tăng giá trị gia tăng cho con tôm thẻ chân trắng trong xu thế tiêu dùng mới.

Năm 2005, Mỹ nhập khẩu xấp xỉ 477.000 tấn tôm thẻ các loại, trị giá 3,1 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần so với năm 2000 chủ yếu từ Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Cùng năm này, châu Âu nhập 183.000 tấn chỉ trong nửa đầu năm.

Theo dự báo của các chuyên gia thị trường thủy hải sản, bất chấp tình hình dịch bệnh do virus Taura, đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng mà một số quốc gia lo ngại thì nhu cầu tiêu dùng loại thủy sản này vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên để giữ được thị phần trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn thì con tôm thẻ phải đảm bảo được lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Theo đó sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, không tồn dư hóa chất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất