| Hotline: 0983.970.780

Tôm thẻ chân trắng - Tiềm năng& thách thức

Thứ Ba 17/12/2013 , 10:06 (GMT+7)

Qua hơn 1 năm chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, người nuôi tôm ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… trúng lớn...

Qua hơn 1 năm chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng (TTCT), người nuôi tôm ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… trúng lớn. TTCT đã “soán ngôi” tôm sú, sản lượng tăng hơn 10 lần so năm 2012.

Thu hoạch trên 60 tấn TTCT với diện tích nuôi 8 ha, bán được trên 7 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu hơn 1,5 tỷ, lãi ròng hơn 2,5 tỷ, ông Lương Văn Tốt, ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang được xếp vào tốp 10 “kiện tướng” nuôi TTCT có mức lợi nhuận cao nhất tỉnh.

Ông Tốt nói: Trước đây tôi nuôi tôm sú thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Năm 2013 đầu tư thả nuôi hơn 3,2 triệu con giống TTCT. Sau 3 tháng nuôi 1 ha cho thu nhập tương đương 850 triệu đồng. Sau khi thành công 1 ha tôi đã mở rộng ra 8 ha và tổng thu năm 2013 trên 7 tỷ.

Ông Ngô Văn Kim, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) chuyển 4,5 công đất nuôi tôm sú sang nuôi TTCT, sau gần 3 tháng nuôi, ông thu lãi hơn 330 triệu đồng. Không riêng ông Tốt, ông Kim mà nhiều hộ ở các địa phương khác, sau hơn 1 năm chuyển đổi nuôi thử nghiệm TTCT, vụ tôm 2013 đạt lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỷ đ/ha/hộ.

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN-PTNT Cầu Ngang đánh giá: Năm 2013 trên địa bàn huyện có 2.133 lượt hộ thả nuôi TTCT trên diện tích 1.442 ha, hơn 83,90% hộ nuôi có lãi sau 3 tháng. Đây là thành công bước đầu mở ra triển vọng mới trong đa dạng con nuôi thủy sản.

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, năm 2013 toàn tỉnh có 3.700 lượt hộ thả nuôi gần 1,1 tỷ con TTCT. Tuy diện tích thả nuôi TTCT khoảng 2.323 ha (chưa bằng 10% diện tích tôm sú), nhưng tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt gần 10.500 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2012.

Ông Lương Văn Tốt nói: Thành công của vụ tôm 2013 đang đặt ra thách thức mới cho vụ tôm 2014 là khi phát triển ồ ạt, tự phát, không tuân thủ quy trình nuôi tôm… sẽ kéo theo nhiều rủi ro rất lớn. Như vậy, muốn nuôi thành công TTCT phải hội đủ điều kiện như vốn đầu tư cao, con giống sạch bệnh, quản lý môi trường, nguồn nước ao nuôi, dịch bệnh... Đó là những yếu tố tiên quyết đem đến thành công.

Ông Cao Hữu Hiền, xã Mỹ Long Nam chia sẻ: Tôi có 4 ha nuôi TTCT, năm 2013 gia đình thả nuôi 3 triệu con giống, 30% diện tích bị nhiễm bệnh chết, phải thả lại lần 2, cuối vụ thu hoạch 31 tấn tôm thương phẩm, bán được 3,5 tỷ đồng, lãi hơn 1 tỷ. Do mật độ nuôi dày (150 con/m2) nên dịch bệnh dễ xảy ra, nếu con giống không tốt, môi trường bất lợi… TTCT cũng đổ bệnh như tôm sú.

Từ thành công bước đầu 2013 trúng mùa, tôm thương phẩm được giá, theo đó các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) đã có kế hoạch thả nuôi 4.240 ha (tăng gần 2 lần), sản lượng 14.400 tấn tôm thẻ chân trắng (tăng 4.400 tấn).

Riêng huyện Cầu Ngang đang phát triển nóng, ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Đây là điều mà các nhà quản lý nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng và chắc chắn diện tích sẽ tăng trong năm 2014. Mùa tôm mới bắt đầu. Với tốc độ phát triển TTCT chạy theo phong trào như hiện nay đã đặt ra cho ngành chức năng về nguy cơ vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

ThS Phạm Minh Truyền, Phó GĐ Sở NN-PTNT Trà Vinh phân tích: Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) dự báo tình hình nuôi TTCT sẽ khôi phục lại ở Trung Quốc, Thái Lan và sản lượng 2014 sẽ tăng đột biến. Trong nước từ thắng lợi vụ nuôi 2013, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh diện tích nuôi TTCT dẫn đến sản lượng sẽ tăng mạnh.

Trước tình hình này Trà Vinh khuyến cáo nông dân chỉ phát triển mô hình nuôi TTCT theo quy trình thâm canh, bán thâm canh (công nhiệp, bán công nghiệp) theo cơ cấu hợp lý giữa tôm sú và TTCT.

Theo đó, diện tích nuôi TTCT không vượt quá 3.750 ha. Chỉ nên phát triển diện tích nuôi ở những vùng hội đủ điều kiện về nguồn điện, hệ thống thủy lợi tốt, giao thông thuận lợi. Chỉ phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh không phát triển mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến.

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II cho rằng:

“Việc phát triển TTCT ở VN gây nhiều quan ngại. Chúng ta chưa chủ động được nguồn giống tôm này. Chi phí cho con giống khá lớn mà hiệu quả chưa ổn định. Nuôi trồng bền vững trước hết phải hạn chế được dịch bệnh.

Ở Thái Lan chỉ cho phép nuôi TTCT quy mô công nghiệp khép kín. Ở Indonesia cũng tương tự, họ chỉ cho phép nuôi ở khu nuôi công nghiệp riêng biệt".  

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất