| Hotline: 0983.970.780

Tôm vụ nghịch bớt... nghịch?

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:42 (GMT+7)

Những hộ quyết tâm nuôi tôm vụ nghịch đã biết áp dụng những giải pháp mang tính an toàn hơn cho con tôm.

Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp Long An thường khuyến cáo nông dân không thả nuôi tôm vụ nghịch (thời gian thả từ tháng 7 đến tháng 10), vì vụ nuôi này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro từ môi trường nước, dễ lây lan dịch bệnh sang vụ 1 là vụ nuôi chính. Tuy nhiên, tôm nuôi vụ nghịch thường được giá cao, do đó nhiều nông dân các huyện vùng hạ như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành vẫn thả nuôi.

Điều đáng nói là những hộ quyết tâm nuôi tôm vụ nghịch đã biết áp dụng những giải pháp mang tính an toàn hơn cho con tôm. Nổi bật trong đó là việc đào giếng tầng nông, lấy nước giếng để nuôi tôm vụ nghịch, tập trung tại các huyện Tân Trụ và Châu Thành. Phong trào đào giếng lấy nước nuôi tôm đã xuất hiện ở Long An từ 3-4 năm nay. Anh Phạm Văn Cành, nông dân ở ấp Thuận Lợi (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết, sở dĩ người dân phải đào giếng lấy nước nuôi tôm vụ nghịch là do nước sông bị ô nhiễm, phải tốn rất nhiều chi phí để xử lý nước trước khi nuôi. Nuôi tôm bằng nước sông cũng gặp rủi ro cao vì dễ “rước” dịch bệnh do ao khác thải ra vào trong ao tôm nhà mình.

Gia đình anh Cành đã bỏ ra 5 triệu đồng để đào giếng. Tới độ sâu hơn 30 mét, giếng đã cung cấp một nguồn nước mặn sạch đảm bảo cho việc nuôi tôm. Lấy nước lên đo, độ mặn từ 10-12 phần ngàn, khi đó anh Cành lấy nước giếng đó vào một ao lắng, dùng hoá chất EDTA khử kim loại nặng rồi mới đưa vào ao nuôi, pha thêm một phần nước sông để giảm bớt độ mặn. Kết quả liên tiếp trong mấy năm qua, anh đều thắng lớn tôm vụ nghịch, với mức lợi nhuận bình quân 80-100 triệu đ/ha.

Theo khảo sát của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Long An, tại các huyện Châu Thành và Tân Trụ, hiện có khoảng 472 hộ nuôi tôm vụ nghịch bằng nước giếng tầng nông, với tổng diện tích nuôi là 274,81 ha. Tổng số giếng ở 2 huyện này là 524 cái, mỗi hộ nuôi tôm đào từ 1-2 giếng, mỗi giếng đầu tư ban đầu từ 2-5 triệu đồng. Xã có nhiều giếng nhất là Thanh Phú Long (Châu Thành) với 312 giếng, xã Tân Phước Tây (Tân Trụ) có 212 giếng…

Khi chuẩn bị nuôi tôm, nông dân lấy nước sông vào ao nuôi khoảng 0,3-0,5 m. Đồng thời, họ lấy nước giếng vào ao lắng để xử lý bằng vôi, EDTA hoặc Dolomite. Sau đó, họ đưa nước giếng từ ao lắng vào ao nuôi để pha với nước sông. Cũng có hộ đưa thẳng nước giếng vào ao nuôi pha với nước sông rồi dùng những hóa chất như trên để xử lý. Tùy theo độ mặn của giếng (độ mặn các giếng khoan dao động từ 8 đến 12 phần ngàn) mà lượng nước giếng sẽ chiếm 30-70% tổng lượng nước ao nuôi. Khi ấy, độ sâu của nước ao nuôi là 0,8-1 m, độ mặn từ 4-6 phần ngàn.

Cũng từ hiệu quả nuôi tôm vụ nghịch nhờ nước giếng khoan của nông dân, nên thay vì khuyến cáo không nên thả nuôi như trước đây, ngành nông nghiệp đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cách thả nuôi vụ nghịch sao cho hiệu quả nhất và theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch bệnh kịp thời.
Hiệu quả của việc nuôi tôm vụ nghịch bằng nước giếng ở Châu Thành và Tân Trụ nhìn chung khá khả quan. Trong vụ nghịch 2009-2010, có 472 hộ nuôi bằng nước giếng thì có tới 379 hộ nuôi có lãi, tổng diện tích thu lãi là 227,7 ha. Hộ lãi thấp nhất là 5 triệu đồng, hộ lãi cao nhất tới 250 triệu đồng, bình quân mỗi hộ lãi 18,48 triệu đồng. Tổng lợi nhuận của các hộ có lãi là 7 tỷ đồng. Những hộ còn lại, 33 hộ hòa vốn và 60 hộ bị thua lỗ, hộ lỗ nhẹ nhất là 5 triệu đồng, có hộ lỗ nặng tới 150 triệu đồng. Tổng số tiền thua lỗ là 745 triệu đồng. Tính ra, tổng lợi nhuận của các hộ nuôi đạt gấp gần 10 lần số tiền thua lỗ của các hộ thất bại.

Theo nhận định của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Long An, những hộ nuôi chỉ hòa hoặc lỗ là do họ mua phải con giống kém chất lượng, xử lý nguồn nước chưa tốt, trong quá trình nuôi bị nhiễm bệnh và loại trừ nguyên nhân nào từ nước giếng. Theo Sở TN- MT Long An, thời gian đầu, chính quyền tỉnh này đã cấm nông dân đào giếng lấy nước nuôi tôm vì sợ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước. Nhưng sau đó, qua xem xét kỹ lưỡng, thấy các giếng có độ sâu 30-40 mét không ảnh hưởng gì tới những vấn đề trên nên tỉnh không cấm nữa.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.