| Hotline: 0983.970.780

Tổng thống Peru đứng trước nguy cơ bị phế truất

Thứ Bảy 16/12/2017 , 19:05 (GMT+7)

Cơ quan lập pháp Peru đã nhất trí buộc Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski rời khỏi ghế do liên quan đến tham nhũng.

Tổng thống Peru Kuczynski. Ảnh: Reuters.


Quốc hội Peru ngày 15/12 thông qua việc bắt đầu các thủ tục "bỏ trống vị trí tổng thống", với đủ phiếu để phế truất ông Pedro Pablo Kuczynski trong vòng một tuần, Reuters đưa tin.

Với tỷ lệ 93 phiếu ủng hộ, 17 phiếu chống, quốc hội Peru do phe đối lập kiểm soát đã nhất trí việc phế truất Tổng thống Kuczynski do ông có liên quan đến một bê bối tham nhũng. Việc phế truất, cần 87 phiếu, dự kiến được thực hiện trong phiên họp ngày 21/12. Tổng thống Peru sẽ phải tự bào chữa cho mình trước cáo buộc này.

Ông Kuczynski bị yêu cầu từ chức sau khi công ty xây dựng Brazil Odebrecht, đang là tâm điểm trong bê bối tham nhũng lớn nhất châu Mỹ Latin, bị cho là đã hối lộ khoản tiền lên đến 4,8 triệu USD cho các công ty do ông Kuczynski sở hữu hoặc của bạn thân ông.

Ngày 14/12, Tổng thống Kuczynski cho biết ông là chủ sở hữu, không phải quản lý công ty bị cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht, khi giữ các vị trí cấp cao trong chính phủ. Kuczynski cho hay ông có cung cấp các dịch vụ tài chính cho một dự án thuộc Odebrecht, với vai trò tư vấn cho công ty của một người bạn, vào thời điểm ông không nắm giữ chức vụ công. Phe đối lập lên án việc ông giải trình "quá ít, quá trễ". 

Tổng thống Peru trước đó bác bỏ mối liên quan đến công ty Odebrecht. Ông Kuczynski thề sẽ không từ chức.

Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ giấu tên tiết lộ ông Kuczynski biết rõ mình có ít cơ hội vượt qua được thách thức lần này. Bằng cách phản đối yêu cầu từ chức, ông hy vọng tên mình không bị "nhúng chàm" và tránh bị ảnh hưởng khi việc điều tra tham nhũng đối với Odebrecht được mở rộng.

"Đây là nỗi hổ thẹn của quốc gia. Việc ông Kuczynski từ chức là lựa chọn ít gây hại hơn cho Peru. Ông ấy buộc chúng tôi phải luận tội ông ấy", Lourdes Alcorta, nghị sĩ phe đối lập, nói.

Công ty Odebrecht đã gây rúng động chính trường cả khu vực khi chấp thuận việc cung cấp chi tiết các kế hoạch hối lộ ở khắp châu Mỹ Latin từ một năm trước. Vụ việc khiến nhiều quan chức ở các vị trí cao bị bắt, từ Colombia đến Cộng hoà Dominca và ở cả Brazil.

Hai cựu tổng thống Peru cũng đang vướng lao lý do liên quan đến cuộc điều tra Odebrecht. Ông Ollanta Humala bị tạm giam hồi tháng 7, chờ xét xử, còn ông Alejandro Toledo đang bị yêu cầu dẫn độ từ Mỹ về nước. Ông Keiko Fujimori, lãnh đạo phe đối lập, cũng bị điều tra nhưng ông khẳng định không làm gì sai trái.

Nếu Tổng thống Kuczynski bị phế truất, Phó tổng thống thứ nhất Martin Vizcarra sẽ thay thế ông.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.