| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Bắt giữ 87 vụ gia súc, gia cầm bệnh

Thứ Hai 18/04/2011 , 11:45 (GMT+7)

Trong hơn 3 tháng đầu năm, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức (TPHCM) đã bắt giữ 87 vụ gia súc, gia cầm bệnh vận chuyển lậu...

Trong hơn 3 tháng đầu năm, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức (TPHCM) đã bắt giữ 87 vụ gia súc, gia cầm bệnh từ nhiều tỉnh, thành bị các đối tượng tìm cách tuồn vào TPHCM, với số tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng…

Hôm qua 17/4, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức (TPHCM) cho biết, Trạm và Đội CSGT Rạch Chiếc vừa phải “đấu trí” với chiếc xe khách mang biển kiểm soát 53M-7766 chạy từ Đồng Nai về TPHCM, đang vận chuyển số lượng lớn sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Cụ thể, khi bị đoàn kiểm tra chặn bắt tại xa lộ Hà Nội, tài xế chiếc xe đã nhấn ga chạy vọt đi, khi đến khúc cua trên đường đã cho xe quay đầu lại chạy về hướng Đồng Nai nhằm tẩu tán lô hàng. Nhờ có sự giúp sức của CSGT Rạch Chiếc đuổi theo chặn lại chiếc xe mới chịu dừng, nhưng tài xế đã nhảy khỏi xe và bỏ trốn khỏi hiện trường. Trước tình huống này, đoàn đã lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với chủ hàng, đồng thời CSGT lập biên bản về vi phạm trật tự giao thông đối với tài xế đã bỏ trốn và đưa xe về Trạm tiếp tục xử lý.

 Tại đây kiểm tra cho thấy, trong khoang hành khách xe đang chứa trên 3,5 tạ thịt heo, phụ phẩm heo, thịt chim cút không có dấu kiểm soát giết mổ và không giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo bà Đặng Thị Tuyết – Trưởng trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức, đây là vụ vi phạm thứ 87 bị Trạm bắt giữ, xử lý tính từ đầu năm 2011 đến nay với số tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng (trung bình hơn 1 ngày bắt giữ 1 vụ).

Để có thể làm tốt công tác này, bà Tuyết cho rằng một mình Trạm không thể thực hiện được nếu không có sự giúp sức của Đội CSGT Rạch Chiếc và Bình Triệu trong việc kiên quyết chặn bắt các xe vi phạm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch LMLM đang lây lan chóng mặt, ngày 1/3/2011 UBND TPHCM đã có chỉ thị “nóng” 07/2011/UBND về đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Đội CSGT Rạch Chiếc và Bình Triệu liên tục phối hợp với tổ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (24/24 giờ).

Bà Đặng Thị Tuyết cho biết, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo Công an TPHCM khen thưởng đột xuất một số chiến sĩ CSGT trong công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, như: chiến sĩ Nguyễn Hữu Minh Tuấn, Lê Hoàng Hải, Trần Bửu Nhật Tân, Phùng Duy Tân, Trần Trung Hiếu, Ngô Anh Đức, Lương Duy Năm… “Nói đến phòng chống dịch bệnh mọi người thường nghĩ đến cán bộ thú y thôi, nhưng nói thật, không có sự tích cực phối hợp của CSGT, đố chúng tôi dừng được chiếc xe vi phạm nào!” – bà Tuyết nói.

Nhờ có sự giúp sức này, hàng loạt chiếc xe khách chở hàng nghìn con heo lậu, heo bệnh tìm đường tuồn vào TPHCM “đầu độc” người tiêu dùng và gây lây lan dịch bệnh đã bị tóm gọn ngay tại cửa ngõ. Tiêu biểu như vụ bắt giữ chiếc xe tải 54S-9398 tại quốc lộ 1A sáng ngày 12/3/2011, đang chở 141 con heo sống có nguồn gốc từ Quảng Nam (có dịch LMLM) không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Vụ bắt giữ chiếc xe tải 92K-6622 rạng sáng ngày 13/3/2011, đang chở lô heo sống khổng lồ lên đến 717 con và 174 con heo sữa đã giết mổ không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt đến từ vùng dịch LMLM Quảng Nam.

Đặc biệt, rất nhiều vụ đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, đe dọa tấn công đoàn kiểm tra, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng CSGT Rạch Chiếc và Bình Triệu đã giúp đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm “tấn công” hơn 8 triệu người tiêu dùng TPHCM.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm