| Hotline: 0983.970.780

TP HCM đột phá

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:33 (GMT+7)

Ngay từ năm 2006 TP.HCM đã chủ trương chuyển diện tích đất lúa sang trồng rau an toàn, hoa kiểng, nuôi cá cảnh, bò sữa… tạo tiền đề và “cảm hứng” cho nông dân đột phá.

Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay bàn cãi về cơ cấu SX nông nghiệp, thì ngay từ năm 2006 TP.HCM đã chủ trương chuyển diện tích đất lúa sang trồng rau an toàn, hoa kiểng, nuôi cá cảnh, bò sữa… tạo tiền đề và “cảm hứng” cho nông dân đột phá.

NÔNG DÂN NHÌN XA TRÔNG RỘNG

Ngay khi bước vào khu vườn trồng cây kiểng, bon sai rộng 4.000 m2 của nông dân Bùi Phú Diễn (đường số 10, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), chúng tôi “chạm trán” ngay với 2 “siêu cây cảnh” cổ thụ án ngữ ngay lối ra vào.

MẠNH DẠN ĐI TRƯỚC

Ông Diễn năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng giọng nói vẫn rất hào sảng, trẻ trung: “Cây vạn niên tùng này đã trên 100 năm tuổi, giá cả tỷ đồng đấy. Còn cây me cũng vài chục năm tuổi rồi, có người trả 350 triệu tôi vẫn chưa bán!”.

Càng đi sâu vào trong, mọi người càng trầm trồ trước vẻ đẹp của cả nghìn gốc mai ghép, vạn niên tùng, bon sai, kiểng cổ với đủ tư thế, dáng trực và vẻ đẹp hút hồn. Ông Diễn tiếp lời: “Tôi mới chỉ chuyển qua nghề cây kiểng được 12 năm và thực sự làm bài bản, chuyên nghiệp được 7 - 8 năm nay, kể từ khi TP có chính sách khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu SX".

Nhớ lại những ngày gian khó xưa, ông trầm tư cho biết, quê vốn ở Quảng Ngãi, ông vào Nam lập nghiệp khi còn là chàng thanh niên 24 tuổi với đủ ước mơ. Xoay sở làm đủ thứ nghề, cuối cùng ông dừng chân làm nhân viên ở HTX dịch vụ, thương mại quận 10.

Vốn có máu đam mê nghề nông, sau nhiều năm gom góp, đầu năm 1990 hai vợ chồng ông mua được 1.500 m2 đất ruộng ở khu vực Tân Bình. Lúc này, nhìn xung quanh ông chỉ thấy bà con lối xóm trồng toàn lúa và mía, vất vả đủ đường nhưng hiệu quả không cao.


Vườn cây kiểng, bonsai của ông Diễn tại Thủ Đức

Đây cũng là thời điểm TP nhen nhóm việc nuôi bò sữa, thấy thế ông quyết tìm hiểu và đầu tư mua 10 con bò về để “đánh bạc” trên mảnh đất mới. Không ngờ, từ đàn bò 10 con, ông đã gây dựng được đàn bò sữa lên tới 50 con và thu được một “mẻ” cực lớn. Thấy thế, nhiều bà con cũng học theo ông bỏ lúa để nuôi bò.

Tuy nhiên, do đất khu vực Tân Bình ngày càng bị đô thị hóa, việc nuôi bò sữa gây ảnh hưởng đến xung quanh, nên dù thu nhập rất cao và tiềm năng phát triển lớn nhưng ông quyết định bán hết đàn bò về Củ Chi, Hóc Môn. Sau đó ông quay ngược lên khu vực Thủ Đức để mua 4.000 m2 đất lúa, bắt đầu chinh phục nghề bon sai, cây kiểng.

Ông Diễn khẳng định: “Tôi bỏ con bò sữa là bất đắc dĩ thôi vì giờ nó đã chứng minh ai nuôi bò sữa thì sống khỏe, còn nghề cây kiểng có thời điểm cũng trúng rất đậm, nhất là dịp lễ tết. Tuy nhiên lúc mới chuyển qua trồng mai, bonsai tôi cũng gặp đủ thứ khó khăn, nhất là về vốn liếng đầu tư.

May mà từ năm 2006, TP có chính sách khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ về lãi suất vay vốn, thủ tục đơn giản, gọn lẹ nên tôi được “tiếp sức” để thành công như ngày hôm nay”.

Hiện tại, vườn của ông có trên 1.000 gốc mai ghép, giá trị khoảng 30 tỷ đồng (trung bình 30 triệu đồng/gốc). Đặc biệt, hàng trăm gốc kiểng, bon sai, vạn niên tùng, bồ đề, me cảnh… có giá từ vài triệu cho đến vài tỷ đồng/gốc, tổng giá trị lên tới vài chục tỷ đồng.

Ông Diễn khoe: “Đợt tết năm ngoái, chỉ riêng tiền cho thuê hơn 100 gốc mai tôi đã thu về hơn nửa tỷ đồng! Đấy là do kinh tế suy thoái, chứ vài năm trước, khi nhà đất sốt hừng hực thì cứ đến tết là cả vườn gần như trống trơn vì người mua và thuê mai, cây kiểng cứ kéo đến ùn ùn!”.

HỖ TRỢ TÍN DỤNG

Thành công của ông Diễn cũng như hàng nghìn hộ nông dân khác tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Nhà Bè quyết bỏ lúa sang nuôi bò sữa, cây kiểng, hoa lan, cá cảnh, cá sấu… đã chứng minh cách làm của TP.HCM là đúng đắn.

Đã có hàng nghìn ha đất lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị thấp được cải tạo, chuyển đổi sang nuôi trồng các cây con tạo giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần. Đến nay TP.HCM đã đứng trong nhóm những địa phương có giá trị SX nông nghiệp/ha đất cao nhất nước (năm 2012 đạt 239 triệu đồng/ha/năm).

Để có được sự chuyển biến mạnh mẽ này, chính sách về tín dụng của TPHCM được xem như “bệ phóng” giúp việc chuyển dịch cơ cấu SX được nhanh và hiệu quả. Trong đó, Quyết định số 36 của UBND TPHCM (năm 2011) là một giải pháp cụ thể thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn theo hướng nông nghiệp đô thị.

Sau 2 năm (2011 - 2013) đã có 1.607 phương án của 7.513 gia đình, trang trại, DN được vay vốn hỗ trợ lãi vay SX các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 3.170 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Củ Chi có 844 phương án của 3.187 hộ gia đình, trang trại, DN với tổng vốn đầu tư hơn 992 tỷ đồng (vốn vay có hỗ trợ lãi vay là 619 tỷ). Quy mô bình quân vốn đầu tư là 422 triệu đồng/hộ và vốn vay 241 triệu đồng/hộ. Qua đó, giải quyết việc làm thông qua các phương án vay vốn trên 18.800 lao động, trong đó có trên 2.600 lao động là đối tượng thuộc hộ nghèo.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển dịch này, vào tháng 3/2013, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 13 quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013 - 2015. Trong đó tiếp tục kích thích bằng giải pháp tín dụng: Cụ thể, nông dân đầu tư SX hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 80% lãi suất (trước đây là 60%).

Đầu tư SX các loại cây trồng vật nuôi khác theo quy hoạch và theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; ký kết hợp đồng SX và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn được ngân sách TP hỗ trợ 60% lãi suất (riêng hộ nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất).

Ngoài việc hỗ trợ về vốn vay, chuyển giao giống, tập huấn kỹ thuật… ngành nông nghiệp TPHCM còn chú trọng đến khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, Trung tâm Tư vấn & Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM hỗ trợ xây dựng website cho 23 đơn vị; thiết kế logo, nhãn hiệu cho 21 đơn vị SXKD hoa, cây kiểng trên địa bàn TP.

Tiêu biểu như xây dựng website cho vườn lan Út Hài, Hoàng Lực, Hồng Chi (huyện Bình Chánh), nhà vườn Chín Cơ (huyện Hóc Môn), Mười Vinh (huyện Củ Chi); đồng thời hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho các nhà vườn như Lê Thái Quyên (huyện Bình Chánh), Mười Vinh, Thu Ngân, Thu Hồng (huyện Củ Chi)…

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.