| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Nuôi bò sữa, lổ chổng vó!

Thứ Sáu 14/05/2010 , 08:42 (GMT+7)

Giá thức ăn liên tục tăng, cùng những bất hợp lý trong thu mua sữa của các doanh nghiệp đang khiến cho người nuôi bò ở TP HCM phải khốn đốn.

* Nông dân đang lỗ khoảng 800 đ/kg sữa

Giá thức ăn liên tục tăng, cùng những bất hợp lý trong thu mua sữa của các doanh nghiệp đang khiến cho người nuôi bò ở TP HCM phải khốn đốn.

Lớn, nhỏ đều… lỗ

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ một trại bò sữa ở huyện Bình Chánh không giấu nổi sự lo lắng: “Lâu nay, người ta cho rằng nuôi bò sữa với quy mô càng lớn thì lợi nhuận càng nhiều. Nhưng nay, đàn bò của tôi đang cho tới trên 600 kg sữa mỗi ngày, vậy mà tính đi tính lại các khoản chi phí và giá bán sữa, thì thấy gần như chẳng lời được chút nào. Nuôi bò cỡ lớn như tôi mà đã vậy, thì với tình hình giá thức ăn chăn nuôi rồi giá bán sữa hiện nay, các hộ có quy mô nuôi nhỏ hơn sẽ như thế nào?”.

Ông Nguyễn Nam, cũng là một nông dân nuôi bò sữa, thì phàn nàn: “Khi công ty sữa tăng giá thu mua sữa tưoi thêm 250 đ/kg, nông dân chưa kịp mừng thì đã lại xanh mặt vì giá một bao cám đã tăng thêm 4.000 đ/kg. Như vậy, sự tăng giá thu mua sữa đâu còn ý nghĩa gì nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Tủi (Hội Nông dân TP HCM), mới đây, Hội Nông dân TP đã tổ chức đi khảo sát tình hình chăn nuôi bò sữa ở khu vực ngoại thành trong mấy tháng đầu năm nay. Kết quả thu được thật đáng lo ngại: các hộ chăn nuôi bò sữa, dù là quy mô lớn hay nhỏ, đều đang ít nhiều chịu lỗ. Nguyên nhân trước hết là do giá thức ăn cho bò sữa đã tăng tới 7 lần kể từ sau Tết Canh Dần đến giờ. Nếu như trước Tết, một bao cám có mức giá trung bình là 115.000 đ/kg, thì hiện giờ giá vào khoảng 145.000 đ/kg (tăng 25%). Mỗi kg hèm bia cũng đã tăng giá thêm 7.000 đ so với trước Tết. Tương tự, giá xác mì tăng 50%… Chính vì thế, nếu như trước đây, giá thành sản xuất mỗi kg sữa chỉ vào khoảng 5.600-6.300 đ/kg, thì hiện nay đã lên tới 8.100 đ/kg. Nếu so với giá thu mua sữa bình quân hiện nay, thì nông dân đang lỗ khoảng 800 đ/kg.

Tuy nhiên, nếu nói giá thành chăn nuôi tăng cao chỉ do giá TĂCN tăng mạnh là không chính xác. Mà theo Sở NN&PTNT TP HCM, còn có nguyên nhân từ việc người chăn nuôi chưa thực hiện chế độ dinh dưỡng cho bò sữa một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Chẳng hạn, nông dân còn sử dụng nhiều nguồn cỏ tự nhiên, chất lượng không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến lượng vật chất khô trong sữa; nông dân sử dụng nhiều thức ăn tinh tuy làm tăng lượng sữa nhưng chất lượng lại giảm; nông dân chưa áp dụng các biện pháp sơ chế thức ăn xanh; nhiều hộ không tự vắt sữa mà vẫn thuê người vắt sữa, làm tăng chi phí thêm tới 500 đ/kg.

Ngôn từ mập mờ, nông dân lãnh đủ

Nhiều người nuôi bò sữa ở ngoại thành TP HCM vẫn đang… ngơ ngác với cái chỉ tiêu “tổng tạp trùng” trong sữa mà Cty Frieslan Campina Vietnam đưa ra. Hầu hết các hộ nuôi bò sữa lâu năm đều cho rằng từ xưa tới giờ, họ mới chỉ biết tới các chỉ tiêu như độ nhiễm vi sinh…, còn cái chỉ tiêu “tổng tạp trùng” mà Cty này mới đưa ra gần đây thì không ai hiểu là gì. Nông dân bối rối, người này hỏi người kia, mà chẳng ai giải đáp được. Ngay cả Sở NN&PTNT cũng lúng túng khi tiếp cận cụm từ này và yêu cầu Cty Frieslan Campina Vietnam phải có định nghĩa chỉ tiêu “tổng tạp trùng” và giải thích sự khác biệt giữa chỉ tiêu này và độ nhiễm vi sinh.

Khi chỉ tiêu “tổng tạp trùng” đang đánh đố nông dân và cơ quan quản lý, thì người nuôi bò sữa ở TP HCM đang không hài lòng với cách tính thưởng, phạt theo chỉ tiêu này. Nếu sữa nông dân đạt chất lượng tốt, nông dân chỉ được thưởng thêm chừng 200 đ/kg. Nhưng nếu sữa nông dân lỡ “dính” vào chỉ tiêu tổng tạp trùng, thì nông dân có thể bị trừ tới 400-500 đ/kg, thậm chí có thời điểm bị trừ tới 900 đ/kg. Về thực trạng này, ông Nguyễn Phước Trung, PGĐ Sở NN&PTNT TP HCM cũng cho rằng đúng là doanh nghiệp đang không công bằng trong việc thưởng, phạt chất lượng sữa của nông dân.

Bên cạnh đó, theo Sở NN&PTNT TP HCM, trong các bản hợp đồng thu mua sữa do các doanh nghiệp đưa ra, vẫn còn nhiều điều, khoản dài dòng, khó hiểu, có nội dung chưa rõ ràng, hoặc mang nặng tính áp đặt của doanh nghiệp, khiến nông dân có thể lãnh đủ khi gặp “sự cố”. Nói về những mẫu hợp đồng này, ông Nguyễn Văn Tủi nhận xét vui rằng “Các bản hợp đồng đều quá rườm rà, có thể làm… mù mắt nông dân”.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất