| Hotline: 0983.970.780

Trả lời Công an tỉnh Phú Thọ

Thứ Sáu 17/06/2011 , 10:54 (GMT+7)

Ông Mè Anh Vinh bên số cám An Hựu mà ông cho là kém chất lượng

Báo NNVN ra ngày 17/5 có bài “Doanh nghiệp tố công an nhũng nhiễu” phản ánh việc Phòng CSĐT tội phạm kinh tế - CA tỉnh Phú Thọ có dấu hiệu lạm dụng chức quyền nhũng nhiễu doanh nghiệp.

>> DN tố công an nhũng nhiễu

Sau khi báo đăng tải, CA tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 317/CAT - PC46 trả lời tòa soạn, cho rằng ông Mè Anh Vinh (giám đốc Cty Phú Mĩ Vinh) có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì nghi ngờ ông Vinh sử dụng tiền của Cty Côn Xương để mua ô tô nên CA tỉnh đã tạm giữ chiếc xe ô tô BKS: 19C - 003 43. Để chứng minh ông Vinh có dấu hiệu phạm tội, đại tá Nguyễn Văn Thứ - PGĐ CA tỉnh Phú Thọ lập luận:

"Việc nại ra lý do sản phẩm của Cty Côn Xương kém chất lượng là không đúng, vì từ tháng 6/2009, Cty Phú Mĩ Vinh tiếp tục lấy một lượng lớn thức ăn gia súc (9.605 kg) của Cty Côn Xương. Nếu chất lượng kém tại sao Cty Phú Mĩ Vinh còn lấy nhiều cám như vậy? Hơn nữa Cty Côn Xương khẳng định trong suốt thời gian đó không cử một cán bộ nào lên làm thí nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm. Ông Lê Hà Giang - người có tên trong biên bản đã có quyết định nghỉ việc tại Cty Côn Xương từ 31/7/2008 trong khi biên bản của Cty Phú Mĩ Vinh được lập ngày 02/05/2009. Như vậy biên bản đánh giá chất lượng do ông Vinh đưa ra là một loại tài liệu khống, giả mạo nhằm ý đồ xấu".

Tuy nhiên, theo NNVN thì cách nhìn nhận trên của CA tỉnh Phú Thọ còn thiên về võ đoán. Thứ nhất, Cty Phú Mĩ Vinh kí hợp đồng tiêu thụ cám với Cty Côn Xương từ năm 2008, đây là mối quan hệ làm kinh tế lâu dài với nhiều điều kiện ràng buộc. Vì vậy nếu Cty Phú Mĩ Vinh bị tổn thất do chất lượng cám và được Côn Xương hứa đền bù thỏa đáng thì trong thời gian chờ đợi giải quyết, việc Phú Mĩ Vinh tiếp tục nhập cám là chuyện bình thường. Trong SX, đặc biệt ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng của từng lô hàng. Việc Phú Mĩ Vinh đòi đối tác bồi thường chất lượng lô hàng trước không có nghĩa là Phú Mĩ Vinh sẽ chấm dứt ngay hợp đồng với Côn Xương. CA tỉnh Phú Thọ chỉ dựa vào đơn hàng tiếp theo của Cty Phú Mĩ Vinh để khẳng định không có việc hàng kém chất lượng là hoàn toàn không có cơ sở. Để làm rõ chất lượng cám, cách duy nhất là phải kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm. Hiện ông Mè Anh Vinh vẫn còn lưu giữ chứng cứ trong kho, tại sao CA tỉnh Phú Thọ không kiểm định mà chỉ võ đoán?

Thứ hai, về biên bản thí nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm do ông Mè Anh Vinh và ông Lê Hà Giang đại diện cho Cty Côn Xương lập. Chỉ căn cứ vào ngày, giờ lập biên bản mà CA tỉnh Phú Thọ đã cho rằng ông Vinh có dấu hiệu làm giả mạo giấy tờ với dụng ý xấu. Mặc dù ông Vinh đã nhiều lần đề nghị CA tổ chức đối chất với Cty Côn Xương và ông Lê Hà Giang nhưng không được chấp nhận. Trên thực tế, trong suốt thời gian hợp tác với Cty Côn Xương, ông Lê Hà Giang luôn là người đại điện của Côn Xương để làm việc với ông Vinh. Việc ông Giang nghỉ ở Cty Côn Xương vào thời gian nào và vì sao ông Giang nghỉ rồi mà vẫn tiếp tục giúp Côn Xương giải quyết công việc thì ông Vinh không rõ. Là đối tác, ông Vinh chỉ biết ông Giang là người của Côn Xương cử lên làm thí nghiệm theo yêu cầu của Cty Phú Mĩ Vinh. Biên bản đánh giá kết quả thí nghiệm chỉ là một tờ giấy viết tay được lập giữa ông Vinh và ông Giang, không có con dấu của hai bên Cty nên không có giá trị pháp lí. Trong các giao dịch dân sự, cách này thường được sử dụng để các bên cùng ghi nhớ một sự việc có thực xảy ra và chỉ có ý nghĩa khi các đối tác còn tin tưởng và muốn làm ăn với nhau. Việc CA tỉnh Phú Thọ vin vào một biên bản viết tay không có giá trị pháp lí để nói ông Vinh lập “giấy tờ khống giả mạo với dụng ý xấu” là cố tình hình sự hóa vấn đề.

Cuối cùng, điểm mấu chốt để thấy rõ CA tỉnh Phú Thọ lạm dụng quyền hạn nhũng nhiễu doanh nghiệp là hành động tạm giữ chiếc xe ô tô tải, phương tiện ông Mè Anh Vinh đang sử dụng. Lấy lí do “nghi ngờ” chiếc xe trên được ông Vinh mua bằng nguồn tiền của Cty Côn Xương nên CA tỉnh Phú Thọ tạm giữ để điều tra. Chiếc xe này ông Vinh mua lại của Cty TNHH Phương Nam, tuy đã đứng tên đăng kí nhưng mới trả cho Cty Phương Nam 45 triệu đồng, số tiền còn lại vẫn nợ và đang làm thủ tục thế chấp xe cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư tại thị xã Phú Thọ. Ngay sau khi chiếc xe bị tạm giữ, Cty TNHH Phương Nam đã đến làm việc với CA tỉnh Phú Thọ để giải thích rõ chiếc xe trên là vốn của Cty Phương Nam đồng thời đề nghị trả lại xe để Cty làm thủ tục thế chấp ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn của Cty. Nguồn gốc của chiếc xe khá rõ ràng, không hề liên quan tới vụ việc tranh chấp giữa ông Vinh và Cty Côn Xương vậy nhưng CA tỉnh Phú Thọ vẫn bỏ ngoài mọi lí lẽ, vô cớ tạm giữ chiếc xe ô tô tải nói trên. Phải chăng đây là hành vi “bắt nợ” giúp Cty Côn Xương? Bởi xét cho cùng thì giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa hai bên là chức năng của tòa án chứ không thuộc thẩm quyền của CA.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất